Điện Biên: Đảm bảo cung ứng giống cho mùa trồng rừng

Kinh tế - Ngày đăng : 11:01, 04/05/2021

(TN&MT) - Ðể góp phần đạt được mục tiêu trồng 1.150ha rừng, hiện nay công tác chuẩn bị và kiểm tra chất lượng cây giống được các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên chủ động thực hiện, sẵn sàng đảm bảo cung ứng giống cho mùa trồng rừng.

Nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Điện Biên sản xuất cây giống để phục vụ kế hoạch trồng rừng. Ảnh: Phạm Trung

Theo kế hoạch, năm 2021 toàn tỉnh Điện Biên sẽ trồng 150ha rừng phòng hộ (trên địa bàn các huyện Ðiện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng, Mường Chà) và 1.000ha rừng sản xuất và cây Mắc ca. Ðể góp phần đạt được mục tiêu trên, hiện nay công tác chuẩn bị và kiểm tra chất lượng cây giống được các đơn vị, doanh nghiệp chủ động thực hiện, sẵn sàng đảm bảo cung ứng đầy đủ giống cho mùa trồng rừng.

Hiện nay toàn tỉnh Điện Biên có 7 đơn vị, doanh nghiệp gieo ươm và cung ứng cây giống lâm nghiệp. Ðể đáp ứng nhu cầu cây giống trồng rừng, các vườn ươm đã chủ động nguồn cây, ươm giống đảm bảo chất lượng cây trồng. Tại vườn ươm cây giống của Doanh nghiệp tư nhân Tuấn Anh Mường Ảng, công nhân tích cực chăm sóc, kiểm tra các loại cây giống, đảm bảo chất lượng cung ứng thị trường.

Ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Tuấn Anh Mường Ảng cho biết: Doanh nghiệp đang ươm 2 loại cây giống, gồm: Giổi găng và mỡ (mỗi loại 6 vạn cây); dự kiến khoảng gần 1 tháng nữa cây giống đủ điều kiện về kích thước, chất lượng xuất bán. Chất lượng cây giống được lựa chọn ngay từ nguyên liệu đầu vào; quá trình ươm được thực hiện đầy đủ các bước, quy trình, phòng trừ sâu bệnh và được cơ quan chức năng kiểm tra đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn trước khi xuất bán.

Năm 2021, huyện Mường Ảng được giao trồng 50ha rừng phòng hộ.

Năm 2021, Ban Quản lý rừng phòng hộ Mường Chà được giao trồng 21ha rừng phòng hộ. Ðể đảm bảo công tác trồng rừng đạt kế hoạch đề ra, ngoài công tác tuyên truyền, vận động người dân đăng ký trồng rừng, tổ chức thiết kế ngoài thực địa, đơn vị chủ động ươm gieo cây giống.

Ông Nguyễn Quốc Thắng, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Chà chia sẻ: Với diện tích 21ha rừng trồng cần ít nhất hơn 3 vạn cây giống. Ðể chủ động nguồn giống, Ban đã thực hiện gieo ươm được 2 vạn cây giống các loại. Do độ tuổi các giống cây lâm nghiệp đưa vào trồng khác nhau, chính vì vậy Ban chủ động gieo ươm trước mùa trồng rừng cả năm. Ví dụ, với cây ban, cây sấu, độ tuổi đưa vào trồng phải đạt từ 16 - 18 tháng; cây vối thuốc, giổi xanh phải đạt từ 7 - 9 tháng mới có thể đưa vào trồng; keo tai tượng thời gian gieo ươm cũng từ 4 - 5 tháng… Do năm 2020 trên địa bàn huyện không thực hiện được kế hoạch trồng rừng nên một số loại cây giống của năm trước được đơn vị chăm sóc, bảo quản để phục vụ mùa trồng rừng năm nay. Hiện nay, cơ bản các loại cây giống đang sinh trưởng tốt, đảm bảo đủ các điều kiện để triển khai trồng rừng.

Theo bà Mai Hương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Điện Biên), những năm gần đây, nguồn giống cây lâm nghiệp tương đối dồi dào, không xảy ra tình trạng thiếu cây giống; cơ cấu giống cũng rất đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tế, phục vụ nhu cầu trồng rừng của các địa phương, đơn vị. Theo kế hoạch, mùa trồng rừng năm 2021 từ ngày 15/5 đến hết tháng 7. Ðể kịp thời cung ứng cây giống cho các đơn vị, địa phương trồng rừng, các cơ sở ươm cây giống trên địa bàn tỉnh đang tập trung chăm sóc cây giống. Hiện nay, 7 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã gieo ươm được khoảng 2 - 3 triệu cây giống đáp ứng đủ nhu cầu, diện tích trồng rừng trên địa bàn tỉnh. Các loại cây giống chủ yếu là keo tai tượng, mỡ, giổi găng.

Tỉnh Điện Biên đáp ứng đầy đủ giống cây trồng cho mùa trồng rừng.

Ðể bảo đảm chất lượng rừng trồng, Chi cục Lâm nghiệp đã tăng cường kiểm tra chất lượng cây giống tại các cơ sở gieo ươm. Qua kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp, chủ các vườn ươm đã lựa chọn hạt giống có nguồn gốc rõ ràng; tuân thủ theo đúng quy trình sản xuất từ trộn đất, đóng bầu, ươm hạt và chăm sóc. Vì vậy cây giống sinh trưởng, phát triển tốt, không sâu bệnh. Ðối với những cây chưa đủ tuổi, tiêu chuẩn, quy chuẩn, bị sâu bệnh, Chi cục yêu cầu chủ vườn ươm không xuất bán. Chi cục cũng khuyến cáo các địa phương, đơn vị chủ đầu tư trồng rừng khi mua cần kiểm tra về chất lượng, độ tuổi cây giống, tuyệt đối không mua cây trôi nổi không có nguồn gốc rõ ràng.

Ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Điện Biên cho biết: Việc triển khai kế hoạch trồng rừng trên địa bàn tỉnh cũng đang gặp phải một số khó khăn. Hiện tại, chưa thể bố trí kinh phí cho các địa phương thực hiện kế hoạch trồng rừng phòng hộ năm 2021, do dự án Bảo vệ và phát triển rừng đến năm 2020 trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, tỉnh Điện Biên đã hết giai đoạn đầu tư. Để tháo gỡ khó khăn trên, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện các thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư thực hiện dự án Bảo vệ và phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương chủ động tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch trồng rừng.

Hà Thuận