Sôi nổi các hoạt động tại Lễ hội Hoa Lư năm 2021

Văn hóa - Ngày đăng : 13:34, 20/04/2021

(TN&MT) - Sáng 20/4 (tức ngày 9/3 âm lịch), Ban Tổ chức Lễ hội Hoa Lư năm 2021 đã tổ chức Lễ Rước nước tại sân lễ hội trước cửa Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư) và Lễ dâng hương tại Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, Đền thờ Vua Lê Đại Hành và Bia tưởng niệm Vua Lý Thái Tổ.

Từ 5h30 sáng, Lễ rước nước đã bắt đầu. Đây là lễ tục thiêng liêng, Lễ Rước nước Thần Long về làm Lễ Mộc dục (bao sái Thánh tượng), cầu cho mưa thuận gió hòa, nhân khang, vật thịnh, mùa màng tươi tốt bội thu.

Nghi Lễ Rước nước được khởi hành từ Đền Vua Đinh Tiên Hoàng đến giữa sông Hoàng Long. Đội hình rước nước gồm sư tử dẫn đường; tiếp đến là 2 đội Rồng, 2 hàng cờ, phường bát âm, kiệu bát cống lớn có đặt hương án, bên trong kiệu là một bình sứ lớn, ngoài phủ vải nhiễu điều đỏ do 8 thanh niên trai tráng khênh. Đi sau kiệu là các quan khách và các kiệu bát cống có tán, lọng song hành, do các thiếu nữ khiêng và mang lễ vật hương, hoa, quả phẩm…

Lễ rước nước tại Lễ hội Hoa Lư năm 2021. Ảnh: Báo Ninh Bình

Đi bên mỗi kiệu là hai bô lão vận trang phục, mũ, hài theo kiểu quan đại triều và một vị trang phục Hoàng đế đi rước nước. Đi sau cùng là những bô lão, những đội tế nữ quan, trang phục xiêm hoa lộng lẫy và các đoàn thể, đông đảo nhân dân địa phương và du khách trẩy hội.

Khi đoàn rước ra tới bến sông, trên bờ trống, chiêng gióng lên từng hồi, kỳ lân, sư tử nhảy múa trên bờ sông. Loa truyền thanh đọc lời bình về Lễ rước nước. Dưới thuyền có đoàn thuyền Rồng lượn ba vòng quanh cây nêu, sau tiến sát cây nêu, trống nhạc nổi lên, vị Chánh tế thực hiện nghi thức tế lễ.

Thiếu nữ cầm bình khỏa nước, múc nước trong sạch, chuyển cho cụ cao niên, cụ cao niên chuyển cho lãnh đạo tỉnh đổ vào bình sứ đựng nước. Lấy nước đủ 9 lần. Lấy nước xong tiếp tục làm thủ tục tế lễ xin rước nước về Đền Đinh Tiên Hoàng Đế cung lễ và thuyền Rồng quay mũi vào bờ.

Khi đoàn rước nước tới Đền Vua Đinh, nước thần được đưa vào trong nội cung và được đặt trang trọng trên án trước tượng Vua để bao sái tượng thờ và lau thần vị. Số nước còn lại để dâng lên bàn thờ Vua và sau ngày hội, nước được vảy tưới cho cây cối trước sân đền thờ vua và để dành một ít đến cuối năm.

Tương truyền, tục rước nước trong Lễ hội Hoa Lư đã có từ hơn một nghìn năm nay. Đây là nghi thức đặc biệt ý nghĩa gợi nhớ đến tích Rồng vàng xuất hiện trên sông đưa Bộ Lĩnh qua sông, cứu vua thuở sinh thời thoát lưỡi gươm dọa giết từ người chú là Đinh Dự. Từ đó, sau khi đăng quang Hoàng đế, nhớ ân nghĩa Rồng vàng, vua Đinh hằng năm xin rước nước từ dòng sông linh thiêng về tế ở Thái miếu, cầu Thần Long phù hộ độ trì quốc thái, dân an, mùa màng bội thu, no ấm.

Sau khi vua Đinh băng hà, tục lệ Rước nước được duy trì về tế ở linh từ Hoàng Đế. Tục rước nước trong Lễ hội Hoa Lư là dấu ấn rõ nét của tập quán cư dân nông nghiệp trồng lúa nước và cũng là biểu tượng tình cảm thiêng liêng "Uống nước nhớ nguồn".

Lễ Rước nước Thần Long về làm Lễ Mộc dục (bao sái Thánh tượng), cầu cho mưa thuận gió hòa, nhân khang, vật thịnh, mùa màng tươi tốt bội thu.

Cũng trong sáng 20/4, Ban Tổ chức Lễ hội Hoa Lư năm 2021 tổ chức Lễ dâng hương tại Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, Đền thờ Vua Lê Đại Hành và Bia tưởng niệm Vua Lý Thái Tổ.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Ninh Bình dâng hương tại đền thờ vua Đinh, vua Lê. Ảnh: Báo Ninh Bình

Dâng hương tại Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, Đền thờ Vua Lê Đại Hành và Bia tưởng niệm vua Lý Thái Tổ, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Ninh Bình và đại biểu dự lễ kính cẩn tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của các bậc Tiên đế - những vị Anh hùng dân tộc đã có công thống nhất đất nước, đặt nền móng cho nền thống nhất quốc gia, tạo nên bước ngoặt trong lịch sử đất nước, hình thành nên một Nhà nước Phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên của nước ta.

Đồng thời, bày tỏ quyết tâm tiếp tục phát huy truyền thống hào hùng của cha ông, đoàn kết, năng động, sáng tạo, chung sức xây dựng quê hương Ninh Bình ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh.

Lễ hội Hoa Lư là lễ hội được trao truyền qua nhiều thế hệ, có ý nghĩa lớn về giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, truyền thống đoàn kết cộng đồng. Tại lễ hội, nhiều nghi lễ mang đậm bản sắc văn hóa của người Việt được tái hiện, bảo tồn và phát huy, tạo nên sắc thái riêng, thực sự là những hoạt động văn hóa tinh thần bổ ích, lý thú.

Với các giá trị đặc biệt tiêu biểu, Lễ hội Hoa Lư đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2014.

Tuyết Chinh