Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển” - Bài 2: Trả ơn cho biển

Xã hội - Ngày đăng : 10:25, 22/04/2021

(TN&MT) - Để hệ sinh thái ven biển được bảo vệ và phát triển bền vững, các nhà khoa học Việt Nam đã đưa vào ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trồng phục hồi rạn san hô ven bờ biển. Đây được coi là giải pháp hữu hiệu, lâu dài cho tương lai vùng bờ.

Sáng sớm, khi mặt trời bắt đầu nhô qua mặt biển, nhóm kỹ thuật của anh Nguyễn Ngọc (đảo Lý Sơn) trong trang phục thợ lặn khẩn trương xuống biển. Bên dưới, ở độ sâu 7 m nước là một vườn ươm san hô rộng chừng 40 m2 vừa được nhóm gây trồng cách đây vài tháng. Vị trí này dòng nước chảy luồn qua giữa hai hòn đảo nên vận tốc khá mạnh. Công việc của nhóm là kiểm tra khả năng sống của từng cá thể san hô và trồng giặm những vị trí đã chết. Dưới biển, các nhành san hô (mỗi nhành là một cá thể) được cấy chặt vào các giá đỡ là những khung nhựa gắn cố định xuống đáy biển. Hầu hết các nhành san hô đều sống và có dấu hiệu phát triển tốt với những ngọn chồi nhú lên trắng nõn.

Anh Nguyễn Ngọc cho biết: “Để xây dựng được một vườn ươm san hô dưới đáy biển cần cả một thời gian dài. Giá thể để cấy san hô là những ống nhựa PVC được hàn thành những khung vỉ rộng khoảng 3 m2, trên đó gắn sẵn những đoạn ống cao khoảng 12 cm, cách nhau 40 cm để đón những nhành san hô cấy vào. Bản thân san hô là động vật, rất nhạy cảm với môi trường nên địa điểm để đặt vườn ươm cũng phải thỏa mãn những điều kiện rất khắt khe như nguồn nước không được ô nhiễm, không quá sâu và cũng không quá cạn, đặc biệt là tránh xa những tác động của con người”.

San hô được hồi sinh

Tại đây, các kỹ thuật viên sẽ cấy từng nhành san hô giống vào các cọc chuẩn bị sẵn và cố định lại bằng đinh ốc, đảm bảo không bị xê dịch hoặc cuốn trôi do dòng chảy. Những nhành san hô sau khi được cấy vào vườn ươm sẽ bắt đầu cuộc sống tự lập. Cái khó của san hô là sự sinh trưởng của nó hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân và môi trường tự nhiên xung quanh, con người không thể tiếp sức theo kiểu bón phân, phun thuốc. Vì thế, nhiều cá thể sau khi cấy không thích nghi phải âm thầm chấm dứt sự sống.

Sau khi cấy ghép, tỷ lệ sống của các dạng tập đoàn cấy ghép trên nền san hô chết cho kết quả tốt nhất với tỷ lệ sống từ 85 - 100%, san hô cố định trên đế bê tông cho kết quả khá tốt khi được đặt trên sườn dốc rạn và kém hơn khi đặt ở nền chân rạn, trong khi đó san hô cố định ở các cọc sắt trên nền đáy cát phát triển không tốt và bị chết khá nhiều. Theo dõi tăng trưởng của san hô di dời cho thấy, hai loài thuộc giống Acropora có tốc độ tăng trưởng tốt nhất (có thể tăng chiều dài cành 5 - 6 cm/năm hoặc 15 - 30% khối lượng/ tháng). Kết quả cũng cho thấy, loài san hô dạng cành Porites nigrescens thích nghi tốt nhất với môi trường vùng phục hồi, mặc dù tăng trưởng chậm hơn so với các loài thuộc giống Acropora.

 Hiện Lý Sơn đang rất thành công với Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trồng phục hồi rạn san hô ven bờ Lý Sơn”. Dự án đã góp phần thúc đẩy Quảng Ngãi bắt tay xây dựng Đề án lập Khu bảo tồn huyện đảo Lý Sơn nhằm gắn kết, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và phát triển du lịch sinh thái biển đảo với quy hoạch hơn 4.000 ha, trong đó, khu phục hồi san hô hơn 1.600 ha.

Biển Lý Sơn mênh mông, những gợn sóng lăn tăn vỗ nhẹ vào bờ. Nắng nhẹ nhàng soi trên mặt biển, những chiếc ca nô chở du khách ra vô các bãi cạn liên hồi quanh đảo. Người dân trên đảo từ bao đời nay đã ví những rặng san hô là những rừng xanh dưới đại dương, những khu rừng ẩn mình trong biển mặn. Cá tôm đã thi nhau về đây cư ngụ. Rừng san hô hiện lên, chứa đựng vẻ đẹp lung linh đa sắc màu. Những bữa ăn của ngư dân đã tràn ngập nụ cười mãn nguyện. Cư dân ở hòn đảo Lý Sơn mỗi ngày đang cần mẫn giữ rừng nơi đáy biển.

