Đắk Nông: Phải quản lý, bảo vệ tốt tài nguyên khoáng sản để phát triển kinh tế - xã hội

Khoáng sản - Ngày đăng : 10:24, 22/04/2021

(TN&MT) - Đắk Nông là 1 trong 5 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên được thiên nhiên ưu đãi với nhiều loại khoáng sản phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, việc khai thác trái phép, quá mức tài nguyên khoáng sản đã tác động tiêu cực đến hệ sinh thái cũng như ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Để tìm hiểu rõ hơn về thực trạng, nguyên nhân cũng như những giải pháp căn cơ nhằm khắc phục hiệu quả tình trạng nêu trên theo hướng bền vững, phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc phỏng vấn với ông Lê Trọng Yên (ảnh) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông.

PV: Thời gian qua, việc khai thác khoáng sản cát, đá bazan... trái phép trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Ông có thể cho biết thực trạng hiện tại về tình hình này?

Ông Lê Trọng Yên:

Việc khai thác cát, đá bazan trái phép đã diễn ra một số nơi trên địa bàn tỉnh, như ở xã Nhân Cơ, huyện Đắk Rlấp; xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil; xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức. Tuy nhiên, sau khi nhận được phản ánh từ các phương tiện truyền thông và của người dân địa phương; UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo chính quyền địa phương, các Sở, ngành có liên quan tổ chức kiểm tra và xử lý theo đúng quy định.

Ông Lê Trọng Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh Đắk Nông sẽ tiếp tục chỉ đạo các Sở, ngành và UBND các cấp tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý triệt để tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Chủ tịch UBND các huyện và TP. Gia Nghĩa phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh trong trường hợp để xảy ra các hoạt động khoáng sản trái phép mà không xử lý dứt điểm.

PV: Tỉnh Đắk Nông đã có nhiều đợt kiểm tra, xử lý vi phạm, nhưng hoạt động khai thác khoáng sản trái phép vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo ông đâu là nguyên nhân?

Ông Lê Trọng Yên:

Trong thời gian qua, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép gia tăng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông do một số nguyên nhân chính như: giá các loại vật liệu xây dựng như cát, đá bazan dạng trụ tăng cao dẫn đến một số đối tượng vì lợi nhuận nên đã bất chấp khai thác khoáng sản trái phép. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, rà soát, phát hiện, xử lý việc khai thác khoáng sản trái phép tại một số địa phương vẫn còn yếu.

Ngoài ra, một số tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh được giao đất, giao rừng, mặt nước với diện tích lớn để quản lý, nhưng ý thức trách nhiệm bảo vệ khoáng sản trên diện tích đất được giao chưa cao, các đối tượng đã lợi dụng điều này để khai thác cát, đá,… trái phép. Công tác phối hợp của các Sở, ngành, địa phương trong kiểm tra, xử lý việc vận chuyển và kinh doanh khoáng sản trái phép chưa được triển khai chặt chẽ.

PV: Được biết, tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk đã ký Quy chế phối hợp để quản lý lòng sông chung Krông Nô nhằm kiểm soát tình trạng khai thác cát trái phép. Việc này phát huy hiệu quả ra sao, thưa ông?

Ông Lê Trọng Yên:

Việc thực hiện các nội dung theo Quy chế phối hợp đã đạt được một số kết quả nhất định, đặc biệt trong công tác trao đổi thông tin kịp thời để các bên tham gia kiểm tra, xử lý các điểm khai thác cát trái phép; phối hợp để thống nhất các vị trí cấp phép khai thác không nằm trong khu vực bị sạt lở của cả 2 bên bờ giữa 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông.

Nhiều tàu nối đuôi nhau “hút cát” trên sông Krông Nô

Công tác phối kết hợp quản lý lòng sông Krông Nô giữa 2 tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk đã và đang từng bước đạt những kết quả khả quan. Cụ thể, trong năm 2020, qua phối hợp và trao đổi thông tin giữa 2 tỉnh, Công an tỉnh Đắk Nông đã tiến hành xử lý 1 đơn vị khai thác trái cát phép đi từ Đắk Lắk qua địa phận Đắk Nông để khai thác.

Mới đây, về việc khai thác trái phép trên khu vực lòng hồ thủy điện Buôn Tua Srah, UBND tỉnh Đắk Nông đã có Văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng và UBND tỉnh Đắk Lắk để chỉ đạo các cơ quan có liên quan tăng cường công tác phối hợp xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ở khu vực giáp ranh giữa các địa phương. Thời gian tới, tỉnh Đắk Nông sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc và luôn chủ động trong việc phối kết hợp cùng tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng để quản lý khoáng sản chặt chẽ và hiệu quả hơn.

PV: Để giảm thiểu tối đa “vấn nạn” khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép, tỉnh Đắk Nông sẽ có những biện pháp và chỉ đạo cụ thể nào trong thời gian tới?

Ông Lê Trọng Yên:

Thời gian tới, để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh Đắk Nông sẽ tham mưu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình Tỉnh ủy Đắk Nông ban hành Chương trình hành động về quản lý, bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, tập trung thực hiện các nội dung: Các cấp ủy đảng và chính quyền các địa phương cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

Đồng thời, tỉnh Đắk Nông cũng sẽ thường xuyên tổ chức triển khai thực hiện công tác tuyên truyền vận động, phổ biến pháp luật sâu rộng cho cán bộ quản lý, công chức và các tầng lớp nhân dân về công tác quản lý, bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn. Định kỳ, các đơn vị phải báo cáo cơ quan thẩm quyền cấp trên về việc phát hiện, ngăn chặn khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà các địa phương nàu được giao quản lý.

Tỉnh Đắk Nông cũng sẽ kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương trong trường hợp để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý dứt điểm hoặc không kịp thời báo cáo cơ quan cấp trên trong trường hợp không ngăn chặn được. Đồng thời, xem xét công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác là một trong những tiêu chí để đánh giá kết quả thi đua, khen thưởng và mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của các đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý; chú trọng phân bổ ngân sách, đảm bảo cho chính quyền các địa phương, lực lượng Công an triển khai các hoạt động bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

PHẠM HOÀI (thực hiện)