Quảng Nam: Dai dẳng cuộc chiến chống “vàng tặc”
Khoáng sản - Ngày đăng : 11:09, 14/04/2021
“Vàng tặc” lộng hành
Những ngày đầu tháng 4/2021, phóng viên báo TN&MT đã tìm đến sông Vàng, đoạn qua xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam - khu vực được cho là “vàng tặc” đang hoạt động để tìm hiểu. Đang mùa khai thác keo, lợi dụng người, xe ra vào các vườn nhà, các nhóm làm vàng trái phép cũng hoạt động rầm rộ. Đi vào một vườn nhà được rào chắn kỹ càng, chúng tôi tiếp cận với nhóm làm vàng trái phép tại đây.
Khai thác vàng trái phép ở khu vực sông Vàng, đoạn qua xã Ba |
Một công trường khai thác vàng trái phép diễn ra công khai với 2 tổ máy nổ đang hoạt động ầm ĩ cả một góc rừng. Khoảng 5-7 người đang lúi cúi đào vàng dưới cái hố sâu từ 3-4m, rộng hàng trăm mét vuông không biết đến sự có mặt của phóng viên. Dòng nước đục ngầu từ sông Vàng được bơm lên xịt thẳng vào vách lòng hồ, tiếp đó luồng nước đặc quánh đất đá được bơm ngược lên máng sàn rồi lại chảy tràn ra sông Vàng. Đây là cách “đánh” thô sơ nhất, nhưng sức công phá lại mang tính huỷ diệt. Vòi rồng đến đâu, thì từng đoạn sông suối, từng khoảnh rừng bị lật tung lên.
Điều đáng nói là, việc khai thác vàng trái phép tại sông Vàng diễn ra công khai song Chủ tịch UBND xã Ba, huyện Đông Giang - Phạm Xuân Vân khi tiếp xúc với phóng viên lại khẳng định: Trên địa bàn không có hiện tượng khai thác vàng trái phép do công an xã quản lý địa bàn rất chặt.
Luồng nước đặc quánh đất đá được bơm ngược lên máng sàn rồi lại chảy tràn ra sông Vàng |
Còn tại bãi vàng Bồng Miêu, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, ẩn sâu trong rừng, dưới những lùm cây xanh có hàng chục lán trại của các phu vàng dựng lên với đủ loại dụng cụ, phương tiện, máy móc phục vụ đào đãi vàng nằm ngổn ngang. Chất thải từ khai thác vàng thải ra trực tiếp khu vực sông suối, hủy hoại môi trường. Trong khu vực hầm lò, rất nhiều người mang máy nổ, xăng, dầu, đồ ăn vào khu vực khai thác vàng
Tiến lại gần trò chuyện, phu vàng Trần Thanh V. (trú huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) cho biết: “Tôi được một ông chủ (không biết họ tên) thuê lên đây làm từ sau Tết đến chừ. Làm ở đây, mỗi ngày họ trả công 200 ngàn đồng. Dịch Covid-19 nên công việc ít, thanh niên ở làng đều xin làm phu vàng kiến tiền gửi về cho gia đình.
Làm ở đây bị Công an lên truy quét, đẩy đuổi suốt, chờ cho công an đi bọn em đi xuống núi mua bạt, ống dây nước để làm lại nhằm gỡ vốn. Ở đây chủ yếu người dân địa phương làm nhỏ lẻ, còn vào sâu hơn nữa trong các hầm lò 10, bãi Thầu Đâu, khu AD…họ thuê nhiều nhân công ngoài bắc vào làm với quy mô lớn hơn nhiều”.
Không chỉ Bồng Miêu, sông Vàng, Phước Sơn… mà ngay tại vùng lõi của Vườn Quốc gia Sông Thanh, hàng ngày cũng có hàng trăm đối tượng vào khai thác vàng trái phép, hủy hoại môi trường, rừng bị xâm hại nghiêm trọng. Làm sao để dẹp nạn “vàng tặc” đang là câu hỏi nhức nhối, dai dẳng nhiều năm nay ở tỉnh Quảng Nam.
