“Gỡ khó” cho nghề đo vẽ lập bản đồ địa chất

Khoáng sản - Ngày đăng : 13:05, 27/04/2021

(TN&MT) - Đo vẽ lập bản đồ địa chất là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Địa chất và Khoáng sản. Là một đơn vị thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, trong hơn 60 năm qua, Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc luôn nỗ lực, sáng tạo vì sự nghiệp đo vẽ lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản, đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ Nhà nước giao cũng như các nhiệm vụ địa chất khác.

Hoàn thành gần 200 công trình

Theo ông Vũ Quang Lân - Liên đoàn trưởng Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc, trong 60 năm qua, Liên đoàn đã hoàn thành xuất sắc gần 200 công trình thuộc các lĩnh vực đo vẽ địa chất, tìm kiếm, điều tra đánh giá khoáng sản; điều tra địa chất đô thị, địa chất thủy văn, tai biến địa chất, môi trường địa chất và các đề tài, chuyên đề nghiên cứu chuyên sâu... Trong đó, nổi bật là: Hoàn thành đo vẽ lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1/500.000 trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia; lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1/200.000 phần miền Bắc Việt Nam gồm 24 tờ, nhóm tờ bản đồ và hoàn thành lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1/50.000 được 51 nhóm tờ với tổng diện tích 80.317 km2.

Trong 10 năm qua, công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản của Liên đoàn đã đạt được nhiều kết quả rõ nét. Cụ thể, Liên đoàn đã tổ chức lập và thực hiện 10 đề án đo vẽ lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1/50.000; trong đó, có 4 đề án đã hoàn thành và nộp báo cáo vào Lưu trữ Địa chất, 1 đề án hoàn thành thực địa, hiện đang tổng kết, 4 đề án đang thi công. Kết quả thực hiện các đề án lập bản đồ địa chất đã góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề về địa chất khu vực, xác định được nhiều diện tích có triển vọng khoáng sản để đánh giá tiếp theo. Trong đó, nổi bật là các phát hiện về chì - kẽm Đèo Ách, sắt Tân An - Minh An và đá mỹ nghệ Suối Giàng (tỉnh Yên Bái); sắt magnetit Mít Nọi, Tân Uyên; vàng Hứa Cuổi, Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu); graphit Làng Chang, Bảo Thắng; đồng (vàng) Nậm Lang, Sa Pa (tỉnh Lào Cai).

Ngoài ra, Liên đoàn còn hoàn thành 7 đề án điều tra đánh giá tiềm năng khoáng sản (trong đó có 3 đề án do doanh nghiệp góp vốn). Kết quả lần đầu phát hiện và tính được tài nguyên dự báo quặng wolfram, thiếc liên quan với các đá biến đổi skarn ở khối cấu trúc Sông Chảy. Việc khoanh định được các diện tích triển vọng wolfram, thiếc để thăm dò ở khối cấu trúc Sông Chảy là những đóng góp quan trọng của công tác điều tra, đánh giá khoáng sản.

Đồng thời, Liên đoàn tham gia thực hiện 7 đề án Chính phủ và đề án khác về điều tra đánh giá tiềm năng khoáng sản; điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ thảm họa trượt lở đất đá; điều tra đặc điểm cấu trúc địa chất, địa chất công trình dải ven biển...; giải đoán ảnh viễn thám và gia công phân tích mẫu cho nhiều đề án do Liên đoàn và các đơn vị khác chủ trì.

Bên cạnh đó, Liên đoàn còn hoàn thành 3 đề tài nghiên cứu Khoa học công nghệ cấp Nhà nước, 3 đề tài cấp Bộ và 3 đề tài cấp cơ sở; qua đó đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề về địa chất, khoáng sản và đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật có năng lực nghiên cứu chuyên sâu.

Cần có cơ chế, chính sách đặc thù đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đặc biệt là địa chất và khoáng sản. Ảnh: MH

Cần có chính sách đặc thù

Theo ông Vũ Quang Lân, để đạt được những thành quả trên, Liên đoàn đã trải qua rất nhiều khó khăn. Mỗi khi đi thực địa, cán bộ, chuyên viên địa chất của Liên đoàn phải đến sống và làm việc tại các vùng có địa hình, giao thông không thuận lợi. Những khu vực đó chủ yếu là vùng dân tộc thiểu số, điều kiện sinh hoạt khó khăn; có nơi thường xảy ra tai biến trượt lở đất đá, lũ ống, lũ quét. Đặc biệt, có những vùng biên giới giáp với Trung Quốc vẫn còn mìn, đoàn thực địa phải nhờ Bộ đội Biên phòng dẫn đi, tránh những khu vực nguy hiểm. Thậm chí, có những vùng có đặc thù như tệ nạn buôn lậu ma túy nên khi đoàn đi thực địa phải nhờ cán bộ địa phương đi cùng, hoặc có những vùng còn nhiều hủ tục nên người dân địa phương không cho đoàn vào khảo sát.

Cùng với đó, việc thực hiện Nghị định 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016, khi áp dụng chi trả tiền lương không khuyến khích được người lao động. Trong khi đó, lực lượng cán bộ kỹ thuật thực hiện công tác điều tra cơ bản địa chất ngày càng thiếu do không thể tuyển dụng đủ số lượng để bù đắp những cán bộ kỹ thuật nghỉ chế độ và xin chuyển công tác và chấm dứt hợp đồng làm việc do thu nhập thấp.

Ông Vũ Quang Lân cho biết, để khắc phục những khó khăn trên, Liên đoàn luôn chú trọng đến giải pháp quản lý. Cụ thể, bố trí nhân lực phù hợp để vừa hoàn thành được nhiệm vụ, vừa ổn định việc làm và thu nhập cho cán bộ, công nhân viên; tăng cường mối quan hệ với cơ quan quản lý các cấp, các đơn vị bạn và các doanh nghiệp để mở mới nhiệm vụ và hợp đồng dịch vụ địa chất, tăng thêm việc làm cho Liên đoàn…

Liên đoàn tiếp tục chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kỹ thuật trẻ bằng hình thức đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ và gửi đi đào tạo nâng cao để có nguồn lao động chuyên môn bổ sung thay thế, phù hợp với nhu cầu mục tiêu đa dạng hóa nhiệm vụ địa chất.

Liên đoàn cũng quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục và thi đua để cán bộ, viên chức thấu hiểu hoàn cảnh, điều kiện hiện tại của Liên đoàn, các đơn vị và chính bản thân mỗi người, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; tổ chức các phong trào thi đua nhằm khuyến khích những phát hiện mới về địa chất, khoáng sản, chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước.

Ngoài ra, Liên đoàn còn tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, các phương pháp nghiên cứu hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả của công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản.

Tuy nhiên, để duy trì và phát triển nguồn nhân lực làm công tác điều tra địa chất và tài nguyên, Liên đoàn kiến nghị Nhà nước có chính sách, cơ chế phù hợp với đặc thù của Ngành nhằm khuyến khích, động viên cán bộ, công nhân viên, người lao động của Liên đoàn nói riêng và người làm trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường nói chung. 

Mai Đan