Quy định hạn chế về than và củi ướt trong nhà chính thức có hiệu lực ở Anh

Thế giới - Ngày đăng : 10:45, 03/05/2021

(TN&MT) - Việc hạn chế bán than, củi ướt và nhiên liệu rắn chế tạo dùng để đốt trong nhà vừa mới chính thức có hiệu lực ở Anh khi chính phủ nước này nỗ lực cắt giảm ô nhiễm không khí.

Anh vẫn cho phép sử dụng bếp đốt củi và lò sưởi từ ngày 1/5/2021 nhưng phải sử dụng nhiên liệu là các chất thay thế sạch hơn. Ảnh: Alamy

Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn Vương quốc Anh cho biết bếp đốt bằng củi và lò sưởi vẫn có thể được sử dụng từ ngày 1/5 tại Anh nhưng phải được cung cấp nhiên liệu bằng các chất thay thế sạch hơn.

Bếp củi và lò sưởi là nguồn cung cấp PM2.5 lớn – loại chất được WHO xác định là chất gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất đối với sức khỏe con người, đặc biệt là ở trẻ em và người lớn tuổi. Chúng là một nguồn chính của chất ô nhiễm PM2.5, có thể đi vào máu, ở lại trong phổi và các cơ quan khác và đã được Tổ chức Y tế Thế giới xác định là chất gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất đối với sức khỏe con người.

Theo chiến lược không khí sạch của chính phủ, việc hạn chế than và củi ướt trong nhà đồng nghĩa rằng không thể bán than đóng bao và củi ướt dưới 2 mét khối và củi ướt với khối lượng lớn hơn phải được bán kèm theo khuyến cáo về cách làm khô trước khi đốt. Những thay đổi này cũng có nghĩa là tất cả các nhiên liệu rắn được sản xuất hiện nay phải có hàm lượng lưu huỳnh thấp và chỉ thải ra một lượng khói nhỏ.

Ngoài ra, một chương trình chứng nhận mới sẽ liên quan đến việc các sản phẩm được chứng nhận và dán nhãn bởi các nhà cung cấp để đảm bảo chúng có thể dễ dàng được xác định và các cửa hàng bán lẻ sẽ chỉ có thể bán nhiên liệu với nhãn chính hãng.

Bộ trưởng Môi trường Anh Rebecca Pow cho biết: “Ô nhiễm không khí ở cấp độ quốc gia đã giảm đáng kể từ năm 2010 - với lượng phát thải các chất dạng hạt mịn giảm 11% và nitơ oxit là 32% - nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm để giải quyết ô nhiễm từ tất cả các nguồn, bao gồm vận tải, nông nghiệp, công nghiệp và đốt nhiên liệu trong nước”.

Người quản lý dự án và chính sách cao cấp của Tổ chức Phổi Anh Quốc, bà Harriet Edwards cho biết các hạn chế mới có thể cứu sống hàng triệu người mắc các bệnh mãn tính về phổi.

“Điều quan trọng là chúng ta phải giải quyết tất cả các nguồn gây ô nhiễm không khí này và nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của các chất gây ô nhiễm không khí để mọi người có thể đưa ra những lựa chọn tốt nhất cho sức khỏe của chính mình cũng như sức khỏe của những người xung quanh”, bà Harriet Edwards nhấn mạnh.

Vân Anh