Quyết liệt chấm dứt nạn “vàng tặc”
Trung tá Cao Văn Lĩnh, Trưởng Công an xã Tam Lãnh cho biết, do lực lượng Công an xã ít, trong khi đó địa bàn khai thác vàng ở bãi vàng Bồng Miêu rộng, đồi núi hiểm trở, tiếp giáp với các huyện miền núi nên mỗi lần tổ chức truy quét các đối tượng làm vàng trái phép bỏ chạy trốn vào rừng, gây khó khăn cho lực lượng chức năng.
Hàng chục lán trại của các phu vàng dựng lên với đủ loại dụng cụ đào vàng ở mỏ vàng Bồng Miêu |
Từ tháng 12/2020 đến cuối tháng 3/2021, lực lượng Công an xã Tam Lãnh đã tổ chức 7 đợt truy quét, kiểm tra, xử lý tình hình khai thác vàng trái phép tại địa phương. Qua đó phát hiện, tiêu hủy, làm mất tác dụng hoàn toàn 10 máy nổ, 1 cối xoáy đá, 27 lán trại, 61 hồ hóa chất, khoảng hơn hơn 8.000m bạt, hơn 5.000m dây nước, 1 tấn vôi; 30 bao đá quặng…
Mới đây, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Quảng Nam cũng bất ngờ đột kích kiểm tra hoạt động khai thác vàng trái phép tại các khu vực Đập thải, Đồi Sim, Ngách gió Lò 10, Bãi Thầu Đâu, Hố Lò 6, thuộc khu vực mỏ vàng Bồng Miêu và đã đẩy đuổi hơn 100 phu vàng, đồng thời tiêu hủy, làm mất tác dụng các vật dụng khai thác vàng.
Ông Huỳnh Xuân Chính, Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho biết: “Lực lượng Công an huyện Phú Ninh và Công an tỉnh Quảng Nam đã triển khai các đợt truy quét, phá hủy tại chỗ các dụng cụ phục vụ cho việc làm vàng trái phép, xử lý những trường hợp vi phạm. Thế nhưng, sau thời gian yên ắng, đâu lại vào đó. Hơn nữa truy quét hầm lò cũng chỉ ở mức độ nhất định vì địa hình hiểm trở, nhiều ngóc ngách, yếu tố an toàn mong manh. Để hạn chế khai thác vàng trái phép phải gắn với việc sớm thực hiện phương án đóng cửa mỏ”.
Theo Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, thời gian qua, địa phương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Nghị quyết số 06-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý bảo vệ khoáng sản trên địa bàn tỉnh, tập trung vào vàng, cát, sỏi. Tuy nhiên, do các bãi vàng trái phép đa số nằm ở địa hình rừng núi hiểm trở, khó khăn trong việc đi lại, đối tượng khai thác lại đa dạng nên tình trạng “vàng tặc” vẫn chưa được xử lý triệt để.
Khai thác vàng trái phép, hủy hoại môi trường, rừng bị xâm hại nghiêm trọng. |
Tỉnh Quảng Nam cũng đã lên phương án phương án dùng mìn cài sâu vào lòng các hầm vàng ở Vườn quốc gia sông Thanh để nổ đánh sập. Trước mắt, địa phương triển khai đánh sập 17 hầm vàng đầu tiên tại khu vực Tà Vạt, vùng lõi Vườn Quốc gia Sông Thanh, sau đó đánh giá, rút kinh nghiệm tiếp tục triển khai trên diện rộng.
Riêng với mỏ vàng Bồng Miêu, tại buổi làm việc giữa 2 bên, Bộ Tài Nguyên và Môi trường thống nhất ban hành quyết định Phê duyệt đề án đóng cửa mỏ theo quy định. Trên cơ sở đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ chủ trì tổ chức đấu thầu, lựa chọn đơn vị thực hiện đề án đóng cửa mỏ theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, pháp luật liên quan; bảo vệ khoáng sản theo quy định… ngăn chặn vĩnh viễn nạn khai thác vàng trái phép.