Đánh giá trữ lượng khoáng sản tại Yên Bái, Cao Bằng và Quảng Ninh

Tài nguyên - Ngày đăng : 14:50, 28/04/2021

(TN&MT) - Sáng 28/4 tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức cuộc họp Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phát biểu tại cuộc họp

Báo cáo kết quả thăm dò đá hoa khu vực thôn 8, xã Mường Lai, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, ông Vũ Văn Vương - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Bắc Bán cầu, đơn vị tư vấn cho biết: Trữ lượng đá hoa đạt tiêu chuẩn đá khối làm ốp lát là: 13.860 nghìn m³; trữ lượng đá hoa trắng kích thước khối < 0,4m³ làm bột cacbonat calci là: 24.283 nghìn tấn; trữ lượng đá hoa xám kích thước khối < 0,4m³ có thể sử dụng làm vật liệu xây dựng thông thường là: 53.744 nghìn m³.

“Mỏ có điều kiện khai thác thuận lợi, khi khai thác ít có tác động xấu tới môi trường sinh thái của khu vực, chất lượng đá hoa đáp ứng tiêu chuẩn làm nguyên liệu ốp lát và phần đá khối kích thước khối < 0,4m³ có chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất bột carbonat calci”, ông Vũ Văn Vương nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Trường Giang – Chánh Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia đánh giá, về cơ bản báo cáo đã thu thập, tổng hợp đầy đủ các kết quả thăm dò, xác định được đặc điểm địa chất khu mỏ, cũng như quy mô, chất lượng của đá hoa làm ốp lát, bột carbonat calci, làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích thăm dò.

Ông Nguyễn Trường Giang đề nghị chủ đầu tư (Công ty Cổ phần khoáng sản Lục Yên) và đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến của các ủy viên Hội đồng, đặc biệt liên quan đến việc hiện nay có một số công trình thăm dò chưa khống chế được hết các tầng đá hoa trắng, mạng lưới mẫu mặt chưa đảm bảo, nên cần tính toán lại và xếp đá hoa trắng vào cấp 122 đảm bảo an toàn. Ngoài ra, đối với độ thu hồi có 2 moong trong đá xám và đá khối, đề nghị lấy theo số lượng thực tế để tính độ thu hồi trong đá hoa xám làm đá ốp lát, cũng như độ thu hồi đá hoa trắng làm đá ốp lát và bột cacbonat calci. Đồng thời, rà soát lại báo cáo xây dựng chỉ tiêu tính trữ lượng, căn cứ vào số liệu của các công trình nghiên cứu ở trong vết nứt trong lỗ khoan để luận giải đưa ra chỉ tiêu hợp lý.

Báo cáo kết quả thăm dò nâng cấp trữ lượng mỏ sắt Nà Lũng, phường Duyệt Trung, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng, ông Nguyễn Ngọc Thơm – đại diện Chi nhánh Công ty Cổ phần Địa chất Việt Bắc – TKV – Xí nghiệp Địa chất 109, đơn vị tư vấn cho biết: Kết quả thăm dò tính đến thời điểm này có thể khẳng định triển vọng quặng sắt Nà Lũng, Cao Bằng qua một số thân quặng theo chiều sâu lỗ khoan khống chế có xu hướng giảm chiều dày và hàm lượng. Trữ lượng cấp 121+122 đạt 195.887 tấn kim loại sắt, thấp hơn mục tiêu đề án đề ra là trữ lượng cấp 121+122 là 1.164.169 tấn kim loại sắt.

Góp ý cho báo cáo, ông Nguyễn Văn Nguyên – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho rằng đơn vị tư vấn cần xem xét lại khái niệm mạch quặng và thân quặng, cũng như cần viết chính xác hơn các thuật ngữ chuyên môn.

Ông Bùi Tất Hợp – Văn phòng Chính phủ, Ủy viên Hội đồng cho rằng báo cáo cần đánh giá rõ thêm về lý do không đạt mục tiêu trữ lượng đề ra, khả năng nâng cấp tiếp các khối 333 hiện tại để làm cơ sở đầu tư khai thác. Ngoài ra, cần bổ sung số liệu khai thác, trữ lượng còn lại của giấy phép khai thác đã cấp.

Ông Đỗ Tuấn Diệp – Công ty CP Tin học, Công nghệ, Môi trường – Vinacomin báo cáo tại cuộc họp

Báo cáo kết quả thăm dò nâng cấp trữ lượng mỏ than Đèo Nai – Cọc Sáu, TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, ông Đỗ Tuấn Diệp – Công ty CP Tin học, Công nghệ, Môi trường – Vinacomin, đơn vị tư vấn cho biết: Tổng trữ lượng cấp 122 nâng cấp từ các khối tài nguyên cấp 333 trong phạm vi các giấy phép khai thác đã được Hội đồng công nhận tại Quyết định số 850/QĐ-HĐTLKS ngày 26/4/2012 là 44.389 nghìn tấn. Kết quả báo cáo đã cung cấp tài liệu địa chất tin cậy phục vụ đầu tư khai thác mỏ theo quy hoạch. Về công tác nghiên cứu chất lượng than, địa chất thủy văn – địa chất công trình (ĐCTV-ĐCCT), cung cấp tài liệu quan trọng định hướng cho việc khai thác của khu mỏ.

Tuy nhiên, khu vực Bắc đứt gãy F.B có diện tích nhỏ nhưng trải dài từ tuyến XX đến tuyến XXXV, cấu trúc vỉa than phức tạp nhiều nếp uốn, biến thiên chiều dày lớn. Vì vậy, việc bố trí công trình thăm dò tại đây để đảm bảo mạng lưới thăm dò theo quy định là tương đối khó khăn. Trong tương lai, khu vực này vẫn cần đầu tư thăm dò phục vụ khai thác để đảm bảo công tác khai thác có hiệu quả hơn.

Quang cảnh cuộc họp

Ông Lê Văn Lượng – Phó Chánh Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia đánh giá, trữ lượng cơ bản đạt mục tiêu đề án đặt ra. Một phần tài nguyên cấp 333 trong phạm vi các giấy phép khai thác đã bị khai thác, được tập thể tác giả thống kê trong báo cáo. Tài nguyên cấp 333 còn lại là 11.494 nghìn tấn, phân bố ở rìa các vỉa than và phần dưới sâu, chủ đầu tư (TKV) cần có kế hoạch thăm dò nâng cấp.

Hơn nữa, trong quá trình khai thác sau này, cần lưu ý các ý kiện nhận xét của các phản biện và của Ủy viên Hội đồng về mạng lưới thăm dò một số khối 122 và các đứt gãy dự kiến, cũng như công tác nghiên cứu ĐCTV-ĐCCT.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên – Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia và các Ủy viên Hội đồng đã nhất trí thông qua trữ lượng 44.389 nghìn tấn. Thứ trưởng đề nghị TKV và đơn vị tư vấn lưu ý, do đặc thù không thể kéo dài nên cần bổ sung trữ lượng để thiết kế khai thác 11.494 nghìn tấn phần tài nguyên cấp 333. Đồng thời, phần dưới sâu hoặc rìa các khối trữ lượng cũng phải lưu ý, trong quá trình quản lý, tổ chức, thực hiện vào thời điểm thích hợp có biện pháp nâng cấp để gia tăng trữ lượng có thể huy động vào khai thác, cũng như tiết kiệm triệt để tài nguyên.

Mai Đan