Cơ hội lớn cho thương mại các-bon rừng của Việt Nam

Môi trường - Ngày đăng : 11:48, 13/04/2021

(TN&MT) - Trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy xây dựng, phát triển thị trường trao đổi, mua bán tín chỉ các-bon trong và ngoài nước, ngành lâm nghiệp cũng đang phát huy thế mạnh để tăng trữ lượng các-bon rừng, tạo ra thêm nhiều “hàng hóa” tín chỉ các-bon. Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn Giáo sư Phạm Văn Điển - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) để làm rõ hơn về tiềm năng của thị trường này và những cơ hội cho Việt Nam.

Giáo sư Phạm Văn Điển

PV: Những yếu tố nào cho thấy, giảm phát thải từ rừng là giải pháp phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay, thưa ông?

GS. Phạm Văn Điển: Theo tôi, có ba nhóm yếu tố quan trọng phản ánh việc giảm phát thải từ rừng là hướng đi của Việt Nam hiện nay.

Thứ nhất, Việt Nam đã xác định giảm phát thải từ rừng là một trong 5 lĩnh vực của hợp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC - văn bản thể hiện cam kết đóng góp của Việt Nam vào mục tiêu chung giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu). Theo đó, trọng tâm là quản lý và phát triển rừng bền vững, tăng cường hấp thụ các-bon và các dịch vụ môi trường; bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho cộng đồng và người dân sống phụ thuộc vào rừng.

Việt Nam có nhiều tiềm năng tạo tín chỉ các-bon từ rừng

Thứ hai, Luật Lâm nghiệp (2017) quy định hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh là một loại dịch vụ môi trường rừng (Khoản 3 Điều 61). Quy định này là yếu tố pháp lý quan trọng cho việc thực thi giảm phát thải từ rừng gắn với chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Thứ ba, thực tế cho thấy, trữ lượng các-bon rừng của Việt Nam giai đoạn 2010 - 2018 tăng lên rõ rệt so với giai đoạn 1995 - 2010 (là giai đoạn tham chiếu). Nếu chưa điều chỉnh kết quả giảm phát thải theo Chương trình 661, lượng GPT đạt 78 triệu tấn/năm. Nếu điều chỉnh kết quả GPT theo ©hương trình 661, lượng GPT đạt 57 triệu tấn/năm. Điều này cho thấy, giảm phát thải từ rừng có đóng góp quan trọng vào tổng thể NDC của Việt Nam.

Ước tính giai đoạn 2019 - 2030, trữ lượng các-bon rừng Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Trên thực tế, Ngân hàng Thế giới đã mua một phần lượng giảm phát thải này ở vùng Bắc Trung Bộ (giai đoạn 2018 - 2024), với giá trị chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 là 51,5 triệu USD. Tỉnh Quảng Nam cũng đang xây dựng Đề án bán khoảng 11 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng trên thị trường tự nguyện, giai đoạn 2021 - 2030. Nhiều tỉnh khác cũng đang đi theo hướng này và đã xác định hoàn toàn có "hàng hóa CO2 từ rừng" đem bán.

PV: Việt Nam vẫn chưa hình thành thị trường các-bon trong nước nên lượng tín chỉ các-bon hiện chỉ giao dịch trên thị trường quốc tế. Vậy, tín chỉ các-bon từ giảm phát thải rừng của Việt Nam cần đáp ứng những tiêu chuẩn gì để có thể trở thành hàng hóa giao dịch được ở thị trường quốc tế, thưa ông?

GS. Phạm Văn Điển: Thị trường các-bon quốc tế rất đa dạng. Quy định quốc tế theo Thỏa thuận Paris về thương mại các-bon toàn cầu chưa rõ ràng và đầy đủ. Các thị trường tự nguyện, thị trường thỏa thuận song phương, đa phương cũng đang dần hình thành và phát triển. Vì vậy, không có bộ tiêu chuẩn cố định và duy nhất đối với tín chỉ các-bon rừng cho mọi thị trường.

