Phải xử nghiêm dự án quy hoạch “treo”

Đất đai - Ngày đăng : 09:50, 15/04/2021

(TN&MT) - Thời gian qua, ở nhiều địa phương vẫn tồn tại rất nhiều các dự án “treo”, không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất, mà còn khiến đời sống người dân trong vùng quy hoạch dự án cũng gặp nhiều khó khăn. Tình trạng này đã tồn tại từ năm này qua năm khác nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Vậy theo quy định của pháp luật, vấn đề này được xử lý ra sao?

Nhức nhối quy hoạch treo

Từ nhiều năm nay, câu chuyện những hộ dân có nhà nằm trong các quy hoạch, dự án treo phải sống trong nghịch cảnh tạm bợ, nhếch nhác nhưng không đi được, không thể mua bán sang nhượng; ở thì vướng mắc, có muốn xây sửa nhà cửa cũng không được.

Thực tế, liên quan đến các dự án quy hoạch treo ở các địa phương có rất nhiều nguyên nhân như: tổ chức triển khai đầu tư xây dựng chậm hoặc không thực hiện theo quy hoạch; dự án chưa hoàn thiện thủ tục, hồ sơ pháp lý; dự án có tranh chấp hoặc có vi phạm…

Đơn cử như tại Hà Nội, qua rà soát có 383 dự án có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật đất đai. Trong đó, 295 dự án đã được giao đất, cho thuê đất; 88 dự án chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất; 161 dự án có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật đất đai.

Chỉ riêng hai quận như quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm, cá biệt có chủ đầu tư được giao đất nhưng không liên hệ với địa phương để tiến hành các thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng: Dự án mở rộng vườn ươm Cổ Nhuế, Trung tâm Ngôn ngữ Việt Lào, Khu nhà ở kinh doanh Đầm Liễng, Trường huấn luyện và đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ, Trường Cao đẳng kinh tế - kỹ thuật, Chợ lâm sản...

Được biết, từ tháng 7/2018 đến nay, Sở TN&MT Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành thành phố và UBND cấp huyện rà soát, đối chiếu và tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với 379 dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tổ chức sử dụng đất có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai.

Kết quả cho thấy, có 35 dự án với tổng diện tích 57 ha đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, UBND thành phố quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp tiền cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian gia hạn. Hết thời hạn thu hồi đất mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền trên đất.

Đáng chú ý, có 29 dự án với tổng diện tích hơn 1.840 ha kiến nghị trình UBND thành phố thu hồi đất; bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc chấm dứt dự án đầu tư.

Trong năm 2019, các địa phương đã rà soát xử lý hơn 1.300 dự án chậm triển khai gây lãng phí, hoang hóa đất với diện tích 18,8 nghìn ha.

 

Cần chế tài mạnh

Để xử lý các quy hoạch treo, thời gian qua, Chính phủ đã trình Quốc hội sửa đổi các quy định về quy hoạch trong Luật Đất đai năm 2013, trong đó đã quy định: quy định điều kiện để nhà đầu tư được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư phải có các điều kiện có năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư; ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư; không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác (Khoản 3, Điều 58).

Đồng thời, bổ sung quy định xử lý đối với trường hợp nhà đầu tư chậm đưa đất vào sử dụng (Điểm h và Điểm i, Khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai 2013). Trong đó, Nhà nước thu hồi đối với đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục.

Đối với đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.

Liên quan tới các dự án treo ở Hà Nội, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND thành phố Hà Nội kiểm tra, xử lý nội dung phản ánh hơn 300 dự án "treo", "bỏ hoang" ở các địa bàn quận, huyện thành phố Hà Nội gây lãng phí tài nguyên đất.

Theo nhiều chuyên gia, các cơ quan phải xem xét lại các vấn đề, trong đó phải đưa ra chiến lược phát triển, quy hoạch tổng thể từng khu vực. Các dự án thu hồi để tiếp tục triển khai thì cần đấu thầu, đấu giá chặt chẽ, minh bạch để lựa chọn được chủ đầu tư đủ năng lực, nếu không dự án “treo” lại tái diễn. Đồng thời, cần có chế tài xử phạt thật nặng đối với chủ đầu tư “om đất”, chậm một năm phạt theo phần trăm tiền sử dụng đất phải nộp như vậy, chủ đầu tư tự khắc sẽ phải có cách giải quyết đối với dự án.

Khoản 1, Điều 6 của Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch đã sửa đổi Điều 49 Luật Đất đai năm 2013 để xử lý vấn đề quy hoạch treo nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân. Cụ thể, hộ gia đình, cá nhân được xây nhà trên đất quy hoạch treo nếu UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đồng ý cấp Giấy phép xây dựng. Khi được cấp Giấy phép thì cũng chỉ là xây dựng có thời hạn, không được sử dụng lâu dài như các khu vực khác.

Trường Giang