Những hình niềm vui ấy đổi lại là những giọt mồ hôi của các nhà nghiên cứu và của các kỹ sư lặn. Họ vẫn hàng ngày đằm mình dưới biển để đưa ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trồng phục hồi rạn san hô ven bờ xuống dưới đáy biển cho cá đến sinh sống, tạo nơi dưỡng cư tập trung cá và tạo giá thể để khôi phục san hô.

Đa phần rạn san hô được xây dựng bằng các khối bê tông đúc sẵn với khoảng trống phù hợp cho sinh vật biển cư trú. Và rạn nhân tạo không chỉ giúp tăng cường khả năng khai thác nguồn lợi, tăng năng xuất sinh học, tăng cường khả năng khai thác nguồn lợi thay thế các rạn san hô bị phá hủy mà còn giúp các cơ quan quản lý Nhà nước ngăn ngừa và hạn chế các phương tiện đánh bắt gần bờ làm phá hoại hệ sinh thái như lưới rê, lưới kéo. Mỗi khu vực có diện rạn nhân tạo kết hợp trồng phục hồi san hô và 1.600 m2.

Nói thêm về Dự án này, TS. Hoàng Xuân Bền, Phó Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cho biết: “Dự án có điểm đặc biệt là sẽ thực hiện đào tạo cộng đồng, tức là người dân, những đối tượng biết lặn và công việc thường ngày có liên quan đến biển sẽ cùng tham gia làm việc với các nhà khoa học. Qua thực tế làm việc, người dân sẽ hiểu được để có một cành san hô tốt, một khu vực rạn san hô đẹp thì công sức bỏ ra như thế nào, ý thức bảo vệ của người dân từ đó sẽ được nâng lên”.

San hô phát triển

Theo ông Phùng Đình Toàn, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn: “Sau thời gian ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trồng phục hồi rạn san hô ven bờ, hiện, những rạn san hô ở Hang Câu, Chùa Hang, Cổng Tò Vò, đảo Bé của Lý Sơn đã phục hồi nhanh chóng, trở thành “thế mạnh” cho phát triển du lịch tại địa phương. Các dịch vụ lặn ngắm san hô biển ở đảo Lý Sơn đang hút khách, mang lại thu nhập cao cho người dân. Về lâu dài, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn hướng đến việc xây dựng các mô hình bảo tồn biển dựa vào cộng đồng quy mô vừa và nhỏ như nhóm cộng đồng bảo vệ san hô, nhóm cộng đồng khai thác rong biển, nhóm cộng đồng du lịch sinh thái”.

Phát triển du lịch được xem là đòn bẩy để Lý Sơn thay da đổi thịt. Ô nhiễm môi trường biển và sự suy giảm của đa dạng sinh học ở Lý Sơn đã được khắc phục. Hiện, Lý Sơn đang hướng đến việc xây dựng mô hình bảo tồn biển dựa vào cộng đồng quy mô vừa và nhỏ như nhóm cộng đồng bảo vệ san hô, nhóm cộng đồng khai thác rong biển, nhóm cộng đồng làm du lịch sinh thái. Từ đó, người dân được tham gia các hoạt động đào tạo nghề, phát triển sinh kế thay thế và được phối hợp với chính quyền địa phương tham gia công tác tuần tra, đề nghị các biện pháp quản lý, bảo vệ nguồn lợi bằng cách thông qua bản hương ước mang tính sáng tạo và tự chủ cao.

“Cá tôm về quanh các rạn san hô giờ nhiều lắm. Mỗi đêm khai thác đều có thu nhập, có hôm trúng lớn thu cả bạc triệu. Cũng nhờ rừng san hô chứ như hồi xưa tàn phá san hô đem bán làm cho con tôm con cá quanh bờ cũng bỏ đi biệt tăm. Giờ nó về nhiều rồi, vui lắm, phải cố sức giữ rừng san hô ở đảo để sống”, đó là lời chia sẻ của lão ngư Phạm Thanh.

Còn với ông Nguyễn Cổ, một cư dân ở đảo Bé thuộc đảo An Bình, Lý Sơn thì: “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt. Tụi tui không ăn tạp kiểu ấy nữa, phải ăn kiểu khác. Đó là cùng bảo vệ rừng san hô dưới biển để buộc san hô biển đẻ ra tiền. Nhờ giữ được rừng san hô này mới được hưởng lợi như vậy chứ đâu có dễ”.

Điều này cho thấy nhận thức của người dân vùng biển Lý Sơn đã đổi thay. Cùng với công cuộc trồng rừng dưới đáy biển của các nhà khoa học, những người dân nơi đây đang tích cực chung tay bảo vệ biển, góp phần gìn giữ môi trường biển và góp sức trồng lại những cánh rừng san hô, như một cách trả ơn cho biển.

Bùi Thị Thoa (Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương)