Bến Tre: Bảo vệ rừng ngập mặn để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 13:11, 27/04/2021
Chính vì thế, hệ thống rừng ngập mặn đã được bảo vệ nghiêm ngặt và phát huy hiệu quả, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Để hiểu rõ vấn đề này, phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Cảnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre.
Ông Nguyễn Minh Cảnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre |
PV: Xin ông cho biết thực trạng rừng ngập mặn ven biển tại Bến Tre trước áp lực của biến đổi khí hậu và nhu cầu về đất đai để nuôi trồng, khai thác thủy sản?
Ông Nguyễn Minh Cảnh:
Hiện nay, tỉnh Bến Tre đã đưa vào quy hoạch 8.840 ha rừng đất rừng ngập mặn. Trong đó, đất có rừng khoảng 4.368 ha, tập trung tại các xã thuộc 3 huyện ven biển gồm: Thạnh Phú, Ba Tri và Bình Đại. Rừng tại Bến Tre chủ yếu là rừng ngập mặn với loài cây phổ biến là bần, mắm, cây có giá trị kinh tế thấp và đa phần là rừng trồng. Tuy nhiên, với đặc điểm rừng Bến Tre là ven biển nên có vai trò rất quan trọng, là “bức tường xanh” trong việc chắn gió, chắn sóng, góp phần tạo cảnh quan, bảo vệ bờ biển, bảo vệ môi trường, nhất là bảo vệ an toàn đời sống dân cư phía bên trong dãy rừng.
Những năm gần đây, Bến Tre chịu tác động khá rõ nét của biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, nhất là xâm thực bờ biển diễn ra rất nghiêm trọng tại nhiều khu vực của các huyện Thạnh Phú, Ba Tri và Bình Đại. Tốc độ xâm thực bình quân từ 20 - 25 mét/năm. Theo số liệu thống kê của ngành Nông nghiệp, trong 10 năm (2011 -2020), xâm thực bờ biển Bến Tre làm thiệt hại 260 ha rừng ngập mặn.
Do đặc điểm vị trí địa lý, phân bố của rừng, cùng với sự phát triển mạnh nghề nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh ngoài vùng quy hoạch đất lâm nghiệp, trong các khu vực đất lâm nghiệp thì phát triển nghề nuôi tôm biển quảng canh cải tiến - nuôi tôm xen rừng để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác. Tuy nhiên, tình trạng chặt phá, lấn chiếm rừng để nuôi trồng thủy sản vẫn còn xảy ra nhưng rất ít và nhỏ lẻ. Từ năm 2015 đến 2020, tỉnh Bến Tre đã phát hiện và xử lý 76 vụ vi phạm liên quan đến phá rừng, lấn chiếm đất rừng, làm thiệt hại 11,9 ha.
PV: Thời gian qua, tỉnh đã có những mô hình, cơ chế, chính sách nào để khuyến khích người dân tham gia trồng, quản lý rừng gắn với phát triển sản xuất?
Ông Nguyễn Minh Cảnh:
Trong thời gian qua, để khuyến khích người dân tham gia trồng, quản lý bảo vệ rừng gắn với phát triển sản xuất, tỉnh Bến Tre đã triển khai thực hiện Nghị định 119/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ về một số chính sách quản lý bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện giao khoán cho 520 tổ chức, cá nhân và hộ gia đình quản lý bảo vệ rừng theo Nghị định số 168 /2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 của Chính phủ quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các Ban Quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và Công ty TNHH MTV Nông, lâm nghiệp Nhà nước, với tổng diện tích là 3.364 ha.
Theo chính sách này, người dân địa phương sẽ được trả chi phí bảo vệ rừng và được hưởng toàn bộ thành quả nuôi trồng thủy sản kết hợp dưới tán rừng trên diện tích mà người dân được giao khoán và sản phẩm tỉa thưa, khai thác khi rừng đến tuổi...
Rừng ngập mặn ven biển Bến Tre |
PV: Để góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã đề ra những giải pháp nào để phát triển rừng bền vững, thưa ông?
Ông Nguyễn Minh Cảnh:
Trong thời gian tới, tỉnh Bến Tre sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho toàn thể cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Trước nhất, sẽ tập trung rà soát lại đất đai để điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất lâm nghiệp cho phù hợp với tiêu chí của 3 loại rừng và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Đối với những phần diện tích có khả năng phát triển rừng, tỉnh Bến Tre sẽ tập trung trồng bằng nhiều nguồn như: ngân sách, vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân. Việc này đang được Bến Tre thực hiện khá tốt và kết hợp với triển khai thực hiện Đề án trồng 10 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021 - 2025.
Tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Phương án quản lý rừng bền vững theo đúng quy định; đẩy nhanh tiến độ giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình theo đúng quy định pháp luật. Trên cơ sở đó, xây dựng phương án giao khoán ổn định, lâu dài cho nhân dân quản lý sử dụng.
Đồng thời, quản lý, giám sát chặt chẽ các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; kiên quyết đình chỉ, thu hồi đất các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng có sai phạm hoặc có nguy cơ gây thiệt hại về rừng, môi trường sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đời sống của người dân. Các dự án khi thực hiện có chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phải thực hiện nghiêm việc trồng rừng thay thế, không áp dụng hình thức nộp tiền để trồng rừng ở nơi khác.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa các lực lượng Công an - Quân sự - Biên phòng - Kiểm lâm - Ban Quản lý rừng và các lực lượng có liên quan khác trong công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Bến Tre cũng sẽ lồng ghép các dự án phát triển lâm nghiệp với các chương trình, dự án sinh kế, phát triển nông thôn trên địa bàn để bảo vệ và phát triển rừng, góp phần nâng cao mức sống cho người dân nông thôn trong tỉnh; tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy ngành Lâm nghiệp; đào tạo bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và pháp luật cho cán bộ lâm nghiệp để thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, gắn với bảo tồn đa dạng sinh học.
Hiện tại, tỉnh đang tích cực triển khai các biện pháp trồng và bảo vệ rừng ngập mặn ven biển nhằm góp phần giảm thiểu các tác hại do thiên tai, biến đổi khí hậu gây ra. Để duy trì tính hiệu quả bền vững của công tác này, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là cộng đồng dân cư vùng dự án thấy được lợi ích trước mắt và lâu dài của việc trồng cũng như bảo vệ rừng ngập mặn, bảo vệ môi trường biển một cách hiệu quả và bền vững.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!