Điện Biên: Biển thông tin trên đồi A1, nên có thêm cả tiếng nước ngoài
Du lịch - Ngày đăng : 10:41, 03/05/2021
Biển ghi thông tin hiện vật trên đồi di tích lịch sử A1, Điện Biên nới diễn ra trận chiến cam go giữa bộ đội Việt Nam và quân Pháp, năm 1954... |
Vị cựu chiến binh, người Hà Nội - lên Điện Biên tham quan, du lịch dịp 7/5 (là ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954)- . Dạo quanh một vòng đồi A1, ông nghỉ chân ở Lô cốt Cây đa cụt, nói với tôi như thế.
Rồi ông tự trần tình với câu nói của mình bằng một chuỗi cảm quan, suy nghĩ: Quần thể di tích, lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ chỉ có một, không hai. Đặc biệt, có ý nghĩa rất lớn không riêng gì với Việt Nam mà cả các nước trên thế giới ưa chuộng hòa bình chống lại những cuộc chiến phi nghĩa. Nên di tích lịch sử quần thể Chiến trường Điện Biên Phủ không chỉ có giá trị đơn thuần về văn hóa, mặt lịch sử mà còn có ý nghĩa về quân sự, lòng tự hào dân tộc… mang tầm cỡ toàn cầu về quy mô, về chiến lược quân sự của Đảng cộng sản Việt Nam, của Bác Hồ và đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Vì thế, các biển ghi thông tin, dẫn nguồn lịch sử ở đồi di tích, lịch sử A1 nói riêng và quần thể di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ nói chung, ngành du lịch tỉnh Điện Biên nên thiết kế gắn cả tiếng Anh, tiếng Pháp để khách du lịch là người nước ngoài có thể biết được thông tin về cuộc chiến ghi trên các hiện vật, địa danh, địa điểm… có trong quần thể di tích, lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ. Đây là niềm tự hào dân tộc và là bản chụp lên án những cuộc chiến phi nghĩa của quân xâm lược.
Một cựu chiến binh người Hà Nội cho rằng: biển ghi thông tin hiện vật nên bổ sung thêm cả tiếng nước ngoài. |
Người lính già trầm ngâm: Chiến tranh là một hình thức lao động khổ sai, nên hãy giữ hòa bình bằng mọi giá. Không phải chúng ta khắc sâu thêm hận thù mà đơn thuần để cho những người ngoại quốc họ thấy được tinh thần yêu nước của dân tộc ta và cũng là để họ hiểu thêm những gì còn lại sau chiến tranh là những tổn thất của cả bên được và bên mất.
Ông cũng lí giải thêm. Vì sao phải đề thêm cả tiếng Anh vì đó là ngôn ngữ phổ thông của Thế giới. Còn tiếng Pháp là tiếng dành cho những khách du lịch Pháp, đặc biệt đối với những cựu chiến binh Pháp và các thế hệ con, cháu của những người lính Pháp họ có cơ hội đến thăm nơi cha ông họ từng tham gia trận chiến phi nghĩa ấy… và đó cũng là một điểm cộng trong ngành du lịch để Điện Biên thu hút khách là người ngoại quốc.
Ông cho con hỏi quý danh ạ? (- PV) Người lính già mỉm cười đáp: Cứ gọi tôi là Tuấn. Bác Tuấn Hà Nội. Tôi không tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ… mà tôi đi tìm… anh tôi! Ông thoáng buồn… Trong cuốn sổ tay ghi lại những nơi ông đến, có câu thơ xúc động:
“Anh đã ở đâu giữa trời đất thẳm xanh?
Em đã đi tìm mười năm rồi không gặp.
-Trận Him Lam trên đồi cỏ cháy;
Anh hy sinh trong trận giáp lá cà…”
Rất nhiều đoàn du lịch là Cựu chiến binh lên thăm Chiến trường Điện Biên Phủ. |
Chia tay người lính già ở Lô cốt Cây đa cụt, chúng tôi ghi nhận, tại khu di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ, đồi A1 có rất nhiều biển thông tin và biển dẫn nguồn lịch sử ghi rõ thời gian, địa điểm… trích dẫn thông tin liên quan đến số liệu, tư liệu, dữ kiện… xoay quanh trận chiến giữa quân đội Việt Nam và quân xâm lược Pháp, tại Chiến trường Điện Biên Phủ, năm 1954. Tuy nhiên tại các biển thông tin, dẫn nguồn lịch sử trên đồi di tích, lịch sử A1 và Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng và hầm Đờ - cát chỉ ghi một loại ngôn ngữ đó là tiếng Việt.
Ngoài ra, khu vực trưng bày hiện vật đồi di tích, lịch sử A1 còn có nhiều tấm tôn xanh lợp thừa đắp đống và một số xô nhựa trồng cây cảnh vứt chỏng trơ tại khu trưng bày hiện vật. Điều đó làm giảm đi ý nghĩa, giá trị của các hiện vật ở khu trưng bày, khiến người xem lầm tưởng đây là kho chứa phế liệu.
Khu trưng bày hiện vật của di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ, đồi A1 có cả những tấm tôn xanh...
|
Điều này, ngành du lịch Điện Biên sớm khắc phục và nếu ý kiến của người lính già ở trên có lí thì Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên nên xem xét, chỉnh sửa, bổ sung.