Chủ tịch tỉnh Quảng Nam: Không cấp phép các dự án khai thác cát, sỏi mới

Khoáng sản - Ngày đăng : 23:25, 22/04/2021

(TN&MT) - Từ năm 2016 tỉnh Quảng Nam đã không cấp phép tất cả các dự án khai thác cát, sỏi mới mà chỉ làm thủ tục cấp phép đối với hồ sơ của các dự án cũ. Đồng thời, tỉnh Quảng Nam sẽ quy hoạch lại các điểm khai thác cát thác tập trung ở hệ thống sông, đặc biệt là lòng sông Vu gia - Thu Bồn để giảm số lượng khai thác của doanh nghiệp. Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh khi trả lời phỏng vấn Báo Tài nguyên và Môi trường.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

PV: Thưa ông, từ khi triển khai Nghị định số 23/NĐ-CP ngày 24/2/2020 của Chính phủ về việc quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ bãi sông thì việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp khai thác cát, sỏi trên địa bàn như thế nào?

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: Quảng Nam là địa phương có lưu vực sông lớn với lượng cát khá dồi dào. Trải qua thời gian dài, lòng sông Vu Gia - Thu Bồn là một trong những điểm nóng về khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Việc khai thác cát, sỏi không chỉ phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế cho tỉnh Quảng Nam mà còn phục vụ các địa phương trong khu vực, nhất là thành phố Đà Nẵng. Do đó, ngay từ rất sớm, chúng tôi đã rà soát tình hình và ban hành rất nhiều quy định để kiểm soát tốt hơn hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông nhằm cân đối nhu cầu về xây dựng trên địa bàn và lượng trầm tích để đảm bảo việc chống xói lở bờ biển Cửa Đại.

Theo đó, tỉnh Quảng Nam đã rà soát, quy hoạch các mỏ khoáng sản lòng sông Thu Bồn và thượng nguồn sông Vu Gia. Từ năm 2016 tỉnh Quảng Nam đã không cấp phép tất cả các dự án khai thác cát, sỏi mới mà chỉ làm thủ tục cấp phép đối với hồ sơ của các dự án đã được thực hiện trước năm 2016 Đồng thời, tỉnh cũng không thực hiện việc gia hạn thêm đối với các mỏ khai thác cát hết hạn. Từ trước đến nay, tỉnh thực hiện rất nghiêm túc việc này.

Tinh thần của Quảng Nam là sẽ quy hoạch lại các điểm khai thác cát thác tập trung ở hệ thống sông, đặc biệt là lòng sông Vu Gia - Thu Bồn để giảm số lượng các doanh nghiệp hiện nay xuống. Và đưa ra các tiêu chí để thực hiện việc đấu giá tập trung ở những khu vực phù hợp nhất, làm sao không ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân và không gây xói lở bờ sông.

Thời gian qua, từ khi triển khai NĐ 23 của Chính phủ, chúng tôi đã yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện việc lắp đặt hệ thống camera và kết nối về các cơ quan quản lý để theo dõi, giám sát hoạt động khai thác cát, quy định chặt chẽ việc xuất hóa đơn kèm theo phiếu vận chuyển nội bộ để không có tình trạng lợi dụng trốn thuế. Và ngành Thuế cũng đã phối hợp với ngành Tài nguyên - Môi trường các địa phương tăng cường giám sát, kiểm tra chặt chẽ việc khai thác khoáng sản, nhất là tại bến bãi.

Tỉnh Quảng Nam cũng đã quy hoạch lại các khu vực bến, bãi để phục vụ cho việc tập kết cát, sỏi trên địa bàn. Các bãi không phù hợp với quy hoạch phải từng bước tháo dỡ; những bến bãi ở trong quy hoạch thì phải được cấp phép của ngành giao thông. Các bãi phải tập trung ở nơi có giao thông thuận lợi, không ảnh hưởng đến sinh hoạt và đời sống của người dân khu vực đó. Và tất cả các khu vực tập kết bến bãi đều phải lấy ý kiến cộng đồng của người dân và được sự đồng thuận của người dân thì mới hoạt động. Từ đó đến nay tình hình khai thác cát sỏi lòng sông ở tỉnh Quảng Nam đã dần đi vào nề nếp.

