Khơi thông nguồn lực tài nguyên cho phát triển bền vững
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 23:23, 29/04/2021
Hóa giải thách thức, tạo dựng dấu ấn
Nhìn lại bức tranh quản lý TN&MT trong quý I, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá, những tháng đầu năm 2021 là khoảng thời gian đặc biệt với thế giới và Việt Nam, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và ngành TN&MT. Trong bối cảnh đó, bám sát chủ trương của Đảng, Quốc hội, sự chỉ đạo điều hành sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, ngành, đặc biệt là nỗ lực, quyết tâm vào cuộc của các địa phương, toàn ngành TN&MT đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Theo đó, Bộ TN&MT đã bám sát kế hoạch làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, tập trung thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021.
Bộ đã tập trung tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI và thi hành Luật Đất đai năm 2013; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổng kết đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản.
Thành phố Hạ Long nhìn từ trên cao. |
Tiếp thu giải trình ý kiến thành viên Chính phủ để ban hành 4 Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo Quyết định quy định về cấp độ rủi ro thiên tai, dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai. Đối với các văn bản (20/23 văn bản) có thời hạn trình trong 9 tháng cuối năm 2021, các đơn vị được giao chủ trì xây dựng văn bản đã chủ động thực hiện các quy trình thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và cơ bản đáp ứng tiến độ.
Một trong những điểm nhấn về thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành là Bộ đã triển khai 11 thủ tục thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, tiếp tục kết nối, vận hành chính thức 3 thủ tục mới bổ sung năm 2020 liên quan đến nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Nâng cấp Cổng Dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ (https://dichvucong.monre.gov.vn), triển khai 54 dịch vụ công (DVC) mức độ 4, đạt tỷ lệ 50,5% (trong đó, kết nối liên thông 1 DVC đến địa phương và 5 DVC với Hệ thống hải quan một cửa quốc gia). Tích hợp hệ thống thanh toán trực tuyến, chính thức cung cấp 38 thủ tục hành chính và phối hợp với các địa phương thử nghiệm cung cấp dịch vụ đăng ký biến động trong cấp Giấy chứng nhận trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Vận hành Hệ thống thông tin báo cáo tổng hợp ngành TN&MT (tại địa chỉ: https://bcth.monre.gov.vn); kết nối, tích hợp với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ với 4 biểu mẫu liên quan đến các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội; dữ liệu giám sát các hồ chứa, công trình thủy điện; cung cấp dịch vụ bản đồ nền tỷ lệ 1/18.0000 đến 1/20.000.000.
Cũng trong quý I, Bộ triển khai 2 đoàn kiểm tra về đất đai tại 4 tỉnh, thành phố; 14 cuộc kiểm tra đột xuất về lĩnh vực địa chất, khoáng sản trên địa bàn 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ đã tiếp 58 lượt công dân (giảm 2 lượt và 83 người so với cùng kỳ) với nội dung khiếu nại chủ yếu liên quan đến việc thu hồi đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và một số trường hợp tố cáo sai phạm trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường... Bộ TN&MT đã hoàn thành xử lý và trả kết quả đối với 72 hồ sơ đề nghị thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Đổi mới tư duy hành động
Trên tinh thần quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ mới là “Kỷ luật, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, thời gian tới, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các đơn vị cần tập trung rà soát đánh giá lại công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trong đó, cần làm rõ những vướng mắc giữa thực tiễn với các chính sách. Chú trọng công tác sửa đổi văn bản pháp luật cho phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước.
Một trong những nhiệm vụ được Bộ trưởng chú trọng chỉ đạo lần này là tập trung xem xét lại công tác tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ, phân cấp phân quyền, quản lý trên từng lĩnh vực cụ thể, tránh chồng chéo trách nhiệm trong từng đơn vị quản lý. Cần mạnh dạn đổi mới sáng tạo để có thể giảm được các cấp trung gian, lựa chọn được các cán bộ ưu tú, hoàn thành tốt các quy định mới của Chính phủ về sắp xếp tổ chức bộ máy và quy định về quản lý công chức, viên chức.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần rà soát ưu tiên các nhiệm vụ trọng tâm cơ bản, trong đó, chú trọng đến công tác chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin chung cho các lĩnh vực quản lý của Bộ. Qua đó, tạo đà thúc đẩy, giải phóng nguồn lực về tài nguyên phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm quý II/2021, Bộ tập trung triển khai Tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/12/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương Tổng kết Nghị quyết và tổng kết thi hành Luật Đất đai đảm bảo tiến độ theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương.
Xây dựng Chương trình hành động của ngành, triển khai Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 và Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 của đất nước để ban hành ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết. Ban hành Kế hoạch cắt giảm 20% thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
Tập trung triển khai Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2021; rà soát, đề xuất bổ sung kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với những vấn đề bức xúc, điểm nóng phát sinh. Tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là các vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài; các vụ việc đông người trong thời gian diễn ra bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Tổ chức triển khai có hiệu quả các quy định mới của Chính phủ về sắp xếp tổ chức bộ máy và quy định về quản lý công chức, viên chức. Hoàn thành phê duyệt nhiệm vụ chuyên môn mở mới năm 2021. Thẩm định, phân bổ kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường Trung ương còn lại năm 2021.
Trong quý I/2021, Bộ TN&MT đã hoàn thành xử lý 65 hồ sơ về chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất có rừng phòng hộ, đặc dụng. Lũy kế hoàn thành 88% khối lượng công việc rà soát, cắm mốc ranh giới; đo đạc, lập bản đồ địa chính đối với 95,1% diện tích đất do công ty nông nghiệp, lâm nghiệp sử dụng. Kịp thời chỉ đạo các địa phương tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về giá đất đối với việc sốt đất trong thời gian vừa qua; hướng dẫn đôn đốc các địa phương trong thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; thẩm định 40 khung chính sách đối với các dự án đầu tư công trọng điểm. Nguồn thu từ đất trong quý I/2021 đạt 32,2 nghìn tỷ đồng, đóng góp 12% thu ngân sách nội địa.
Cùng với đó, triển khai xây dựng, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn; đôn đốc thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học đảm bảo tính khả thi, khả năng ứng dụng vào thực tiễn. Xây dựng Đề án tổng thể quản lý thông tin - cảnh báo sớm trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi và trung du.
Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử của Bộ, của ngành; bảo đảm công tác an toàn thông tin. Thực hiện nghiêm Chỉ thị của Bộ trưởng và Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện ký số 100% các văn bản, trừ các văn bản mật; Triển khai, nhân rộng thay đổi phương thức làm việc, chỉ đạo, điều hành trên môi trường điện tử thực hiện cụ thể hóa chủ trương phát triển Chính phủ điện tử hướng tới ngành tài nguyên môi trường số, Chính phủ số.
Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành bảo đảm được cập nhật thường xuyên, kết nối, liên thông với Chính phủ, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia phục vụ hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ, các đơn vị trực thuộc và ở địa phương. Triển khai việc thực hiện báo cáo thông qua Hệ thống thông tin báo cáo của Văn phòng Chính phủ…
Với những quyết sách lớn, giải pháp trọng tâm, với khí thế mới, quyết tâm cao, cùng những kết quả đạt được trong thời gian qua, toàn ngành Tài nguyên và Môi trường đang tràn đầy khí thế chung sức, đồng lòng, thi đua sáng tạo hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đặt ra trong thời gian tới.