Chủ động sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm
Thời sự - Ngày đăng : 13:01, 27/04/2021
Hội nghị nhằm đánh giá công tác về phòng, chống thiên tai năm 2020; dự báo, phân tích diễn biến tình hình thiên tai đầu năm 2021 và đưa ra một số giải pháp để chuẩn bị ứng phó cho mùa thiên tai trọng điểm 2021 tại khu vực miền núi phía Bắc.
Toàn cảnh hội nghị. |
Dự và điều hành hội nghị có Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai; ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ và gần 350 đại biểu là đại diện thành viên Ban Chỉ đạo thuộc các Bộ, ngành; lãnh đạo UBND 13 tỉnh, thành trong khu vực.
Theo báo cáo, năm 2020, tại khu vực miền núi phía Bắc nước ta, tình trạng mưa lớn kéo dài đã gây ra tình trạng sạt lở đất, lũ quét đặc biệt nghiêm trọng ở diện rộng và ở nhiều nơi, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Cụ thể, thiên tai đã làm 56 người chết và mất tích, 118 người bị thương, gần 1.700 ngôi nhà bị sập, hơn 18.600 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại…Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính 1.300 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cùng các đại biểu tham dự hội nghị. |
Những tháng đầu năm 2021, trong khu vực đã xảy ra một số đợt rét đậm, rét hại, giông lốc, sét, mưa đá, lũ ống, lũ quét gây thiệt hại về người và tài sản. Theo các chuyên gia, đây là điều hiếm gặp vì chưa bước vào mùa mưa bão, bởi vậy, báo hiệu một năm thiên tai diễn biến khó lường trong khu vực. Từ đầu năm đến nay, thiên tai xảy ra trong khu vực đã làm 03 người chết, 01 người bị thương; 320 nhà bị hư hại, tốc mái… thiệt hại về kinh tế ước khoảng 25 tỷ đồng.
Tại hội nghị, các đại biểu đều khẳng định, do đặc điểm tự nhiên của vùng đa phần là địa hình chia cắt, phổ biến là núi cao, độ dốc lớn, điều kiện địa chất, thời tiết rất phức tạp nên thường xuyên xảy ra nhiều hình thái thiên tai với nhiều mức độ khác nhau. Thêm vào đó, đây cũng là vùng đất có 30 dân tộc anh em cùng sinh sống, có điều kiện kinh tế khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, cuộc sống chủ yếu dựa vào chăn nuôi và sản xuất nông, lâm nghiệp ven các sông, suối và sườn đồi, núi… nên dễ bị ảnh hưởng khi có sạt lở đất, mưa lũ, giá rét… xảy ra.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong công tác phòng, chống thiên tai trong thời gian qua, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại những hạn chế như: Nhận thức, kỹ năng trong phòng, chống thiên tai của cộng đồng ở một số nơi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa chưa đồng đều; việc tiếp nhận thông tin dự báo, cảnh báo về thiên tai của người dân khu vực này còn chưa thường xuyên, kịp thời.
Công tác tập huấn đối với lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai và việc phổ biến kiến thức cho người dân ở khu vực chưa đi vào chiều sâu, hiệu quả. Hệ thống cơ sở hạ tầng nói chung và hạ tầng phòng, chống thiên tai còn thiếu đồng bộ, khả năng chống chịu hạn chế, một số công trình hư hỏng, xuống cấp do thiên tai; điện lưới thông tin liên lạc gián đoạn…
Hội nghị cũng giành phần lớn thời gian để lắng nghe các tham luận, chia sẻ kinh nghiệm cũng như các đề xuất của các đơn vị, địa phương trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Các tham luận tập trung nêu bật những khó khăn, vướng mắc, cũng như chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn công tác phòng, chống thiên tai. Đồng thời đề xuất, kiến nghị, đưa ra những giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị. |
Kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan yêu cầu trong thời gian tới, các địa phương khu vực cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan, tập trung chỉ đạo và chủ động triển khai có hiệu quả một số nhiệm vụ chính như sau: Thực hiện đầy đủ nội dung Luật Phòng chống thiên tai sửa đổi và các văn bản hướng dẫn; Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư; Nghị quyết 76/NQ-CP của Chính phủ, Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo, các Bộ ngành về phòng, chống thiên tai; Kiện toàn Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp;
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: Cần chú trọng phương án di dời, sơ tán đảm bảo an toàn cho người và tài sản ở khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt... Kiểm tra, đánh giá hiện trạng hệ thống đê điều, hồ đập, nhất là các hồ đập nhỏ, xung yếu trước mùa mưa lũ, phát hiện, xử lý kịp thời các hư hỏng, sự cố để đảm bảo an toàn; chỉ đạo triển khai các hoạt động thông tin truyền thông phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.