Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển”: Chuyện những người bảo vệ cua đá

Xã hội - Ngày đăng : 13:03, 27/04/2021

(TN&MT) - Rong ruổi khá nhiều nơi, tôi chưa từng thấy một chủ homestay nào lại phát biểu “chảnh” như bà Nguyễn Thị Tuyết ở Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam): “Anh thấy đấy, cái đảo nầy thay đổi nhiều lắm. Không bao giờ người dân sử dụng bao ni lông. Ở đây chúng tôi còn có Tiến sĩ cua nhé, thử hỏi mấy nơi nào có”.

Tiến sĩ cua là cách gọi thân thiện của người dân dành cho Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh - cán bộ Ban Quản lý khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm. Trước thái độ thắc mắc của tôi, người đàn ông tên Nguyễn Văn Ngà sống ở thôn Bãi Ông, chuyên nghề săn bắt cua đá đứng cạnh đó nhanh nhảu giải thích: “Dân trên đảo tụi tui gọi ông Trinh là “Tiến sĩ cua”. Bởi ổng chuyên nghiên cứu về cua đó. Nếu không có ổng ở đảo thì bây giờ loài cua đá ở Cù Lao Chàm nầy chắc chỉ còn trong ký ức mà thôi”.

 

Quý như… cua đá

Chỉ là con cua thôi, tưởng không có gì quan trọng, ấy vậy mà nó lại khiến cả những người làm công tác khoa học như ông Trinh, hay những người dân thực sự quan tâm?! Điều này đã kích thích trí tò mò khiến tôi quyết tâm đi tìm.

Qua tìm hiểu tôi được biết cua đá là loài đặc hữu của Cù Lao Chàm. Con cua đá chỉ to bằng nắm tay, mai và các chi màu nâu tím, phần bụng dưới màu vàng ươm. Cua đá rất khỏe, chạy và leo cực nhanh. Là động vật biển nhưng cua đá Cù Lao Chàm sống trong các hang đá ven suối rừng ngập mặn. Để duy trì nòi giống, mỗi năm cua đá di cư một lần vào ban đêm giữa mùa trăng sáng khi độ ẩm cao và nhiệt độ xuống thấp để đẻ tại các bờ đá ven biển. Mỗi con cua cái mang đến 250.000 trứng. Cua non trải qua 3 - 4 chu kỳ ấu trùng dưới biển trước khi rời môi trường nước mặn để lên rừng. Cua đá lớn lên mỗi năm một lần khi lột vỏ. Với tuổi đời 16 năm, cua lớn trung bình 8 cm.

Dân săn bắt cua đá chuyên nghiệp ở Cù Lao Chàm cho biết, loài cua này hiện diện khắp các cụm đảo, nhưng tập trung đông nhất ở hòn Lao. Bà con còn gọi loại cua sống trên hang đá là “cua ăn chay” vì chúng chỉ ăn cỏ, lá và chỉ ra khỏi hang khi đêm xuống. Tuy vậy, thịt cua đá chắc và béo ngậy, đầy gạch nên nướng, luộc, hấp bia, hấp sả, xào me, cháy tỏi... đều ngon. Khi cua chín, tỏa mùi thơm the the, cay cay, mang hương vị dược thảo; đặc biệt không có vị tanh đặc trưng của hải sản. Do vậy, cua đá không chỉ được người dân Cù Lao Chàm xem là… “ăn nên thuốc” mà còn coi là món đặc sản “ngôi sao” trong ẩm thực cụm đảo vốn rất phong phú như: bào ngư, yến sào, mực ống, ốc vú nàng…

Nặng lòng với cua

Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh du học từ Mỹ và Hà Lan về Quảng Nam tham gia công tác trong ngành lâm nghiệp. Năm 2003, ông ra Cù Lao Chàm nghiên cứu thực trạng đa dạng sinh học. “Hồi tôi mới ra, sản vật ở đây nhiều lắm. Cá, tôm, cua, mực đầy thuyền. Cua đá từng đàn, bò lên mái tôn đêm đêm cào sột soạt. Chúng chạy quanh khắp các con khe, mõm đá. Nhưng Cù Lao Chàm cũng “dậy mùi” hải sản phơi nắng và ngập ngụa rác rưởi khắp các bãi bờ”… Ông Trinh tâm sự.

Tổ bảo vệ cua đá

Tiến sĩ Trinh xác định, công việc trước tiên ông phải làm là thay đổi ý thức người dân để Cù Lao Chàm xanh và đẹp hơn trong mắt du khách. Đồng thời phải nhanh chóng bảo tồn hệ động thực vật rừng - biển nơi đây. Nhìn cảnh tượng người dân trên đảo bắt cua đá một cách “tận diệt”: lớn nhỏ gì cũng bắt, kể cả cua đang mang trứng khiến ông lo lắng, xót xa, khi ông lên tiếng can ngăn còn bị phản ứng.

