Xin đừng… lạm dụng

Xã hội - Ngày đăng : 10:25, 22/04/2021

(TN&MT) - Theo thông tin trên báo chí nhiều ngày qua, Dự án mỏ sắt Thạch Khê tại 5 xã ven biển của huyện Thạch Hà, cách TP. Hà Tĩnh 8 km; do Công ty CP sắt Thạch Khê làm chủ đầu tư, vốn đầu tư 14.500 tỷ đồng trên diện tích 4.820 ha, đã triển khai từ năm 2008, đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định đóng cửa mỏ. Có thể nhận thấy, đây là một quyết định đúng.

Trái ngược với Hà Tĩnh, tại khu vực “quanh năm” sạt lở 2 bên bờ sông Tiền của tỉnh An Giang lại sôi động với việc có một Công ty trúng đấu giá mỏ cát có diện tích 60,3 ha với số tiền số tiền "khủng" 2.811 tỷ đồng.

Thử hỏi: Sau khi trúng đấu giá, phía đơn vị trúng đấu giá có nộp đủ số tiền đó không và khi nộp đủ rồi thì với công suất khai thác trên 2.372.500 m3, ở độ sâu khai thác dự kiến -16 m thì mức độ ảnh hưởng đến dân sinh như thế nào?

Chúng ta thử ngồi đó và tưởng tượng xem, hơn 2 triệu m3 cát và độ sâu khai thác như thế thì “hóa ra” hố tử thần sẽ không còn cảnh sập đổ trên bờ nữa, mà thay vào đó sẽ lại sập đổ dưới dòng sông. Nhưng sự sập đổ ở đây sẽ lại là những tính mạng, những tài sản, những “bờ sôi, ruộng mật” của người dân dọc 2 bờ sông Tiền. Lúc đó, liệu số tiền hơn 2.000 tỷ đồng liệu giải quyết được vấn đề gì???

Ảnh minh họa

Từ câu chuyện mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh), những người đứng đầu đã sáng suốt, lắng nghe ý kiến phân tích của các nhà khoa học, mà quan trọng hơn là họ đã biết lắng nghe dân. Bởi, "khai thác mỏ sắt Thạch Khê hệ lụy sẽ rất lớn" nên họ đã có một quyết định vô cùng sáng suốt là…. đóng cửa mỏ. Còn mỏ cát hơn 2 triệu m3 ở sông Tiền (An Giang) thì tỉnh lại bằng mọi giá đấu giá thật cao, càng cao càng tốt. Nhưng một điểm lạ mà ít người biết đến, trong khi giá khởi điểm chỉ là 1 con số, nhưng khi đấu giá tăng lên đến 4 con số (!?). Vậy, hệ lụy sẽ nằm ở đâu và từ đâu mà ra?

Cũng trong câu chuyện quy hoạch, đấu giá quyền khai thác, khác với Hà Tĩnh. Tỉnh Thanh Hóa lại quy hoạch theo kiểu chẳng… giống ai. Chỉ trên 2 dòng sông là sông Mã và sông Chu mà đã gánh tới 34 mỏ cát được cấp phép, chưa kể đến những điểm mỏ khai thác nhỏ lẻ và số lượng “cát tặc” nhiều vô kể cộng với hàng chục thủy điện vừa và nhỏ. Thử hỏi, có dòng sông nào “oằn mình” chịu được?

Đơn cử trên dòng sông Mã, nơi thượng nguồn ở Việt Nam từ huyện Mường Lát chảy về hạ nguồn qua các cửa sông Lạch Sung, Lạch Trường, Lạch Hới đổ ra biển Đông. Chỉ một đoạn sông tại địa bàn huyện Cẩm Thủy từ xã Cẩm Tân về xã Cẩm Vân chưa đầy 3 km mà đã quy hoạch đến 3 mỏ cát (mỏ 45, mỏ 46 và mỏ 47). Nhưng cũng lạ thay, khi làm hồ sơ cấp mỏ chính quyền địa phương lại phê vào những câu xanh rờn “không ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của địa phương”. Vậy, họ có biết, hàng năm bà con nơi đây mất bao nhiêu héc-ta đất canh tác không?.

Cách đây mấy năm, tỉnh Thanh Hóa cũng từng có những quyết định vô cùng dũng cảm và sáng suốt là thu hồi mỏ cát số 41 tại huyện Yên Định và mỏ cát số 26 tại huyện Vĩnh Lộc do trong quá trình khai thác làm thay đổi địa tầng, địa chất gây sụt lún đất canh tác và vườn tược, nhà của của người dân xã Yên Thọ (Yên Định) và Thanh Hóa cũng từng ra Chỉ thị cấm các công trình làm đường, san lấp sử dụng cát nước ngọt. Chỉ thị là thế, thu hồi là thế, nhưng mỏ cát vẫn được quy hoạch, cấp mới. Người dân 2 bên bờ sông Mã, sông Chu vẫn đang ngày đêm lo ngay ngáy đến tính mạng, tài sản, đồng ruộng, vườn tược nhà mình có thể trôi theo dòng nước bất kể lúc nào mỗi khi mùa mưa bão về.

Người Hà Tĩnh làm được, tại sao An Giang, Thanh Hóa và nhiều tỉnh thành khác không làm được? Đừng vì ít tiền thuế mà cho khai thác cát. Cũng đừng vì cả vùng đang thiếu cát, giá cát tăng mà tiếp tục “chiều chuộng” thói quen xây dựng, san lấp bằng cát sông và xin đừng quá lạm dụng các dòng sông. Đừng biến những dòng sông quê hương thành những “dòng sông chết”.

Tuyết Trang