Dặm dài đất mẹ miền Trung
Xã hội - Ngày đăng : 15:23, 29/04/2021
Đã ngần ấy năm rồi, tôi cũng như triệu trái tim trên dải đất hình chữ S, nghẹn ngào đẫm lệ khi nghe tin vị tướng tài ba của dân tộc về với non sông, về với lòng đất mẹ Quảng Bình.
Đại tướng đã về với đất mẹ dưới chân dãy Hoành Sơn, là điểm đầu tiên của “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” mà khi xưa Nguyễn Bỉnh Khiêm nhắc đến. Cảnh trời mây biển cả mênh mông khoáng đạt; và, hơn tất thảy, Đại tướng đã yên nghỉ trong tình yêu và sự biết ơn của đồng bào.
Miền Trung. Có cô sinh viên xóm nghèo Hà Tĩnh vào Đà Nẵng theo học, viết thư cho ba đi lao động nước ngoài, rằng: “Giờ chắc ba đang bốc hàng ngoài cảng, không biết khi nào mới về quê thăm mẹ và con. Giờ này, mẹ đang còng lưng ngoài ruộng. Con vẫn ở trường, tháng Tư đỏ lửa, dọc miền duyên hải mênh mông nắng. Nắng chồng nắng! Trẻ con người già gom hết trong nhà, trong xóm, chỉ ngồi nhìn nhau thôi. Con cũng muốn về với quê lắm...”. Miền Trung là thế, thời xưa thế, thời nay cũng thế! Âu thế, mà dù khốn dù khó, xứ Đàng Trong vẫn sản sinh ra nhiều “nhân kiệt”!
“Một vòng cung xanh/ Từ nam Bình Thuận đến bắc Nghệ An/ Dựa lưng Trường Sơn nhìn ra Biển Đông” ấy, đâu thiếu “địa linh nhân kiệt”. Ai đó đã nói rằng, viết về miền Trung sao không nói đến các danh nhân văn hóa, những lãnh tụ, chí sĩ yêu nước, hay đặc sản vùng miền, song, điều ấy, những điều đã biết. Có những chuyện ít biết, hoặc biết mà ít nhắc. Bận trước, tôi về lại Quảng Nam - mảnh đất “chưa mưa đã thấm” từng khắc trong lòng bao người. Ẩn mình trên một huyện miền núi xa xôi, làng Ðại Bình (Nông Sơn, Quảng Nam) được xem là ngôi làng “độc nhất vô nhị” của người Việt với những bức tranh quê thủy mặc mang dáng dấp của một ngôi làng vùng đất Nam Bộ.
Đèo Ngang, đoạn qua Hà Tĩnh |
Con đò nhỏ rẽ nước tiến sang bờ bên kia, Ðại Bình nằm gối đầu vào Hòn Ngạn. Nơi mảnh đất tròn như cái nong tằm, một nửa giáp sông, nửa giáp núi. Dọc hai bên làng, cạnh bờ sông Thu Bồn bãi cát bồi nhiều hơn lở, sau bãi cát là luỹ tre nằm lọt thỏm giữa những đống đất. Người dân địa phương thường gọi là “đường ngọn nước” - một khoảng đất màu mỡ và khô ráo, nơi người dân lập vườn, dựng nhà và là con đường ngang “độc đạo” nối liền Ðại Bình trong mùa mưa lũ.
Trong thế tựa lưng vào núi, ở Ðại Bình còn có một khu rừng Cấm. Con đường đến Cấm (theo tiếng địa phương) hai bên mọc đầy hoa dũ dẽ màu vàng, hoa sim, hoa mua tím. Gần bìa rừng là đình làng Nghĩa Trũng (nơi yên nghỉ của những âm linh). Hiện đình chỉ còn lại dấu tích ít ỏi vì đã bị hủy hoại trong trong lũ lịch sử năm 1964. Các bô lão trong làng kể lại rằng: Đại Bình còn có tên gọi khác là làng “Đại Bường”, là tên một làng cũ có cùng thời với những làng cũ nhất của Quảng Nam kể từ năm 1602, sau khi Nguyễn Hoàng thiết lập dinh trấn Quảng Nam và phân định hệ thống làng xã, phủ huyện. Làng có tên chữ chính xác là Đại Bình, nhưng vì có sự “húy kỵ” với tên một vị tiền bối khả kính nào đó nên dân gian gọi chệch “Bình” thành “Bường”.