Nhưng Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh cho rằng, ông cùng những đồng sự trong Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm đã rất may mắn khi có được sự đồng thuận của chính quyền sở tại cùng nhiều người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt là người dân trên đảo chuyển biến nhận thức rất nhanh, qua các khóa học tập trung đã nhận thức được lợi ích của mình trong việc bảo tồn sinh cảnh, thu hút khách du lịch tăng thu nhập cho gia đình. Bà con được hướng dẫn cách phân loại rác thải, cách khai thác hải sản không để cạn kiệt…

Đặc biệt, với Đề án “Bảo vệ và nâng chuỗi giá trị sản phẩm cua đá Cù Lao Chàm”, ông Trinh được người dân trên đảo ủng hộ nhiệt liệt và bắt đầu gọi “ông Tiến sĩ Trinh” thành “ồng Tiến sĩ cua”. Theo quy định trong Đề án: Cua đá có kích thước 7 cm trở lên mới được bắt (cua 7 cm có tuổi tương đương 14 năm là giai đoạn cua chắc thịt, thơm ngon và đã trải qua thời kỳ sinh sản, không sợ tuyệt chủng). Mỗi năm chỉ được khai thác trong giới hạn 10.000 con cua đá đủ chuẩn và việc khai thác cua phải tuân thủ theo mùa, theo khu vực để tránh cạn kiệt. Phần quy định giá được mọi người thảo luận rất sôi nổi, đề án đưa ra mức giá sàn 500.000 đồng/kg. Bà con bàn bạc nâng lên 700.000 đồng và đồng ý cho nhà hàng, quán đặc sản, chế biến phục vụ du khách với giá bán ra 1,2 triệu đồng/kg. Mọi người dân trên Cù Lao, kể cả các cơ sở làm dịch vụ du lịch đều hồ hởi. UBND TP. Hội An đã ban hành Chỉ thị về việc bảo tồn cua đá trên cơ sở đề án đã được dân biết, dân sôi nổi bàn bạc và thống nhất.

Thêm hy vọng từ nhãn sinh thái

Đi vào thực hiện, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm đã triển khai một loạt giải pháp quan trọng: Thành lập Ngân hàng Cua đá; lập Hội những người chuyên bắt cua đá và yêu thích cua đá; xây dựng Bộ chỉ số giám sát cua đá… Đặc biệt, lập tổ khai thác và bảo vệ cua đá Cù Lao Chàm quy tụ 30 hộ “thâm niên kinh nghiệm” săn bắt cua đá. Từng thành viên được phân bổ chỉ tiêu khai thác hàng tháng; mỗi sáng từ 7 - 8 giờ tập trung toàn bộ cua đá được săn bắt đêm trước lại để kiểm tra, cân, đo và dán nhãn sinh thái. Cua không đủ tiêu chuẩn bị loại ra và được trả về môi trường; người bắt cua sẽ bị trừ vào lượng cua được phân bổ khai thác trong tháng. Do vậy, người săn cua đá nào cũng chọn lựa cẩn thận trước khi bắt. Ở Cù Lao Chàm, cua đá không dán nhãn sinh thái bị xem là... cua bất hợp pháp.

Dán nhãn cua

Ngắm chiếc nhãn sinh thái trên mai cua đá, tôi bỗng cảm nhận với mỗi chuyến du lịch, chỉ cần một xâu mực ống một nắng nướng, với mấy lon bia Sài Gòn là đã thấy đã đời rồi. Cái tâm trạng đã đời này bắt nguồn từ việc chứng kiến sự cố gắng của các nhà khoa học và người dân nơi đây trong việc bảo tồn bảo vệ con cua đá nói riêng và bảo vệ hệ động vật, sinh thái, môi trường biển nói chung.

Tôi nhớ trong một tài liệu, Tiến sĩ Mariana Damholt (người Đan Mạch) trong một lần ra đảo Cù Lao Chàm năm 2006 để thực hiện công tác nghiên cứu đã từng cảnh báo: cua đá có ngày sẽ bị tuyệt chủng nếu không có giải pháp tích cực. Tôi lại nhớ tới thái độ của chị Tuyết - chủ homestay, hay những lời chân chất đầy trìu mến của ông Nguyễn Văn Ngà làm nghề săn bắt cua đá ở thôn Bãi Ông. Trong đó chất chứa sự hãnh diện, tự tin, tự hào, niềm vui và sự lạc quan thảnh thơi của người đang được thụ hưởng những thành quả trên vùng biển quê hương, cũng là thái độ khẳng định trước các nhà khoa học nước ngoài rằng: Việt Nam sẽ làm được.

Bằng sự quan tâm, cho ra đời các chủ trương, chính sách của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan chức năng, cùng với tâm huyết của những người làm khoa học như Tiến sĩ Trinh, hay sự chung tay của nhân dân, nhất định Cù Lao Chàm sẽ ngày càng xanh và sạch hơn, nhất định sẽ bảo tồn bảo vệ thành công giống cua đá. Mới hay, chuyện của biển cả, đại đương lớn lao, nhưng đều bắt đầu từ những việc tưởng nhỏ mà không nhỏ, ví như chuyện của con cua đá.

Bùi Thuận (Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai)