Đà Nẵng nhận khuyết điểm trước Thủ tướng về công tác chống dịch

Xã hội - Ngày đăng : 06:04, 04/05/2021

Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nhận trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những hạn chế, thiếu sót trong công tác phòng chống dịch.
Đà Nẵng lấy mẫu xét nghiệm với các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc COVID-19. Ảnh: Thế Phong

Kích hoạt toàn bộ hoạt động chống dịch COVID-19

Sáng 3/5, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Quảng và Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch thành phố và các quận huyện để rà soát và chỉ đạo một số biện pháp cấp bách quyết liệt nhằm ngăn chặn dịch bệnh.

 Theo UBND thành phố Đà Nẵng, trong những ngày nghỉ lễ vừa qua, có trên 74.000 người đến Đà Nẵng du lịch, tham quan, nghỉ ngơi (giảm 40% so với dự kiến) và các du khách cũng đã được tuyên truyền thực hiện các biện pháp phòng dịch. Tuy vậy, tại một số nơi, nhất là tại các bãi biển xuất hiện tình trạng du khách không đeo khẩu trang mà chưa được nhắc nhở hoặc xử lý nghiêm. Những hình ảnh vi phạm cho thấy hiện tượng lơ là, chủ quan, thiếu cảnh giác cũng như công tác tuyên truyền chưa tích cực, các biện pháp kiểm tra, giám sát, xử lý của các địa phương đơn vị tiến hành chưa chặt chẽ, nghiêm túc.

Tại cuộc họp về công tác phòng chống COVID-19 ngày 2/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phê bình, nhắc nhở, yêu cầu  Đà Nẵng và một số địa phương khác nghiêm túc rút kinh nghiệm và kịp thời chấn chỉnh nghiêm tình trạng không tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia, nhất là việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc nơi công cộng.

Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Quảng, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đã nhận trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những hạn chế, thiếu sót trong công tác phòng chống dịch.

Đồng thời, Bí thư Thành uỷ cũng chỉ ra những mặt hạn chế, bất cập giữa chỉ đạo và thực tiễn triển khai thực hiện nên các kết quả chưa đạt so với yêu cầu; chỉ đạo các địa phương cần nghiêm túc kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Đồng thời yêu cầu cả hệ thống chính trị cần vào cuộc quyết liệt, chặt chẽ trong cuộc chiến phòng chống dịch.

Theo chỉ đạo của Bí thư Thành uỷ, trước mắt, phải kích hoạt toàn bộ hoạt động cũng như lực lượng phòng chống dịch của các địa phương, đơn vị; bổ sung lực lượng để tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở vận động nhân dân tại các khu dân cư, các điểm sinh hoạt cộng đồng, bãi biển, tham gia kiểm soát, phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các chợ, siêu thị, nhà hàng, trường học, bệnh viện, cơ sở khám  chữa bệnh … thực hiện đúng quy định về đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch.

Lưu ý các trường hợp người dân từ các địa phương trở về lại Đà Nẵng sau kỳ nghỉ lễ; tiếp tục áp dụng quy định cách ly tại nhà/nơi lưu trú  đối với người đến Đà Nẵng từ các xã phường có ca mắc cộng đồng; cách ly tập trung đối với người từ khu vực phong toả, ổ dịch …; tăng cường hoạt động kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để tăng hiệu quả giáo dục, răn đe.

Bí thư Thành ủy cũng chỉ đạo triển khai các phương án bảo đảm an toàn trong quá  trình tiến hành tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND và bầu cử tại các điểm bầu cử, khu vực bầu cử; yêu cầu Sở Y tế về việc kích hoạt khu ký túc xá phía tây để sẵn sàng tiếp nhận, cách ly các trường hợp F1, F2 và các trường hợp liên quan khác; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện sẵn sàng thiết lập thêm khu cách ly khác khi cần thiết.

Đà Nẵng quyết định cách ly 11 người tại khách sạn Phú An, số 48 đường 2 tháng 9, nơi có bệnh nhân COVID-19 làm việc - Ảnh: Lưu Hương

Cách ly 11 người tại khách sạn có ca mắc COVID-19

Tối 3/5, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng quyết định áp dụng biện pháp cách ly tại cơ sở lưu trú để phòng chống dịch COVID-19.

Theo đó, Đà Nẵng quyết định ly 11 người tại khách sạn Phú An (số 48 đường 2 tháng 9, phường Bình Hiên, quận Hải Châu)  nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Thời gian áp dụng các biện pháp cách ly là 14 ngày, kể từ 16h ngày 3/5 cho đến khi Ban Chỉ đạo có quyết định chấm dứt.

Trước đó, bệnh nhân N.T.N (nam, SN 1993, địa chỉ Hội An) được xác định mắc COVID-19 tại Đà Nẵng. Bệnh nhân N.T.N là nhân viên bán vé khu vực Spa tại Khách sạn Phú An từ ngày 28/4/2021. Ngày 3/5, bệnh nhân có kết quả dương tính với virus SAR-CoV-2. Hiện tại, BN được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi, Đà Nẵng.
 

Các nhân viên y tế triển khai biện pháp cách ly y tế tại khách sạn An Phú - Ảnh: Lưu Hương

Tạm dừng nhiều hoạt động

Tối 3/5, UBND thành phố Đà Nẵng có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị, địa phương, đoàn thể, doanh nghiệp… trên địa bàn về việc tạm dừng các hoạt động không thiết yếu để phòng, chống dịch COVID-19.

Công văn nêu rõ, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trong thời gian vừa qua, đặc biệt thành phố đã ghi nhận ca mắc ngoài cộng đồng; quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 570/CĐ-TTg ngày 02/5/2021 về việc chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu từ 0 giờ 00 phút, ngày 04/5, tạm dừng một số hoạt động không thiết yếu cho đến khi có thông báo mới.

Cụ thể, các hoạt động tạm dừng bao gồm:

Các hoạt động lễ hội văn hóa, thể thao, tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự, các sự kiện biểu diễn nghệ thuật.  Hoạt động của các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu tại các khu, điểm vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, quán bar-pub, vũ trường, karaoke, mát-xa, trò chơi điện tử, rạp phim, casino, điểm cung cấp dịch vụ internet công cộng; hoạt động khu phố đi bộ, chợ đêm. Tổ chức ăn, uống tập thể (đám hiếu, đám hỷ, tiệc liên hoan, tân gia…) tập trung quá 30 người (khuyến khích người dân tổ chức đơn giản, gọn, không tập trung đông người).

Hoạt động thể dục, thể thao, thể hình tại phòng tập gym, yoga, bida; hoạt động thể thao trong nhà; hoạt động thể thao, võ thuật có tiếp xúc trực tiếp; hoạt động tắm biển. Hoạt động dạy và học tại các trường mầm non, nhóm trẻ (đối với cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở còn lại, khuyến khích dạy học trực tuyến).

Đối với các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (kể cả quán ăn, uống trên vỉa hè) phải thực hiện cam kết phòng, chống dịch theo quy định; khuyến khích đặt hàng và bán hàng qua mạng, bán hàng mang đi.

Phương tiện vận tải hành khách công cộng (kể cả taxi, grab car) trên địa bàn thành phố được hoạt động nhưng vận chuyển không quá 1/2 số người cho phép đối với mỗi loại phương tiện và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Các hoạt động khác ngoài các hoạt động tạm dừng được hoạt động nếu có cam kết và đủ điều kiện thực hiện các nội dung, biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; trường hợp không đáp ứng đầy đủ thì buộc tạm dừng hoạt động cho đến khi đảm bảo yêu cầu công tác phòng, chống dịch COVID - 19.

Đối với các sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế, xã hội thực sự cần thiết phải tổ chức thì do cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Theo Chinhphu.vn