Biến đổi khí hậu làm nghèo đói thêm trầm trọng
Thế giới - Ngày đăng : 18:33, 23/04/2021
Những người tị nạn ở Minawao, phía Đông Bắc Cameroon trồng cây trong khu vực đã bị phá rừng do biến đổi khí hậu và hoạt động của con người. Ảnh: UNHCR/Xavier Bourgois |
Ngày 22/4, UNHCR đã công bố dữ liệu cho thấy các thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu có thể làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói và khả năng tiếp cận tài nguyên thiên nhiên, gây ra bất ổn và bạo lực. Kể từ năm 2010, các hiện tượng thời tiết bất thường đã buộc khoảng 21,5 triệu người phải di dời mỗi năm.
“Từ Afghanistan đến Trung Mỹ, hạn hán, lũ lụt và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác đang ảnh hưởng đến những người ít có khả năng phục hồi và thích nghi với biến đổi khí hậu”, UNHCR cho biết và kêu gọi các nước hợp tác chống lại biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác động của nó đối với hàng trăm triệu người.
Những nước dễ bị tổn thương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất
UNHCR cho biết khoảng 90% người tị nạn đến từ các quốc gia dễ bị tổn thương nhất và có khả năng thích ứng kém nhất với tác động của biến đổi khí hậu. Các quốc gia này cũng tiếp nhận khoảng 70% người dân phải di dời trong nước do xung đột hoặc bạo lực.
Nêu trường hợp của Afghanistan, UNHCR nhấn mạnh đây là một trong những quốc gia chịu nhiều thiên tai nhất trên thế giới, vì gần như tất cả 34 tỉnh của nước này đã phải hứng chịu ít nhất một thảm họa trong 30 năm qua.
Afghanistan cũng được xếp hạng là quốc gia kém hòa bình nhất trên thế giới do xung đột kéo dài, khiến hàng nghìn người thương vong và hàng triệu người phải di dời.
Lũ lụt, hạn hán kéo dài
UNHCR cho biết, lũ lụt và hạn hán tái diễn cùng với sự gia tăng dân số đã làm tăng tình trạng mất an ninh lương thực và khan hiếm nước, đồng thời làm giảm khả năng có thể trở về quê hương của những người tị nạn và di dời nội bộ.
Theo cơ quan này, 16,9 triệu người Afghanistan - tương đương gần một nửa dân số cả nước - thiếu lương thực trong quý đầu tiên của năm 2021, trong đó có ít nhất 5,5 triệu người đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực khẩn cấp.
UNHCR thống kê, tính đến giữa năm 2020, hơn 2,6 triệu người Afghanistan phải sơ tán trong nước và 2,7 triệu người khác đang sống như những người tị nạn ở các nước khác, chủ yếu là Pakistan và Iran.
Ngoài ra, Mozambique cũng đang trải qua một cuộc xung đột và nhiều thảm họa tương tự, với hàng loạt cơn bão nối tiếp nhau tàn phá khu vực miền Trung đất nước, đồng thời gia tăng bạo lực và hỗn loạn ở phía Bắc nước này khiến hàng trăm nghìn người phải di tản.
Biến đổi khí hậu tác động đến nhiều quốc gia khác
Nhiều quốc gia chịu tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đã là nơi tiếp nhận một số lượng lớn người tị nạn và di dời trong nước. Tại Bangladesh, hơn 870.000 người tị nạn Rohingya chạy trốn bạo lực khỏi Myanmar hiện đang phải hứng chịu những cơn bão và lũ lụt ngày càng thường xuyên và dữ dội.
Người đứng đầu Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn, ông Filippo Grandi cho biết: “Chúng ta cần đầu tư ngay bây giờ để tăng cường khả năng bảo vệ trong tương lai và ngăn chặn tình trạng di dời do khí hậu gây ra”.