“Liều thuốc” nào để ngăn chặn “sốt đất”?

Bất động sản - Ngày đăng : 10:23, 22/04/2021

(TN&MT) - Từ đầu năm 2021 đến nay, thị trường bất động sản (BĐS) tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước bỗng dưng quay cuồng trong “cơn sốt”, giá đất được đẩy lên rất cao so với giá trị thực tế, khiến thị trường BĐS trở nên bất ổn, xáo trộn.

“Sốt giá” trên miệng “cò đất”

Khoảng 3 tháng trở lại đây, giá đất tăng bất thường từ thành thị đến nông thôn, từ đất ở, biệt thự nghỉ dưỡng đến đất dự án treo hay ăn theo thông tin chưa rõ ràng về pháp lý tại các dự án hạ tầng như sân bay, cao tốc… đều ồ ạt rao bán với giá trên trời. Trước tình trạng này, các cơ quan quản lý và chính quyền nhiều địa phương đã đồng loạt vào cuộc cắt “cơn sốt” nhằm hướng lại thị trường BĐS đi đúng với thực tế.

Điển hình, cuối tháng 2/2021, người dân ở 2 xã An Khương và Tân Lợi, huyện Hớn Quản (tỉnh Bình Phước) chứng kiến cảnh nhà đầu tư ồ ạt đổ về đây “săn” đất. Việc giá đất ở 2 xã nêu trên liên quan đến ý tưởng xây dựng sân bay Técníc ở Hớn Quản. Mặc dù đó mới chỉ là đề xuất của tỉnh Bình Phước và đang trong giai đoạn khảo sát và xem xét quy hoạch, thế nhưng việc mua bán đã tấp nập diễn ra, làm xáo trộn, gây bất ổn cho thị trường địa ốc.   

Từ đầu năm 2021, thị trường bất động sản tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước bỗng dưng quay cuồng trong “cơn sốt”

Tương tự, tại tỉnh Lâm Đồng, “cò đất” tiếp thị khách bằng thông tin về đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương - Đà Lạt, nhưng trên thực tế, 2 tuyến cao tốc này đang được Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương nghiên cứu tiền khả thi, nhưng qua “miệng” của các môi giới thì dự án đã hoàn chỉnh và được định ngày khởi công.

Hiện nay, ở vùng đất cao nguyên lộng gió này, “cơn sốt đất” đã lan lên tới các đồi cao, từ đất trồng cây ngắn ngày và cây lâu năm, ngay cả đất rừng cũng được rao bán. Trước đây, đất đồi ở Bảo Lộc có giá khoảng trên dưới 1 tỷ đồng/ha thì hiện nay được rao bán đến hơn 3,5 tỷ đồng/ha, những miếng đất có hướng nhìn ra đồi, hồ… được chào bán với giá trên trời. 

Còn ở xã Thiện Nghiệp, TP. Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) thì cánh môi giới “ra rả” thông tin về việc xây dựng Sân bay Phan Thiết cùng các tuyến đường, dự án BĐS của các nhà đầu tư có thương hiệu sắp đổ về. “Năm 2020, đất nông nghiệp ở đây chỉ khoảng trên dưới 1 tỷ đồng/1.000 m2 thì nay đã lên tới 3 tỷ đồng/1.000 m2. Riêng đất mặt tiền dọc Tỉnh lộ 715 chạy qua địa bàn xã được chào bán từ 3,5 - 5 tỷ đồng/sào, tăng gấp 2 lần so với cuối năm trước” - một người dân ở xã Thiện Nghiệp nói.

Nhà đầu tư cần cẩn trọng

Lý giải về nguyên nhân gây nên tình trạng “sốt đất” ở nhiều địa phương hiện nay, ông Nguyễn Văn Đính - Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, thời gian qua, giá đất nhiều khu vực đã tăng trung bình khoảng 10% sau 1 tháng, có nơi chỉ trong thời gian ngắn đã tăng đến gấp đôi. Tại một số địa phương, đã xuất hiện tình trạng đầu tư bất chấp quy định pháp luật, tung tin không đúng sự thật về quy hoạch, bán đất không phù hợp quy định pháp luật như: đất rừng, đất ruộng, đất vườn để tạo “sóng”.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Đính, điều đáng lo ngại là đã có hiện tượng rao bán đất không phù hợp với quy định pháp luật về đất đai, BĐS, như: đất rừng, đất ruộng, vườn… hiện đang diễn ra phổ biến. “Cò mồi” thường xuyên tụ tập ở những khu vực nông thôn, tạo ra sự sôi động, tung nhiều thông tin không có cơ sở, đẩy giá lên cao từng ngày để lôi kéo các nhà đầu tư vào cuộc. Đây là chính là những giao dịch không phù hợp quy định của pháp luật. Bởi đất rừng, đất nông nghiệp là để sản xuất nông nghiệp chứ không phải để mua bán hoặc giao dịch theo dạng kinh doanh BĐS.

“Thực trạng “sốt đất” trong thời gian qua như tái hiện lại kịch bản đã từng diễn ra trong quá khứ. Hiện nay, các cơ quan chức năng đã đồng loạt vào cuộc để cảnh báo và lên phương án xử lý. Qua đó cho thấy một lần nữa bài học nhãn tiền này đã cảnh báo các nhà đầu tư không chuyên nghiệp nên thận trọng, cẩn trọng trước khi xuống tiền mua đất, tránh “ma lực” của “cò đất” cuốn hút”. 

Ông Lê Hoàng Châu

Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA)

 

Còn Chuyên gia Kinh tế Lê Bá Chí Nhân cho rằng, nhà đầu tư cần xem xét, tính toán thật kỹ trước khi xuống tiền sở hữu sản phẩm BĐS. Bởi tính thanh khoản khi người mua những lô đất này không phải với mục đích để ở mà với mục đích đợi bán lại thu lợi nhuận chênh lệch. Do đó, nếu không tỉnh táo, người mua có khả năng phải lãnh đủ thiệt hại do giá trị đất đã bị đẩy lên quá cao so với giá trị thực tế.

“Để thị trường BĐS tiếp tục phát triển ổn định, bền vững, Nhà nước nên sớm có kế hoạch, giải pháp kiềm chế việc tăng giá đất ảo. Còn chính quyền địa phương cần đánh thuế cao đối với những giao dịch mua bán đất sau khi có chủ trương làm dự án. Riêng việc đền bù giải tỏa, chính quyền địa phương cũng nên ưu tiên đền bù cho người dân sở tại với giá cao, còn những người mua đất sau khi có chủ trương đầu tư dự án sẽ không được đền bù theo giá thị trường” - ông Lê Bá Chí Nhân phân tích.

Đình Du