Hà Nam: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường phía Tây sông Đáy
Môi trường - Ngày đăng : 10:24, 22/04/2021
Từ thực tiễn đó, cuối năm 2016, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành Đề án tổng thể số 2617 để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện đề án, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc. Để giải quyết vấn đề này, rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ các ngành chức năng và chính quyền địa phương.
Ô nhiễm môi trường ở khu vực phía Tây sông Đáy xuất phát từ nhiều nguồn phát thải khác nhau như: Khói bụi của các nhà máy xi măng, bụi đá của các doanh nghiệp chế biến vật liệu xây dựng (VLXD), bụi từ xe chở quá tải chạy rơi vãi VLXD trên đường, bụi từ xe đổ VLXD trên các cầu cảng tập trung. Để hạn chế gia tăng ô nhiễm, cuối năm 2016, tỉnh Hà Nam đã ban hành Đề án tổng thể giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực phía Tây sông Đáy, địa bàn các huyện Thanh Liêm và Kim Bảng nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng trên.
Vấn đề môi trường tại khu vực phía Tây sông Đáy còn tồn tại nhiều hạn chế, vướng mắc cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các ngành |
Theo mục tiêu của Đề án, trong giai đoạn 2016 - 2018 sẽ xử lý toàn bộ lượng rác thải tồn đọng, không để tình trạng ô nhiễm phát sinh từ khu vực bãi rác cũ; toàn bộ số doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản thực hiện nghiêm những nội dung đã cam kết trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Bản cam kết bảo vệ môi trường, Kế hoạch bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp thực hiện khai thác, chế biến khoáng sản và các nhà máy xi măng lắp đặt hệ thống quan trắc tự động hệ thống khí thải, truyền tải số liệu về Sở TN&MT và vận hành thường xuyên hệ thống xử lý khí thải; bảo đảm các xe vận chuyển vật liệu chở đúng trọng tải, chạy đúng tốc độ; chấm dứt hoạt động của các máng rót tự phát không phù hợp quy hoạch được duyệt trên sông Đáy...
Theo Báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Hà Nam, sau 5 năm thực hiện Đề án, đến nay, môi trường khu vực phía Tây sông Đáy đã có chuyển biến tích cực; Nồng độ các chất ô nhiễm không khí SO2, NO2, CO nằm trong tiêu chuẩn cho phép theo QCVN 05:2013/BTNMT. Nồng độ bụi tại một số khu vực trọng điểm phía Tây sông Đáy đã có thời điểm chuyển biến. Tại khu vực thị trấn Ba Sao, nồng độ bụi nằm trong giới hạn cho phép; khu vực gần các nhà máy xi măng, doanh nghiệp khai thác đá thuộc thôn Bồng Lạng, nồng độ ô nhiễm bụi giảm 1,5 - 2,7 lần so với trước khi thực hiện Đề án trong các năm 2017, 2018, 2019 nhưng nồng độ ô nhiễm bụi vẫn cao hơn QCVN 05:2013/BTNMT từ 1,6 - 4,2 lần.
Rác thải sinh hoạt được thu gom, vận chuyển về 2 nhà máy xử lý công suất khoảng 330 tấn/ngày, xử lý đạt 100% kế hoạch. Các cơ sở đã thuê đơn vị chức năng vận chuyển, xử lý chất thải công nghiệp, đạt 100% kế hoạch. 100% cầu cảng, máng rót tự phát đã được xử lý, dừng hoạt động.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc chưa được giải quyết triệt để. Hiện trạng hạ tầng giao thông khu vực phía Tây sông Đáy chưa được đồng bộ, nhiều đoạn đường đã xuống cấp trầm trọng. Vẫn còn tình trạng xe chở quá tải, không che phủ bạt tại khu vực đường nội mỏ ra cảng, đường dùng chung làm rơi vãi vật liệu ra đường gây phát tán bụi. Khối lượng rác tồn đọng từ năm 2006 đến nay khoảng 60.000 tấn tại xã Thanh Thủy, huyện Thanh Liêm chưa được xử lý.
Công ty xi măng Xuân Thành, Thành Thắng đã thực hiện quét dọn vật liệu rơi vãi, phun nước giảm thiểu bụi đường khu vực nhà máy |
Theo đánh giá của Sở TN&MT tỉnh Hà Nam, nguyên nhân chính là do khu vực phía Tây sông Đáy đã có nhiều cơ sở sản xuất, khai thác chế biến VLXD và nồng độ bụi đã vượt ngưỡng cho phép nhiều lần nhưng các nhà máy xi măng vẫn xin nâng công suất, làm gia tăng mức độ ô nhiễm môi trường trong khu vực. Ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp trong khu vực phía Tây sông Đáy còn hạn chế, chưa thực hiện đầy đủ các giải pháp bảo vệ môi trường, đặc biệt không vận hành thường xuyên hệ thống phun nước dập bụi. Các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản thường nằm xa nguồn nước nên gặp khó khăn cho việc cấp nước dập bụi.
Nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực phía Tây sông Đáy trong thời gian tới, Sở TN&MT đã đề nghị UBND tỉnh Hà Nam tiếp tục gia hạn thực hiện Đề án 2617/ĐA-UBND ngày 4/11/2016 về giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực phía Tây sông Đáy thuộc địa bàn các huyện Thanh Liêm, Kim Bảng đến hết năm 2025. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện theo thiết kế cơ sở, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp sát với công suất của dự án, đảm bảo đồng bộ với hộ chiếu nổ mìn, lượng vật liệu nổ công nghiệp sử dụng trong mỗi lần nổ để giảm ảnh hưởng rung chấn, phát thải bụi.
Kể từ khi thực hiện Đề án 2617 đến nay, 69/79 đơn vị đã được kiểm tra, cấp Giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường (đạt 87,3%), còn 10 đơn vị chưa lập Báo cáo hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường, 23 đơn vị chưa hoạt động, đang xây dựng dự án. Có 5/5 nhà máy xi măng lắp đặt truyền số liệu quan trắc khí thải tự động về Sở TN&MT (đạt 100%)
Xây dựng các trạm rửa xe tự động tại các tuyến đường dùng chung, ban hành cơ chế hoạt động của cảng dùng chung trên sông Đáy. Các cảng xuất, nhập hàng hoá trên sông phải thực hiện đầy đủ các giải pháp bảo vệ môi trường đã cam kết trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường, có hệ thống chụp mềm xuống tàu, hệ thống lọc bụi tay áo trong quá trình xuất hàng hoá, quét dọn, phun nước dập bụi trên các tuyến đường vận chuyển và bổ sung diện tích cây xanh…