Quảng Nam triển khai nhiều giải pháp để chấn chỉnh hoạt động khai thác cát sỏi lòng sông

PV: Nếu để xảy ra tình trạng doanh nghiệp khai thác cát, sỏi sai phép, vượt trữ lượng khai thác, thay đổi thiết bị, công nghệ khai thác… gây thất thoát tài nguyên thì trách nhiệm thuộc về đơn vị nào, thưa ông?

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: Hiện nay UBND tỉnh đã phân công rất rõ trách nhiệm của từng cơ quan liên quan nếu để xảy ra tình trạng này. Theo đó, về phía tỉnh là Sở Tài nguyên và Môi trường; việc quản lý bến bãi là trách nhiệm của Sở Giao thông – Vận tải và Sở Xây dựng; việc theo dõi khai thác ở địa phương trực tiếp đó là của UBND huyện, UBND xã. Nội dung này đã được UBND tỉnh giao trách nhiệm rất cụ thể và chúng tôi đã định kỳ, đột xuất tổ chức các đoàn liên ngành để kiểm tra việc khai thác cát, sỏi, nhất là tại các địa bàn có dư luận hoặc có phản ánh của người dân.

PV: Thời gian tới, tiếp tục triển khai Nghị định 23 của Chính phủ, tỉnh Quảng Nam có những kiến nghị gì nhằm xử lý hiệu quả các vi phạm phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông?

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: Thời gian tới để triển khai hiệu quả Nghị định 23 của Chính phủ, chúng tôi sẽ đề ra nhiều phương án quyết liệt hơn nữa như ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là việc quản lý mặt cắt của các khu vực khai thác bằng các công nghệ mới. Đồng thời, quản lý chặt chẽ việc tập kết cát, sỏi ở các bãi và xúc bán. Chúng tôi cũng phối hợp với thành phố Đà Nẵng để kiểm soát đầu ra ở tại khu vực tiêu thụ cát trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ phối hợp với các ngành liên quan để đánh giá tác động của mưa lũ ở các khu vực khai thác có sự thay đổi như thế nào để có sự điều chỉnh lại cho phù hợp.

Tỉnh Quảng Nam cũng đã quy hoạch lại các khu vực bến, bãi để phục vụ cho việc tập kết cát, sỏi trên địa bàn.

Tôi cho rằng Nghị định 23 với nhiều nét mới là “cơ chế thép” để chấn chỉnh hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông. Tuy nhiên, để làm tốt công tác này, trước mắt địa phương phải quy hoạch lại các điểm cát, sỏi vừa phục vụ nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế xã hội vừa đảm bảo công tác phòng chống thiên tai. Việc này vượt quá khả năng của địa phương, nhất là dự báo được tình hình thiên tai tác động đến lòng sông, bờ sông. Do đó rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ và Bộ TN&MT.

Thứ hai là công tác đấu giá thực hiện khai thác khoáng sản cần có những quy định chặt chẽ hơn để đảm bảo việc đấu giá đi vào nề nếp, phát huy hiệu quả kinh tế của địa phương nhưng cũng đồng thời lựa chọn được những doanh nghiệp thực sự có năng lực.

Thứ ba là nâng cao công tác giám sát bằng các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật từ khâu thăm dò, xác định trữ lượng đến khâu tổ chức thực hiện, tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng các bất cập để thu lợi bất chính, gây thất thoát tài nguyên. Vấn đề nữa mà chúng tôi quan tâm là công tác phối hợp giữa các ngành, các địa phương trong hoạt động quản lý khai thác tài nguyên cần được thể hiện rõ hơn. Bởi hiện nay chúng ta chưa có quy định cụ thể để điều phối, phối hợp lẫn nhau giữa các địa phương, khu vực liên tỉnh không chỉ là khai thác cát mà còn là chất lượng nước, nguồn nước….

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Võ Hà - Lan Anh