Mặc dù vậy, có một số tiêu chuẩn cụ thể cùng được sử dụng bởi nhiều thị trường. Trước hết, từng quốc gia, trong đó, có Việt Nam cần đáp ứng tiêu chuẩn thực hiện đúng và hoàn thành trách nhiệm cam kết quốc gia trong khi có thể mua vào và, hoặc bán ra tín chỉ các-bon. Trong tương lai, mỗi quốc gia sẽ có một hạn ngạch phát thải và có quy định về bồi hoàn tín chỉ các-bon. Với cùng một lượng hàng, không được bán hai lần. Tiến tới, các quốc gia cần có phương thức định giá các-bon thống nhất. Các quốc gia cũng cần có hệ thống truy xuất, đăng ký và giám sát về tín chỉ các-bon hoặc có hệ thống báo cáo và được thẩm định bởi bên độc lập thứ ba.

Một tiêu chuẩn nữa rất quan trọng mà mỗi quốc gia, bao gồm có Việt Nam cần hoàn thiện, là cần làm rõ quyền các-bon, trong đó, có quyền sở hữu các-bon, quyền chuyển nhượng, mua bán tín chỉ các-bon, quyền hưởng lợi các-bon rừng cũng như trách nhiệm đối với từng quyền này.

Thương mại các-bon rừng là xu thế tất yếu cả ở thị trường trong nước và quốc tế. Việt Nam có nhiều cơ hội và lợi thế trên các thị trường này.

PV: Qua góc nhìn của ngành lâm nghiệp, những cơ hội và thách thức khi Việt Nam muốn tham gia thị trường các-bon quốc tế là gì, thưa ông?

GS. Phạm Văn Điển: Cơ hội tham gia thị trường các-bon quốc tế của Việt Nam là rất lớn vì Thỏa thuận Paris đã có hiệu lực thi hành, với sự cam kết mạnh mẽ và rất có trách nhiệm của cả cộng đồng quốc tế.

Dự báo trong thời gian tới, "nhu cầu mua tín chỉ các-bon" sẽ lớn hơn "khả năng cung cấp", làm cho thị trường các-bon trở nên sôi động, cả ở thị trường trong nước lẫn quốc tế. Người sản xuất "tín chỉ các-bon" sẽ có động lực quản lý tốt hơn các khu rừng của mình, trong khi các nhà sản xuất có phát thải sẽ có động lực vào việc thay đổi công nghệ, đầu tư vào năng lượng tái tạo, sử dụng nhiên liệu sạch, phát triển các-bon thấp, nhằm giảm thiểu độ vượt về hạn ngạch. Ngày càng có nhiều người mua hạn ngạch hoặc tín chỉ các-bon là dấu hiệu tốt và khởi sắc của nền kinh tế xanh.

Nguồn thu từ tín chỉ các-bon tạo động lực cho các chủ rừng quản lý tốt hơn khu rừng của mình

Thách thức chủ yếu với Việt Nam là ở chỗ, hiện nay, chưa có văn bản pháp lý đầy đủ hướng dẫn cho việc mua bán tín chỉ giảm phát thải. Thương mại các-bon quốc tế cũng đang ở giai đoạn thí điểm. Chúng ta còn thiếu một số quy định về hệ thống kiểm kê khí nhà kính, hệ thống giám sát phát thải khí nhà kính và hệ thống giám sát các cấp (quốc gia, ngành, tiểu ngành, cơ sở sản xuất) một cách minh bạch, chính xác theo tiêu chuẩn quốc tế; chưa rõ về lộ trình giảm phát thải khí nhà kính cho từng ngành, tiểu ngành; thiếu hướng dẫn pháp lý đảm bảo việc mua bán tuân thủ và linh hoạt theo yêu cầu của từng thị trường khác nhau.

Hiện nay, chúng tôi đang tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về phương án chuyển nhượng quyền các-bon cũng như cơ chế quản lý tài chính thương mại các-bon trong Thỏa thuận trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA), làm cơ sở nhân rộng cho thương mại các-bon rừng toàn quốc ra thị trường quốc tế.

PV: Theo quan điểm của ông, