Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển” - Bài 1: San hô - Vì đâu nên nỗi?
Xã hội - Ngày đăng : 21:43, 19/04/2021
Việt Nam được xem là một trong những quốc gia biển có quần thể san hô đa dạng nhất. Dựa trên các tài liệu, đã xác định được khoảng 13.355 ha rạn san hô phân bố tại 17 khu vực phân bố trọng điểm trong vùng ven bờ, trong đó vùng biển ven bờ miền Trung là nơi có diện tích rạn san hô lớn nhất.
Theo TS. Hoàng Xuân Bền, Phó Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, rạn san hô được đánh giá là một hệ sinh thái có vai trò quan trọng nhất của đại dương, có năng suất sinh học cao nhất và góp phần cung cấp trực tiếp hoặc gián tiếp cho 10% tổng sản lượng nghề cá trên toàn thế giới.
|
“Trong một khảo sát, vùng biển Lý Sơn có độ đa dạng sinh học cao, trong đó có 157 loài san hô. Những năm gần đây, hầu hết các rạn san hô đều trong tình trạng suy giảm về độ phủ, diện tích phân bố cũng như việc biến mất một cách báo động của các quần thể sinh vật rạn, đặc biệt là những loài có giá trị kinh tế cao. Có nhiều nguyên nhân, song chủ yếu đều do tác động của thiên nhiên và hoạt động của con người” - TS. Hoàng Xuân Bền cho biết thêm.
Nguyên nhân của sự thay đổi về tính đa dạng có thể là do sự thay đổi về cấu trúc quần xã dưới các tác động khác nhau của yếu tố môi trường làm gia tăng các loài ưu thế có khả năng thích nghi với điều kiện mới và sự khai thác quá mức các loài sinh vật có giá trị. Liệu sự thay đổi về cấu trúc quần xã có là nguyên nhân tác động đến rạn san hô? Chắc chắn là chỉ một phần nào đó. Vậy các mối đe dọa đối với rạn san hô bắt nguồn từ đâu? Đó là câu hỏi đã được các nhà khoa học đặt lên hàng đầu và buộc phải tìm ra nguyên nhân.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc hệ sinh thái rạn san hô bị chết. Trước hết là do sự khai thác quá mức, lắng đọng trầm tích, ô nhiễm, sự bùng nổ của sinh vật địch hại, xâm thực của hải miên, tai biến thiên nhiên. Các nghiên cứu về hiện trạng nguồn lợi sinh vật rạn ở các vùng ven bờ Việt Nam cũng phản ảnh thực trạng quá nghèo nàn về thành phần sinh vật nguồn lợi như cá, thân mềm, da gai, giáp xác. Điều này cho thấy một thực trạng là hiện trạng rạn san hô vùng biển ven bờ Việt Nam đang có chiều hướng suy giảm nghiêm trọng do các hoạt động khai thác quá mức, sử dụng không hợp lý, ô nhiễm môi trường.
San hô phát triển |
Mặt khác, môi trường biển tiếp tục biến đổi theo chiều hướng xấu và ngày càng có nhiều chất thải không qua xử lý từ các lưu vực sông và vùng ven biển đổ ra biển. PGS.TS. Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang giải thích: “Tình trạng san hô chết trắng xảy ra khi nhiệt độ của nước quá ấm hoặc quá lạnh. Khi nước quá ấm, san hô sẽ tự động trục xuất tảo zooxanthellae (là một loại tảo đơn bào sống cộng sinh cùng san hô). Một khi san hô đào thải tảo đơn bào đang cộng sinh với mình, các mô san hô sẽ bị mất đi màu sắc vốn có và để lộ màu trắng của cacbonat canxi - đó là tình trạng bạc màu ở chúng. Quan hệ cộng sinh bị cắt đứt cũng đồng nghĩa với việc các polip san hô sẽ không còn nhận được chất dinh dưỡng dư thừa từ quá trình quang hợp của tảo zooxanthellae dẫn đến san hô có khả năng sẽ chết”.
Thêm vào đó, các rạn san hô, thảm cỏ biển tại khu vực Bãi Hương, Bãi Bìm bị vùi lấp bởi trầm tích từ các công trình xây dựng với độ phủ khá cao, làm cho san hô bị chết và cỏ biển không thể phát triển trở lại. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước do trầm tích và hệ thống nước thải từ các khu dân cư, nhà hàng chưa được xử lý cũng đang hủy diệt các loài san hô vốn nhạy cảm với môi trường. Hơn nữa, do đặc điểm biển Việt Nam có dòng hải lưu thay đổi theo mùa, là khu vực có lưu lượng tàu bè chưa có quy hoạch, vì vậy vùng biển Việt Nam thường xuyên có rác thải, ô nhiễm. Một số khu biển ven bờ và cửa sông bị ô nhiễm dầu, chất hữu cơ liên quan tới chất thải sinh hoạt, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa. Có những khu vực rừng ngập mặn tràn ngập rác thải ni lông, đây chính là sức ép lớn lên môi trường, hệ sinh thái và tài nguyên biển. TS. Hoàng Xuân Bền, Phó Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang nhận định: “Rác thải, túi ni lông, chai nhựa khi nước đi vào chai nó sẽ chìm xuống đáy biển trên các rạn san hô, khiến san hô sẽ bị tẩy trắng. Và khi này thì khó có thể phục hồi rạn san hô”.
San hô được hồi sinh |
Một vấn đề đặt ra đó là biến đổi khí hậu. Các hiện tượng thời tiết lạ đang diễn ra với tần suất và cường độ ngày càng tăng, làm thay đổi dòng hải lưu, mực nước biển, tăng nhiệt độ, kéo theo tình trạng axit hóa đại dương khiến hệ sinh thái biển liên tục bị ảnh hưởng. Nhóm nhà khoa học Viện Hải dương học đã trực tiếp chứng kiến những tàn phá của biến đổi khí hậu đối với các rạn san hô. Khi mực nước xuống tới mức thấp chưa từng thấy - hiện tượng siêu triều cạn, những rạn san hô ngầm bị phơi ra không khí và có thể dễ dàng bị phá hủy chỉ qua một cơn bão. Còn nhiều các mối đe dọa khác từ hoạt động đánh bắt cá và tàu du lịch nhỏ lẻ, trong đó nguy hại nhất là thiết bị câu cá bị bỏ rơi, bị mất thường được gọi là “lưới ma”. Đây là một cỗ máy giết chóc biết đi, chúng trôi dạt vô định và giữ lại mọi thứ chúng gặp phải.
TS. Hoàng Xuân Bền đặt ra vấn đề rằng: Nếu khai thác mà không có giải pháp để phục hồi, tái tạo, sẽ đồng nghĩa với việc hệ sinh thái rạn san hô ngày càng suy kiệt, và điều đáng nói là sẽ khó để khôi phục lại. Các rạn san hô, phát triển qua hàng nghìn năm, rất quan trọng đối với sự sống còn của nhiều loài sinh vật biển, đồng thời đóng vai trò là hàng rào chống lại sóng, giúp giảm xói mòn vùng bờ biển.
Giảm khai thác, tác động; tăng phục hồi và tái tạo là bài toán hữu hiệu lâu dài cho san hô và tương lai vùng bờ. Giải pháp này đang được triển khai thực hiện ở các vùng ven biển ra sao? Đó chính là câu hỏi mà mỗi chúng ta đang cần phải trả lời.
Cá trở về nơi cư ngụ |
Bài dự thi xin gửi về địa chỉ email: thukytoasoan.monre@gmail.com
Điện thoại liên hệ: 0243.7738729 (máy lẻ 305)