Mặt bằng cho thuê "nhọc nhằn" tìm khách thuê
Bất động sản - Ngày đăng : 15:28, 22/04/2021
Mặt bằng cho thuê trên đường Hai Bà Trưng, quận 3, TP.HCM đang tìm kiếm khách thuê |
Sau hơn một năm kể từ ngày dịch Covid-19 bùng phát, thị trường mặt bằng cho thuê tại TP.HCM đã giảm sâu và chưa thấy dấu hiệu khởi sắc, nhất là khi dịch bệnh chưa được khống chế hoàn toàn như hiện nay. Để tìm khách thuê, nhiều chủ nhà có mặt bằng cho thuê dù đã giảm giá tới 50%, nhưng người đi thuê mặt bằng kinh doanh thời điểm này vẫn rất ít. Nhiều chủ nhà cho biết, dù có giảm hay giảm sâu hơn nữa thì lượng khách thuê cũng không có, bởi rất ít người dám mạo hiểm mở cửa hàng kinh doanh giai đoạn này.
Ông Lê Văn Vinh, chủ một cửa hàng cho thuê trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp (TP.HCM) cho biết, lượng người hỏi thuê mặt bằng rất ít dù giá thuê đã giảm tới 50% trong 6 tháng. Từ khi dịch bệnh xuất hiện, người thuê trả lại cửa hàng do kinh doanh không có lãi. Sau nhiều tháng treo biển cho thuê, ông cũng không hy vọng nhiều và có thể phải mất chừng một năm nữa thì mặt bằng cho thuê mới ổn định. Chưa bao giờ mặt bằng cho thuê lại phải đi tìm khách thuê khó khăn đến vậy.
Theo bà Cao Thị Thanh Hương, Quản lý Bộ phận Nghiên cứu Thị trường TP.HCM, Savills Việt Nam, trong quý 1/2021, phân khúc mặt bằng cho thuê không có nguồn cung mới và duy trì ở mức 1,5 triệu m2, không đổi so với quý trước. Nguồn cung tương lai tăng trưởng chậm bởi những tác động của dịch bệnh Covid-19 cùng với việc đóng cửa của các cửa hàng. Trong số 11 dự án đã hoàn thành với 159.000m2, chỉ 3 dự án cung cấp 37.000m2 dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong chín tháng tới.
Trong khi đó, công suất tiếp tục giảm. Trong quý 1/2021, công suất trung bình đạt 93%, giảm 1 điểm phần trăm theo quý và 2 điểm phần trăm theo năm. Các trung tâm mua sắm khu vực ngoài trung tâm có công suất giảm 1 điểm phần trăm theo quý. Các hợp đồng hết hạn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách mới. Tuy nhiên, khu vực trung tâm có tình hình hoạt động khả quan hơn, các diện tích trống nhanh chóng tìm được khách thuê và hầu hết các trung tâm mua sắm đã được lấp đầy. Để hỗ trợ những khách thuê đang gặp khó khăn ở khu vực ngoài trung tâm, chủ nhà đã miễn phí tiền thuê trong suốt giai đoạn thi công hoặc áp dụng chiết khấu lên đến 40% trong 2-3 tháng đầu tiên đối với các giao dịch mới.
Còn theo JLL Việt Nam, mặt bằng bán lẻ cho thuê tại TP.HCM vẫn tiếp tục gặp khó khăn. Diện tích hấp thụ thuần trong quý 1/2021 đạt 1.299m2, thấp hơn mức 2.447m2 được ghi nhận trong quý 4/2020. Vì hầu hết các trung tâm thương mại chất lượng cao có tỷ lệ trống thấp nên lượng giao dịch hạn chế. So với Hà Nội, đợt dịch lần ba ít tác động lên thị trường bán lẻ TP.HCM. Tuy nhiên, thách thức vẫn còn đối với hầu hết các nhà bán lẻ. Thị trường chứng kiến nhiều nhãn hàng, cụ thể là ngành hàng lifestyle, đồ chơi và thời trang như: Mumuso, Funny Landvà H: Connect đóng cửa một loạt cửa hàng của họ trong các trung tâm thương mại.
Dự kiến, trong quý 3/2021, Socar Mall - Trung tâm thương mại đầu tiên tại khu đô thị Thủ Thiêm sẽ khai trương, đem đến hơn 38.000 m2 sàn cho thuê. Trong khi đó, khối đế thương mại đã hoàn thành ở các dự án hỗn hợp khác vẫn đang trong quá trình tìm kiếm khách thuê và vẫn chưa xác định thời điểm khai trương. “Tỷ lệ trống vẫn tiếp tục hạn chế do thiếu nguồn cung mới. Trong khi đó, giá thuê dự kiến duy trì ổn định do tác động của đại dịch Covid-19 kéo dài”, JLL Việt Nam dự báo.
Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, phải mất thêm một quãng thời gian nữa thị trường mới có thể lấy lại đà phục hồi. Trong giai đoạn hiện nay, cả người kinh doanh lẫn người có mặt bằng cho thuê buộc phải tìm các phương án đối phó. Kinh doanh online là một phương án hữu hiệu được các bên lựa chọn vào lúc này. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm tốt để đánh giá lại thị trường bán lẻ, tìm kiếm phương thức kinh doanh kiểu mới, bởi những giá trị cung cầu đã bị chênh lệch quá xa so giá trị thực.