Sở TN&MT Bà Rịa - Vũng Tàu lý giải hiện tượng đầm nước có "màu hồng”

Môi trường - Ngày đăng : 22:52, 26/04/2021

(TN&MT) - Sở TN&MT Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có báo cáo kết quả khảo sát hiện tượng “đầm nước màu hồng” tại khu vực đầm nước trước cống số 6, xã Tân Hải, TX. Phú Mỹ. Theo đó, nguyên nhân gây ra hiện tượng chuyển màu nước là do sự phát triển mạnh của tảo.

Đầm nước màu hồng tại khu vực cống số 6, xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, không gây ảnh hưởng xấu đến sinh vật và con người

Theo Sở TN&MT Bà Rịa - Vũng Tàu, một vài năm trở lại đây, thường vào cuối mùa khô (tháng 3 - 4 hàng năm), tại đầm chứa nước trước cống số 6 và sau cửa xả cống số 6, xã Tân Hải, TX. Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, thường xảy ra hiện tượng nước trong đầm chuyển sang màu hồng - tím, nhiều người gọi là hiện tượng “đầm nước màu hồng”.

Theo đó, từ ngày 24/3 đến đầu tháng 4/2021, hiện tượng “đầm nước màu hồng” tại cống số 6 lại tái diễn, đặc biệt thu hút nhiều sự quan tâm của các cơ quan chức năng và các phương tiện thông tin, truyền thông. Trước tình hình đó, Sở TN&MT Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp với các chuyên gia khoa học của Viện Sinh học nhiệt đới (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tiến hành khảo sát hiện trường vào ngày 2/4/2021 nhằm xác định nguyên nhân gây ra hiện tượng “đầm nước màu hồng” nói trên.

Kết quả phân tích cho thấy, nguyên nhân xảy ra hiện tượng “đầm nước màu hồng” trước cống số 6, xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ là do sự phát triển mạnh của tảo lục Dunaliella salina (D. salina). Theo kết quả định lượng cho thấy mật độ của loài D. salina trong mẫu nước rất cao, dao động vào khoảng 110 × 104 tế bào/mL (tương đương 1,1 tỉ tế bào/lít nước).

Quan sát dưới kính hiển vi mẫu thu ngoài tự nhiên cho thấy tế bào D. salina xuất hiện dày đặc, chiếm hơn 99%. Tuy nhiên, do kích thước của tế bào khá nhỏ nên khó phát hiện tế bào D. salina dưới kính hiển vi ở độ phóng đại thông thường.

Tảo lục D. salina ở đầm nước trước cống số 6 phát triển mạnh là do vào thời điểm mùa khô (cuối tháng 3 và đầu tháng 4), bởi vì nắng nóng làm nước bốc hơi diễn ra mạnh, trao đổi nước kém nên đầm trở nên rất cạn, độ muối tăng cao (ở mức 33-34‰ so với độ mặn của nước biển ở các vùng lân cận chỉ ở mức 25-28‰), tạo điều kiện thuận lợi thêm cho D. salina phát triển.

Cũng theo kết quả đánh giá, phân tích của các chuyên gia khoa học, màu hồng trong nước tại đầm chứa nước trước cống số 6 là màu sắc của sắc tố hồng β-caroten trong tế bào D. salina.

Nguyên nhân gây mùi hôi trong đầm là quá trình phân hủy kỵ khí từ các vật chất hữu cơ của vi sinh vật diễn ra trong nền đáy, tạo các khí có mùi khó chịu như H2S, CH4, NH4, SO2,… Quá trình này vẫn diễn ra tự nhiên trong ao, hồ, đầm và các thủy vực khác khi bị tích lũy, tù đọng lâu ngày, trao đồi nước kém.

Quá trình khảo sát đầm nước trước cống số 6 cho thấy, mùi hôi chỉ bốc lên khi kéo lưới thu mẫu phiêu sinh vật làm khuấy động mặt nước hồ. Như vậy, có thể khẳng định nguồn gốc mùi hôi trong đầm không xuất phát từ việc hồ nước bị chuyển màu.

Bên cạnh đó, tế bào tảo lục D. salina cũng không sinh độc tố. Theo đó, việc đầm nước chuyển màu hồng tại khu vực cống số 6, xã Tân Hải, TX. Phú Mỹ là không gây ảnh hưởng xấu đến sinh vật và con người.

Linh Nga