Tập trung quyết sách để tạo sự đột phá trong quản lý về TN&MT

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 14:51, 28/04/2021

(TN&MT) - Sáng 28/4, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành chủ trì buổi Họp báo thường kỳ nhằm thông tin tới các cơ quan thông tấn, báo chí các mục tiêu, chiến lược, chương trình hành động, kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2025 của ngành Tài nguyên và Môi trường. Đồng thời, thông tin nhiều vấn đề được dư luận cả nước quan tâm trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Theo đó, Bộ TN&MT đã giới thiệu và cung cấp tới phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí các chuyên đề như:  Kết quả công tác nổi bật Quý I và Chương trình công tác Quý II năm 2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Mục tiêu, chiến lược, chương trình hành động, kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 của ngành Tài nguyên và Môi trường; Kế hoạch thi hành Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020; Quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2021 của Bộ TN&MT.

Thứ trưởng Lê Công Thành phát biểu khai mạc buổi họp báo, 

Phát biểu khai mạc cuộc họp báo, Thứ trưởng Lê Công Thành cảm ơn sự đồng hành thường xuyên, hiệu quả của các phóng viên cơ quan thông tấn báo chí trong việc phối hợp Bộ và các cơ quan, tổ chức có liên quan để thông tin, tuyên truyền với các dấu ấn đậm nét, kịp thời, đa dạng chủ đề, nội dung liên quan đến lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường.

Thứ trưởng Lê Công thành cho biết, năm 2021 là năm đầu thực kế hoạch phát triển giai đoạn 2021 - 2025, do đó, ngành Tài nguyên và Môi trường đã đặt ra các mục tiêu, chiến lược, chương trình hành động, kế hoạch nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025.

Trong đó, toàn ngành sẽ tập trung xây dựng hoàn thiện đồng bộ các chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, chiến lược, Đề án về quản lý Tài nguyên và Môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt là xây dựng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn chi tiết Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, tiến hành đánh giá Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và tổng kết sửa đổi Luật Đất đai năm 2013.

Ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai trả lời câu hỏi của các cơ quan thông tấn báo chí

Thứ trưởng khẳng định, việc xem xét, sửa đổi các Luật về tài nguyên và môi trường phải thực sự xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu phát triển của xã hội; đồng thời đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số toàn ngành, cải cách hành chính, thủ tục hành chính từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo môi trường cho phòng chống dịch bệnh, tăng cường nguồn lực từ tài nguyên cho phát triển.

Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng hợp lý các nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Do đó, rất cần sự đồng hành của các cơ quan thông tấn báo chí trong hoạt động tuyên truyền, truyền thông lĩnh vực tài nguyên và môi trường trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Các phóng viên đặt câu hỏi tới Bộ TN&MT

Theo Báo cáo của Bộ TN&MT, Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 của ngành TN&MT bám sát 4 mục tiêu là: Xây dựng hoàn thiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật, quy hoạch, chiến lược về quản lý tài nguyên và môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng hợp lý các nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; Từng bước chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm chất lượng môi trường sống và cân bằng sinh thái, phấn đấu đạt các chỉ tiêu về môi trường tương đương với mức hiện nay của các nước công nghiệp phát triển trong khu vực.

Điều tra đánh giá tiềm năng, giá trị của các nguồn tài nguyên quan trọng, hoàn thành cơ bản các hạ tầng phục vụ quản lý thông minh, từng bước hiện đại hóa ngành, thực hiện thành công việc chuyển đổi số, xây dựng dựng chính phủ điện tử.

Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Bộ TN&MT đề ra 8 vấn đề gồm: cơ chế, chính sách; Xây dựng chiến lược, quy hoạch về tài nguyên và môi trường; Nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng các nguồn lực; Tạo chuyển biến căn bản trong công tác quản lý, hành động bảo vệ môi trường, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn; Công tác khí tượng thủy văn và thích ứng với biến đổi khí hậu; Tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường, sớm hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, quản lý thông minh; Tăng cường công tác thanh tra kiểm tra.

Trong đó, về cơ chế, chính sách: Xây dựng đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch tạo đột phá để quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các nguồn tài nguyên cho phát triển, giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cụ thể, Bộ hoàn thành xây dựng, trình ban hành các văn bản thực thi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Tập trung tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai, hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, các văn bản dưới luật; Sơ kết việc thi hành và nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Quang cảnh buổi họp báo

Đồng thời, thiết lập hàng rào kỹ thuật quy chuẩn, tiêu chuẩn tiệm cận các nước tiên tiến trong khu vực, chủ động phòng ngừa các nguy cơ ô nhiễm trong tiến trình hội nhập; xây dựng các giải pháp chiến lược để chủ chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện của từng vùng.
Ngoài ra, Bộ tập trung thanh tra, kiểm tra theo diện và theo chuyên đề để xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lý, sử dụng TN&MT, đặc biệt, đối với đất đai, khoáng sản và bảo vệ môi trường. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ và công khai, minh bạch trong việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, hoạt động sản xuất và đời sống của người có đất thu hồi; Tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động khoáng sản, đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Tại cuộc họp báo, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT đã trả lời nhiều câu hỏi được báo chí và dư luận quan tâm như: tình hình sốt đất; tình hình khai thác cát sỏi, đất vi phạm ở một số địa phương; vấn đề quy hoạch lưu vực sông; giải pháp hạn chế ô nhiễm không khí…

Liên quan đến tình hình sốt đất được dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây, ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, sau khi có dư luận về tình trạng này, Tổng cục đã tham mưu lãnh đạo Bộ có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố nhằm chấn chỉnh tình trạng sốt đất, trong đó, có yêu cầu các địa phương phải công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất.

Hiện nay, Tổng cục Quản lý đất đai đã tiếp nhận báo cáo của một số địa phương, Bộ đang chờ các địa phương khác gửi báo cáo để tổng hợp phân tích, các nguyên nhân để đưa ra các giải pháp phù hợp.

Trường Giang – Khương Trung