Thừa Thiên Huế: Tăng cường kiềm chế, ngăn chặn tình trạng giá đất tăng

Đất đai - Ngày đăng : 22:21, 27/04/2021

(TN&MT) - Hiện nay, giá đất tại Thừa Thiên Huế đang có hiện tượng tăng. Cơ quan chức năng đã và đang có nhiều phương án nhằm ngăn chặn tình trạng này.

Từ đầu năm 2021 tới nay, xuất hiện “sốt đất ảo” ở nhiều địa phương trên cả nước. Tại Thừa Thiên Huế, giá đất tại hầu hết các khu vực trên địa bàn tỉnh được rao bán, giao dịch ngoài thị trường đều tăng, có những nơi tăng từ 30 - 40% chỉ trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, nhận định của cơ quan chức năng cho rằng so với các địa phương khác, tình trạng giá đất tại Huế chưa phải ở mức tăng đột biến.

Theo Sở TN&MT Thừa Thiên Huế, có nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan khiến giá đất tăng. Cụ thể, Thừa Thiên Huế là một trong 3 tỉnh dự kiến trở thành thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định 241 của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian qua, tỉnh cũng chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông một số khu vực trọng điểm trên QL1A, QL49A, 49B, đường cao tốc La Sơn-Tuý Loan, Cam Lộ-La Sơn, mở rộng nhà ga Sân bay Quốc tế Phú Bài... và nhiều tuyến đường mới được triển khai, kết nối vùng trung tâm TP. Huế đến vùng biển Phú Vang, Phong Điền, Quảng Điền.

Giá đất ở Thừa Thiên Huế có hiện tượng tăng

Nguyên nhân khác nữa là một số phường, xã sắp sáp nhập vào TP. Huế, nhiều dự án khu đô thị mới, đô thị Chân Mây -Lăng Cô được triển khai... đã làm giá đất tăng lên, kéo theo tăng ở các huyện, thị xã lân cận và các khu vực khác tăng do sự lan tỏa. Mật độ dân số tăng tại khu vực trung tâm các đô thị, người dân có nhu cầu tìm kiếm các khu quy hoạch, khu dân cư mới tại các vùng phụ cận để phù hợp điều kiện kinh tế cũng làm cho giá đất tăng. Mặt khác, nhờ kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả, Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng trở thành điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư và đang được một số nhà đầu tư lớn quan tâm nghiên cứu thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh.

Nguyên nhân chủ quan là do giới đầu cơ đất đai đang lợi dụng việc mua đi bán lại đất để kiếm lời khiến giá đất không phản ánh đúng giá trị thực, nắm bắt thông tin quy hoạch để thu gom quỹ đất, từ đó thông qua quảng cáo tiềm năng khu đất để “thổi” giá.

Người dân khi mua đất cần kiểm tra nhiều thông tin...

Trước tình trạng “sốt đất”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã vừa ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý giá đất và thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh đối với các cơ quan, ban ngành liên quan...

Ông Nguyễn Văn Toàn – Phó giám đốc Sở TN&MT Thừa Thiên Huế cho biết, để chấn chỉnh tình trạng giá đất sốt ảo, bị thổi “bong bóng”, thực hiện công văn của Bộ Tài nguyên và Môi trường và chỉ thị của UBND tỉnh, các sở, ngành, các địa phương có liên quan cũng đã vào cuộc để tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh và thị trường bất động sản, quản lý giá đất cụ thể trên địa bàn.

Ông Toàn cho rằng, giải pháp hữu hiệu nhất vẫn là cần đẩy mạnh và thực hiện quyết liệt công tác truyền thông để có sự phân tích, đánh giá đúng giá trị thực tế của đất ở, nhà ở; từ đó giúp các nhà đầu tư, người dân tiếp cận thông tin chính thống, đáng tin cậy để không bị tác động tâm lý bởi hiệu ứng đám đông. Người mua cần kiểm tra thông tin bất động sản cần mua như pháp lý dự án, chủ đầu tư, quy hoạch đã phê duyệt, kiểm tra thông tin và khảo sát kỹ nơi bất động sản tọa lạc..., đồng thời trang bị những kiến thức pháp luật cơ bản để không trở thành nạn nhân của việc “sốt ảo” giá đất.

“Về phía cơ quan quản lý, chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp để giám sát chặt chẽ công tác quy hoạch, xây dựng, chuyển mục đích, phân lô, tách thửa tại các địa phương và giám sát thông tin truyền thông xã hội, kịp thời xử lý các đối tượng đầu cơ, đăng tin bịa đặt để thao túng thị trường, rao tin mua bán sai sự thật, huy động vốn trái phép...”, ông Toàn nói.

VĂN DINH