Với tôi, những dòng sông đã làm nên tâm hồn, tính cách của người miền Trung. Nhẹ nhàng mà phóng khoáng. Như cơ man cuộc đời, như liêu xiêu làng mạc, cứ đằng đẵng tựa lưng vào dãy Trường Sơn ngàn năm mây trắng, vẫn đi hết hành trình bất biến và bất tận. “Lòng cứ mở toang ra trước biển/ Núi dựa lưng trăm nổi ghồ ghề/ Nên giọng nói không lẫn vào đâu được/ Dẫu muôn phương không quên một lối về”. Chẳng thể cắt nghĩa nổi, dù qua bao đau thương tang tóc, dù lận đận đói nghèo, dù cất công xây dựng hùng cường lại sụp đổ tàn hoang, dù trăm bề bất cập, nhưng miền Trung vẫn gồng mình đứng lên, lần sau mạnh hơn lần trước, đời nọ nối tiếp đời kia.
Quảng Trị mảnh đất lạ kì, nơi ôm ấp hai con sông từng mang vác sứ mệnh lịch sử làm dòng sông giới tuyến. Sông Bến Hải cắt chia hai miền Nam - Bắc sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954) và sông Thạch Hãn sau Hiệp định Pa-ri (1973). Từ ngày non sông thống nhất, Quảng Trị có hai nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia (cả nước chỉ có bốn nghĩa trang cấp quốc gia) đó là Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn và Nghĩa trang Đường 9… Rồi những địa danh từng vang vọng như Lao Bảo, Làng Vây, Khe Sanh, Tà Cơn, Phu-Lơ, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Cửa Tùng, Cửa Việt và đặc biệt Thành cổ Quảng Trị với trận chiến 81 ngày đêm máu lửa…
|
Bên bờ Bắc dòng Thạch Hãn, tượng đài mô phỏng 19 giọt máu lung linh soi bóng xuống dòng sông. Nhẹ và trầm ấm đúng chất giọng Quảng Trị, tôi được nghe những dòng thơ ăn sâu mọi tiềm thức qua thời đại: “Đò xuôi Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Giữ yên bờ bãi mãi ngàn năm”. Đã mấy chục năm rồi, câu chuyện về các anh, những người lính dũng cảm hiến dâng tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của Tổ quốc vẫn sống mãi trong lòng những người dân nơi đây. Đứng trên cầu Thạch Hãn hướng tầm mắt về phía Bắc, nơi từng diễn ra trận đánh vô tiền khoáng hậu của Trung đội Mai Quốc Ca anh hùng…
Cùng những hy sinh của Trung đội Mai Quốc Ca, sông Thạch Hãn còn là nghĩa trang không bia mộ của bao chiến sĩ Thành cổ kiêu hùng. Vào những ngày tháng Bảy, hoa cứ trôi mênh mang trên dòng Thạch Hãn. Dòng sông này có đến hai ngày Rằm tháng Bảy. Qua thời khắc âm dương là lung linh hàng vạn ngọn nến trong Lễ thả hoa đăng. Khác với Lễ thả hoa đăng báo hiếu mẹ cha vào Rằm tháng Bảy âm lịch, Lễ thả hoa đăng đêm 27/7 dương lịch để tưởng nhớ những chiến sĩ đã hi sinh vì đất nước. Ngày đó, dòng sông máu lửa năm xưa thành dòng sông hoa lửa - ngọn lửa của tâm linh thắm đượm nghĩa tình.
Chiều, trên dòng Thạch Hãn, mênh mang sóng nước, tôi nghe được cô gái chèo đò xa xa đưa đẩy mấy ca từ:
“Có con thuyền trong sương trắng/ Bồng bềnh như một cánh chim/ Có em chèo thuyền áo trắng/ Xôn xao như trốn như tìm/ Có vầng mặt trời rực sáng/ Bồi hồi như một trái tim”…