Xã hội hóa Điều tra cơ bản Địa chất - Khoáng sản: Nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên
Khoáng sản - Ngày đăng : 13:51, 15/04/2021
Phát hiện và làm rõ tiềm năng khoáng sản
Theo thống kê của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, từ năm 2014 đến tháng 12/2020, Tổng cục đã tiếp nhận 35 hồ sơ góp vốn điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; lập và phê duyệt 35 đề án, trong đó 5 đề án không thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Nguyên - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đánh giá, kết quả điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản bằng vốn góp của các tổ chức, cá nhân bước đầu đã phát hiện và làm rõ tiềm năng một số loại khoáng sản trong diện tích điều tra, đủ cơ sở tài liệu phục vụ quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản.
Cụ thể, trong 25 đề án đã kết thúc có 3 đề án đánh giá khoáng sản sắt: 1 đề án có quy mô sắt nhỏ, nhưng đánh giá được khoáng sản khác là đá ốp lát gabro có quy mô tương đổi lớn (1.500 nghìn m³), hiện nay đang tiến hành thăm dò; 2 đề án đánh giá tài nguyên quặng sắt quy mô trung bình hiện đang đề xuất đưa vào quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản.
Ngoài ra, có 15 đề án vàng gốc đã phê duyệt báo cáo: có 1 khu vực có quy mô trung bình (>500kg); 11 khu vực có quy mô nhỏ (<500kg); 1 khu vực kém triển vọng; 1 khu vực không có khoáng sản vàng; 1 khu vực không có vàng nhưng đánh giá được tài nguyên quặng wolfram (WO3) quy mô trung bình.
Trong số 25 đề án trên, có 2 đề án đánh giá quặng chì - kẽm, trong đó 1 khu vực có quy mô lớn; 1 khu vực có quy mô quặng chì - kẽm và wolfram nhỏ và có 5 đề án khoáng chất công nghiệp (thạch anh, talc, quarzit, felspat) và đá cảnh với kết quả đánh giá tài nguyên đều đạt quy mô trung bình.
“Như vậy, ngoài khoáng sản vàng, các khoáng sản khác đều đã xác định được tài nguyên cấp 333 đủ điều kiện xếp vào loại mỏ trung bình đến lớn. Các khu vực đã đánh giá đủ điều kiện bổ sung vào quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản”, ông Nguyễn Văn Nguyên nhấn mạnh.
Phát hiện và làm rõ tiềm năng khoáng sản. Ảnh: MH |
Ngăn chặn khai thác trái phép
Bên cạnh những kết quả trên, các đề án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản bằng vốn góp của các tổ chức, cá nhân theo Thông tư 61 cũng mang lại những thành tựu rõ rệt về địa chất; hệ phương pháp kỹ thuật; giảm nạn khai thác trái phép…
Theo ông Vũ Văn Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam), về kết quả địa chất, các khu vực thực hiện các đề án đã xác định chính xác và khoanh định các phân vị địa tầng có mặt trong khu vực cũng như các yếu tố kiến trúc cấu tạo liên quan đến quặng hóa. Đặc biệt, các đề án thực hiện trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã phân chia được các phân vị địa tầng như đã phân chia chi tiết và chính xác hóa ranh giới giữa các phân vị địa chất phân bố trong vùng. Trong hệ tầng Thác Bà đã phát hiện khoáng sản wolfram phân bố với quy mô rộng rãi, có tiềm năng và là cơ sở để nghiên cứu các mỏ ẩn sâu. Công tác điều tra, đánh giá khu vực Hà Giang góp phần bổ sung cho thành lập bản đồ tỷ lệ 1:50.000 trong khu vực chưa đo vẽ.
Đặc biệt, các đề án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản bằng nguồn vốn góp của tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư chưa nhiều, nhưng đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần giải quyết được các tồn tại như giảm được nạn khai thác trái phép, đặc biệt đối với khoáng sản vàng; đánh giá được đối với khoáng sản trước đây chưa được chú ý như đá cảnh. Việc thực hiện các đề án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản bằng nguốn vốn góp của tổ chức, cá nhân góp phần đẩy nhanh tiến độ điều tra cơ bản; làm rõ hơn tiềm năng tài nguyên khoáng sản để bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác của Trung ương hoặc địa phương.
Để các đề án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản bằng vốn góp của các tổ chức, cá nhân theo Thông tư 61 được thực hiện hiệu quả, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đề nghị Bộ trưởng Bộ TN&MT tiếp tục ủy quyền cho Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam phê duyệt đề án, báo cáo điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản bằng vốn góp của các tổ chức, cá nhân để tiếp tục thực hiện các đề án góp vốn của các tổ chức, cá nhân đang thực hiện dở dang.
Đồng thời, hoàn thiện quy định về góp vốn đầu tư thực hiện các đề án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản để thay thế Thông tư liên tịch số 61 nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các đề án thuộc diện tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, góp vốn. Hơn nữa, sau khi có quy định mới, cho phép thực hiện các đề án thuộc diện các tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn đầu tư thực hiện các đề án theo Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản để đẩy nhanh tiến độ điều tra cơ bản, đặc biệt là đánh giá tiềm năng khoáng sản, kể cả khoáng sản ẩn sâu.