Các địa phương chấn chỉnh thị trường bất động sản

Bất động sản - Ngày đăng : 13:06, 27/04/2021

(TN&MT) - Trước thực trạng thị trường bất động sản bị “thổi giá” bất thường, các tỉnh thành phố lớn như Hà Nội, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Thanh Hóa… đã ban hành nhiều giải pháp để chặn đứng cơn sốt đất nền.

Thời gian vừa qua, hiện tượng giá đất tăng mạnh đã tạo ra những "cơn sốt” bất thường. Tại nhiều địa phương, giá tăng chóng mặt, trung bình tăng 10% sau 1 tháng. Cục bộ một số nơi tăng 2 - 3 lần chỉ trong vòng từ 1 đến 2 tháng. Thêm vào đó, nhiều tỉnh còn xảy ra hiện tượng thông tin không đúng sự thật về quy hoạch. Thậm chí, lợi dụng những ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Nhà nước, tạo dựng tài liệu giả để tung tin, tạo sóng. Điều này tác động rất xấu đến lợi ích của các nhà đầu tư.

Minh bạch thông tin

Ngay sau khi cơn sốt đất cục bộ xảy ra, Chính phủ và liên Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng cùng chính quyền các địa phương đã vào cuộc rất mạnh mẽ kiểm soát các hoạt động mua - bán trái quy định pháp luật. Đồng thời khuyến cáo người dân cảnh giác trước những tin đồn thất thiệt, tạo sóng gây sốt đất để trục lợi.

Tại Hà Nội, Thành ủy và UBND thành phố đã có văn bản yêu cầu các Sở, ngành phải công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển hạ tầng, các dự án, việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính, khẩn trương thực hiện quản lý, kiểm soát việc tăng giá đất; rà soát những dự án đã có quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, đặc biệt là dự án nhà ở cao cấp để xử lý theo hướng kiên quyết thu hồi đối với dự án không triển khai, để đất hoang hóa hoặc chậm triển khai…

Gần đây nhất, tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các Sở, ngành, địa phương tăng cường công tác phối hợp với các chủ đầu tư, các cơ quan báo chí để công bố thông tin rộng rãi về các dự án trên các phương tiện truyền thông để người dân nắm bắt các thông tin.

Tại Quảng Ninh, chính quyền đã ban hành Văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường việc kiềm chế, ngăn ngừa tình trạng mua bán và nâng giá đất "tạo sóng". Đồng thời, tập trung quán triệt công tác tuyên truyền tới người dân về tình trạng pháp lý của các dự án đang triển khai, thông báo rõ cho nhân dân biết các dự án chưa đủ điều kiện huy động vốn, chưa đủ điều kiện được bán nhà ở hình thành trong tương lai. Đặc biệt, tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh ra Văn bản nghiêm cấm cán bộ, công chức tham gia các hoạt động môi giới bất động sản, tiếp tay cho đầu cơ, buôn bán đất đai.

Tại Khánh Hòa, chính quyền tỉnh vừa ban hành Quyết định xây dựng Đề án thu thập bổ sung thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản. Việc này nhằm mục đích quản lý tình hình triển khai các dự án bất động sản, số liệu từng loại sản phẩm bất động sản của dự án, nhu cầu của các loại bất động sản theo thống kê, dự báo; tình hình giao dịch bất động sản về số lượng giao dịch và giá giao dịch...

Tại nhiều địa phương, giá đất tăng chóng mặt, trung bình tăng 10% sau 1 tháng. Ảnh: Hoàng Minh

Giá đất sẽ hạ nhiệt

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, việc chính quyền địa phương đưa ra các giải pháp nhằm kiểm soát tình hình giao dịch nhà đất đã khiến cho giao dịch chậm lại. Giá đất đang được kiểm soát và sẽ không tăng so với quý I/2021. Thậm chí, một số khu vực sẽ xuất hiện giảm giá, cắt lỗ.

Cụ thể, tại Hà Nội và TP.HCM, hàng chục nghìn sản phẩm căn hộ sẽ được đưa ra thị trường trong quý II. Đất nền được dự báo vẫn là sản phẩm được giới đầu tư quan tâm nhiều nhất tại các địa phương. Tuy nhiên, sau thời gian nóng sốt, các nhà đầu cơ sẽ rời khỏi thị trường nên lực cầu đầu tư sẽ giảm mạnh.

“Chính quyền một số địa phương đang vào cuộc để "hạ nhiệt" thị trường. Tới đây, những sản phẩm không phù hợp do "tạo sóng" sẽ dừng lại và giảm giá trị, thanh khoản khó, chỉ còn lại sản phẩm bất động sản có dòng tiền bơm vào đầu tư xây dựng hạ tầng và các công trình lớn mới tăng trưởng ổn định” - ông Hà nhấn mạnh.

Để hạ nhiệt cơn sốt đất, Ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương sớm phê duyệt đề án quy hoạch chi tiết; tổ chức công bố thông tin về quy hoạch và tiến độ triển khai các dự án để minh bạch thông tin. Đồng thời, chú ý tới việc các dự án phát triển đô thị nhà ở phải đảm bảo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; đảm bảo đầy đủ tính pháp lý cho các dự án bất động sản và cho các giao dịch bất động sản.

Đối với hoạt động giao dịch, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương phải quản lý và kiểm soát việc mua đi, bán lại các giao dịch bất động sản trao tay nhiều lần nhằm kiểm soát tốt hơn việc tăng giá đất. Nhất là việc quản lý thật tốt các tổ chức, cá nhân trong giao dịch và môi giới, kinh doanh bất động sản.

Ngay từ khi cơn sốt đất bắt đầu xảy ra, Bộ TN&MT đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về giá đất. Bộ đã giao Tổng cục Quản lý đất đai kiểm tra 26 tỉnh, thành phố việc thực hiện quy hoạch, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Riêng tại Hà Nội, TP.HCM, Tổng cục Quản lý đất đai sẽ kiểm tra việc đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quản lý sử dụng đất tại một số dự án, công trình không hoặc chậm đưa đất vào sử dụng...

Thùy Linh