Kiểm soát tham nhũng khu vực công tiếp tục được cải thiện

Xã hội - Ngày đăng : 14:13, 14/04/2021

(TN&MT) - ​​​​​​​Ngày 14/4, Báo cáo Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính Công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020 vừa được công bố cho thấy hiệu quả quản trị và hành chính công trong nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ liên tục được cải thiện. Đặc biệt, chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công được cải thiện mạnh mẽ nhất. 

Toàn cảnh chương trình

Trong 8 tiêu chí để xếp hạng PAPI 2020, "Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công" là một trong những tiêu chí được quan tâm nhiều nhất.

Chỉ số nội dung này đo lường cảm nhận và trải nghiệm của người dân về hiệu quả phòng, chống tham nhũng của các cấp chính quyền qua bốn nội dung thành phần. Chỉ số cũng phản ánh mức độ chịu đựng tham nhũng của người dân cũng như sự quyết tâm giảm thiểu tham nhũng của chính quyền và người dân.

Bảng xếp hạng PAPI 2020

Bốn nội dung thành phần cấu thành Chỉ số "Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công" gồm: "Kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương", "Kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công"; "Công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công"; và "Quyết tâm chống tham nhũng".

Khảo sát từ PAPI cho thấy, 18 tỉnh, thành phố có tiến bộ rõ rệt so với kết quả năm 2019. Ngoài ra, Quảng Ninh, Đồng Tháp, Bến Tre, Quảng Trị và Quảng Nam là 5 tỉnh dẫn đầu trong ở chỉ tiêu đo lường mức độ hiệu quả kiểm soát một số hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, so với năm 2016, kết quả 2020 cho thấy mối quan hệ thân quen trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực nhà nước có xu hướng giảm trên phạm vi toàn quốc

Đáng chú ý, trong số 16 tỉnh, thành phố thuộc nhóm đạt điểm cao nhất tại tiêu chí "Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công", có tới 7 tỉnh phía Nam; 5 tỉnh miền Trung; và chỉ có 4 tỉnh phía Bắc.

Sau 12 năm hình thành và phát triển, kết quả nghiên cứu PAPI đã và đang được các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ tham chiếu trong các báo cáo quan trọng và sử dụng trong các chuyến làm việc ở nhiều tỉnh, thành phố.

Bà Caitlin Wiesen - Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết: Những phát hiện nghiên cứu nổi bật từ Báo cáo PAPI 2020 là hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương trong hai nhiệm kỳ (2011 - 2016 và 2016 - 2021), trải nghiệm tiếp cận dịch vụ công của người tạm trú tại các tỉnh tiếp nhận nhiều nhập cư và quan điểm của cử tri về vai trò lãnh đạo của phụ nữ.

Được công bố đúng vào thời điểm Chính phủ bắt đầu một nhiệm kỳ mới, PAPI cung cấp dữ liệu sâu rộng về trải nghiệm người dân trong quá trình tương tác với bộ máy chính quyền các cấp của 63 tỉnh, thành phố. PAPI cũng là thước đo quan trọng để các tỉnh, thành phố xem xét và cải thiện hơn nữa hiệu quả hoạt động ở tám lĩnh vực quản trị và hành chính công.

Thu Minh