Hợp tác toàn diện trong quản lý nhà nước về biển, hải đảo
Biển đảo - Ngày đăng : 14:14, 28/04/2021
Tổng cục trưởng Tạ Đình Thi (bên phải) tặng hoa chào đón Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ (bên trái) tại buổi làm việc |
Tham dự buổi làm việc, về phía Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam có Tổng cục trưởng Tạ Đình Thi, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Quế Lâm cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam. Về phía Uỷ ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao có Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, phụ trách Ủy ban Biên giới Quốc gia Nguyễn Minh Vũ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Mạnh Đông cùng các đại diện Lãnh đạo Ủy ban Biên giới quốc gia và một số đại diện đơn vị liên quan của Bộ Ngoại giao.
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam nhấn mạnh, công tác quản lý biển và hải đảo là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng đòi hỏi cần có sự vào cuộc, tập trung của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý biển, hải đảo thì yêu cầu hợp tác, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan là hết sức cần thiết để tạo nên sức mạnh chung thực hiện tốt nhất nhiệm vụ đặt ra.
Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phát biểu |
Tổng cục trưởng Tạ Đình Thi đánh giá cao sự phối hợp, hỗ trợ rất lớn từ phía Bộ Ngoại giao, Uỷ ban Biên giới quốc gia trong thời gian qua đã giúp cho Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đạt được những kết quả quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về biển và hải đảo như xây dựng và triển khai các nhiệm vụ theo Nghị quyết 36-NQ/TW ngà 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 26/NQ-CP ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoach 5 năm thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW; đặc biệt trong các dự án hợp tác quốc tế như Dự án tiếp nhận tàu nghiên cứu biển do Nhật Bản tài trợ mới vừa ký công hàm trao đổi; một loạt các hội nghị quốc tế và một số dự án đào tạo, tăng cường năng lực…
Tổng cục trưởng mong muốn kết quả buổi làm việc sẽ được ghi nhận lại để trên cơ sở đó, các đơn vị liên quan có sự thống nhất trong triển khai nhiệm vụ, tạo điều kiện cho sự trao đổi, phối hợp chặt chẽ, chủ động, tích cực, thường xuyên hơn nữa giữa hai Cơ quan.
Tại buổi làm việc, Tổng cục Biển và Hải đảo đã có báo cáo chung về chương trình đề xuất phối hợp trong đó tập trung vào các nội dung quan trọng như: triển khai Đề án Hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030; triển khai xây dựng Đề án Việt Nam chủ động tham gia đàm phán và xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về chống rác thải nhựa đại dương; phối hợp triển khai các hoạt động của Văn phòng thường trực Ủy ban Chỉ đạo Nhà nước về Biển Đông - hải đảo và Văn phòng Cơ quan thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; và các vấn đề khác hai bên cùng quan tâm.
Đại diện lãnh đạo các đơn vị của hai Cơ quan đã chia sẻ, trao đổi, bàn bạc kỹ lưỡng về các vấn đề quan tâm, những khó khăn, vướng mắc cần sự phối hợp, tạo thuận lợi giữa hai bên để có thể triển khai hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng thời thống nhất về nguyên tắc các nội dung hợp tác chính, và những công việc cụ thể cần tập trung thực hiện ngay trong năm 2021.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu tại buổi làm việc |
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, phụ trách Uỷ ban Biên giới quốc gia Nguyễn Minh Vũ đánh giá cao những nỗ lực, chủ động của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam trong công tác tham mưu, xây dựng chính sách, đặc biệt là trong các hoạt động hợp tác quốc tế, cụ thể là xây dựng Nghị quyết 36-NQ/TW, Đề án hợp tác quốc tế phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt. Bộ Ngoại giao, Uỷ ban Biên giới quốc gia luôn sẵn sàng phối hợp và đồng thời cũng ý thức được nhiệm vụ hợp tác đối ngoại chiến lược biển trong triển khai các nhiệm vụ của Nghị quyết 36-NQ/TW.
Thứ trưởng cũng ghi nhận sự phối hợp chặt chẽ, tốt đẹp giữa hai Cơ quan trong thời gian qua, đồng thời khẳng định việc tiếp tục phối hợp tốt hơn nữa, phát huy thế mạnh trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, cùng nhau hoàn thiện trên cả ba phương diện hợp tác có quan hệ mật thiết với nhau trong lĩnh vực biển, hải đảo đó là bảo vệ, quản lý và phát triển.
Đối với các nội dung, lĩnh vực đề xuất hợp tác giữa hai Cơ quan trong thời gian tới, Thứ trưởng nhấn mạnh việc hai bên sẽ cùng nhau chia sẻ cả những thách thức và thuận lợi. Thách thức trên Biển Đông với xu hướng đấu tranh trên biển giữa các nước đang diễn ra rất mạnh, xuất hiện cuộc chạy đua công nghệ trên biển trong khi năng lực, nguồn lực dành cho khoa học biển của chúng ta còn hạn chế. Chủ trương của chúng ta hiện nay là thường xuyên đấu tranh nhưng luôn luôn đề cao khía cạnh hợp tác trên biển, đồng thời mong muốn Tổng cục có nhiều hơn nữa các chương trình, đề án, dự án hợp tác nghiên cứu khoa học biển với các nước, tăng cường hơn nữa các lĩnh vực hợp tác trên biển.
Hai bên thống nhất cao các nội dung sẽ hợp tác trong thời gian tới và chụp ảnh lưu niệm |
Tranh thủ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với công cuộc phát triển bền vững kinh tế biển cũng như tận dụng tối đa sự hỗ trợ của hợp tác quốc tế trong lĩnh vực biển. Phối hợp triển khai dự án hợp tác quốc tế theo từng lĩnh vực trọng tâm và đi vào chiều sâu thông qua phân bổ chiến lược đối ngoại, ưu tiên cho từng đối tác hợp tác.
Cũng theo Thứ trưởng, việc phối hợp hợp tác trong thời gian tới giữa hai cơ quan cần thực hiện theo 2 phương châm lớn đó là “chủ động - tích cực”, không chỉ giữa hai cơ quan mà giữa các đơn vị với nhau thông qua đầu mối liên hệ của hai bên.
Thông qua buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ và Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi cùng các đại biểu đều nhất trí, đồng thời tin tưởng rằng, trong thời gian tới, công tác phối hợp giữa hai Cơ quan sẽ tiến thêm một bước mới, vững chắc hơn, là nền tảng để sự phối hợp làm việc giữa hai bên đi vào thực chất, hiệu quả, phục vụ cho sự phát triển của hai Cơ quan cũng như sự nghiệp bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo của đất nước.