Điện Biên: Chủ yếu cấp phép mỏ khoáng sản để làm vật liệu xây dựng thông thường

Khoáng sản - Ngày đăng : 09:21, 14/04/2021

(TN&MT) - Hiện nay, UBND tỉnh Điện Biên đã cấp 35 giấy phép thăm dò khoáng sản, trong đó: 25 giấy phép thăm dò đá làm vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT), 9 giấy phép thăm dò cát làm VLXDTT, 1 giấy phép thăm dò quặng vàng và 33 giấy phép khai thác khoáng sản trong đó: 01 điểm mỏ khai thác đá vôi làm nguyên liệu xi măng, 7 điểm mỏ khai thác cát, 20 điểm mỏ khai thác đá làm VLXDTT, 3 điểm mỏ khai thác than, 2 điểm mỏ khai thác chì, kẽm.

Trạm xay đá của Cty CP Đầu tư Thương mại Hưng Long, tỉnh Điện Biên

Tính đến nay, Sở TN&MT Điện Biên đã tham mưu cho UBND tỉnh Điện Biên cấp 9 Giấy phép thăm dò cát và cấp 7 Giấy phép khai thác cát làm VLXDTT. Trong năm 2020, UBND tỉnh Điên Biên đã cấp 1 giấy phép thăm dò cát làm VLXDTT, chuyển nhượng 1 quyền khai thác khoáng sản đá làm VLXDTT và cho phép trả lại 1 giấy phép khai thác đá làm VLXDTT.
Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cát, sỏi trên địa bàn tỉnh Điện Biên được triển khai thực hiện nghiêm túc. Qua đó, hàng năm Sở TN&MT đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản. Nhờ đó đã chấn chỉnh, đưa hoạt động khoáng sản đi vào nề nếp, đáp ứng nhu cầu khoáng sản về vật liệu xây dựng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội.  

 

Ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên,cho biết: Việc thực hiện chính sách pháp luật về cấp phép khai thác khoáng sản được Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện đúng quy định. Công tác tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản thực hiện theo đúng các trình tự, thông qua bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở TN&MT, số lượng hồ sơ nộp đầy đủ theo quy định của Luật khoáng sản 2010, các văn bản hướng dẫn thi hành theo quy định về thủ tục hành chính được công bố tại Quyết định số 2528/QĐ-BTNMT ngày 18 tháng 10 năm 2017, Quyết định số 3086/QĐ-BTNMT ngày 10/10/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Quyết định số 1114/QĐ-UBND ngày 26/11/2018 của UBND tỉnh Điện Biên.
Bên cạnh đó, vẫn còn những khó khăn trong công tác cấp phép khai thác khoáng sản làm VLXDTT như: Theo quy định của Luật Khoáng sản chưa có quy định riêng các trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động khoáng sản đối với khai thác cát, sỏi tại các khu vực miền núi vùng sâu, vùng xa. Các tài liệu điều tra, thăm dò địa chất khoáng sản còn thiếu tính định lượng để làm cơ sở cho việc cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản theo đúng quy định của Luật Khoáng sản năm 2010.

Gạch làm bằng bột đá của Cty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hoàng Anh, tỉnh Điện Biên

Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh Điện Biên còn có nhiều điểm chưa được cấp giấy phép khai thác cát sỏi vì đặc thù lòng sông, suối nhỏ, hẹp, trữ lượng cát, sỏi không lớn, không hình thành mỏ. Cũng theo quy định của pháp luật để được khai thác khoáng sản phải dựa trên cơ sở thực hiện quy định của nhà nước như tổ chức thăm dò, đánh giá trữ lượng, đánh giá tác động môi trường thì mới được cấp phép. Nếu áp dụng với cơ sở nhỏ lẻ khai thác 1 vụ trong thời gian ngắn, khai thác cát, sỏi mang tính tự phát, nhỏ lẻ mưu sinh của các hộ gia đình, cá nhân thì sẽ rất khó khăn và không đáp ứng được trình tự thủ tục cấp phép khai thác theo quy định.
Vì vậy, trong những năm tới, để tiếp tục quản lý tốt việc cấp phép và khai thác khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên kiểm tra việc khai thác theo đúng các nội dung được quy định tại giấy phép tránh tình trạng khai thác trái phép, khai thác ngoài khu vực cấp phép khai thác... và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động khai thác tại các mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tập trung tuyên truyền cho người dân hiểu rõ khai thác khoáng sản khi chưa được cấp phép là vi phạm pháp luật và ảnh hưởng lớn đến môi trường. 

Hoàng Châu