Nhìn lại “cơn sốt” đất: Đầu cơ và những giá trị ảo
Đất đai - Ngày đăng : 10:24, 22/04/2021
Cái “cớ” đến từ chính sách
Thời gian gần đây, thị trường bất động sản chứng kiến sự leo thang mạnh mẽ của giá nhà đất ở khắp nơi và nhiều người cho rằng đó là do sự tác động của Bảng giá đất mới.
Tuy nhiên, chi phí về đất của một dự án bất động sản căn cứ theo Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành và có tác động đến giá bán thực tế trên thị trường, nhưng sự tác động này không quá nhiều. Đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, việc tăng giá đất khoảng 15 -20% của các địa phương cũng chỉ làm tăng giá thành bất động sản nhà ở khoảng 1,5 - 5%.
Riêng với các dự án bất động sản thực hiện thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì chi phí về đất của dự án chịu tác động bởi giá đất của thị trường, việc tác động của Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành chỉ là tác động gián tiếp.
Dự án phân lô, bán nền |
Như vậy, giá thị trường bất động sản trong thời gian qua cao vọt không phải chỉ đến từ nguyên nhân các tỉnh, thành tăng Bảng giá đất mà do tác động của nhiều yếu tố, trong đó không thể tránh chiêu trò “thổi giá” đến từ giới đầu cơ.
Điều này khẳng định việc sốt đất không phải do Bảng giá đất vì nếu theo Bảng giá thì tình trạng sốt đất đã có thể diễn ra từ đầu năm 2020 chứ không phải đến năm nay mới bắt đầu.
Ông Lê Văn Bình - Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất, Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, cơn sốt đất thường có chu kỳ, cứ khoảng 10 năm lại có 1 cơn sốt đất và trải qua mỗi lần như vậy lại tạo lập một mặt bằng giá mới, gây khó khăn cho nhà đầu tư khi muốn tiếp cận đất đầu tư.
…và “đón đầu” quy hoạch
Trước đây, khi chưa có Luật Quy hoạch, chúng ta có các quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương với các kỳ khác nhau. Nhưng lần này, khi có Luật Quy hoạch, các địa phương và Trung ương đồng bộ thống kê hiện trạng để hoạch định ra các kịch bản cho tương lai.
Thông tin Bảng giá đất mới tại nhiều địa phương được điều chỉnh tăng đã làm tăng giá bất động sản, gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản là không chính xác. Bởi, hiện nay, các địa phương đang sử dụng Bảng giá đất từ năm 2020 đến hết năm 2024, tức là các địa phương đã thực hiện ổn định Bảng giá đất từ đầu năm 2020. Như vậy, giá các loại đất theo Bảng giá không tăng trong đầu năm 2021.
Ông Đào Trung Chính,
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai
Do đó, khi các thông tin về việc dự kiến xây dựng công trình, quy hoạch khu đất mới được đưa ra bàn thảo, người dân sẽ phát sinh tâm lý đất ở khu vực nào đó có giá, trong khi các nhà đầu tư nhận ra tiềm năng về đất ở khu vực quy hoạch.
Dựa vào “nghệ thuật” bán hàng, thông tin về quy hoạch mới được các "cò" đất vận dụng rất tốt để “thổi giá” lên cao. Một số khu vực dù không nằm trong quy hoạch nhưng vẫn được "cò" đất vẽ ra cơ hội sinh lời nhờ các khu đô thị sắp mọc lên để người dân xuống tiền nhằm trục lợi.
Giá chỉ giành cho giới “đầu cơ”
Qua nhiều lần sốt, giá đất ngày càng tăng nhưng sau đó những khu vực này vẫn bỏ hoang, ít được đầu tư hạ tầng hay xây dựng nhà ở. Hậu quả để lại là những ngôi nhà xây thô, mảnh đất cỏ mọc mà không thấy sự đổi thay gì sau những cơn sốt đất. Lý do là với mức giá cao như vậy, chỉ giới đầu tư mới có thể mua được đất nền chứ không dành cho người dân có nhu cầu ở thực.
Trên thực tế, nếu nói giá đất của Nhà nước thay đổi sẽ làm cho giá bất động sản tăng mạnh là thiếu cơ sở. Bởi yếu tố tác động mạnh đến giá thành bất động sản là chi phí về đất. Tuy nhiên, cơ cấu, tỷ trọng loại chi phí này đối với mỗi dự án là khác nhau: bình quân, tại các khu vực đô thị, tiền sử dụng đất chiếm khoảng 10% giá thành căn hộ nhà chung cư; 20 đến 30% giá thành nhà liền kề thấp tầng; khoảng 50% giá thành biệt thự. Tại các khu vực ngoại thành, nông thôn, tỷ lệ này thấp hơn, còn các khu vực trung tâm đô thị, tiền sử dụng đất lại là chi phí chủ yếu trong giá thành. Như vậy, việc giá đất đẩy lên gấp 2 - 3 lần sau mỗi lần Nhà nước điều chỉnh giá đất chỉ là cơ hội cho giới đầu cơ “đưa đẩy” buôn bán với nhau, không có nhiều giá trị thực tế.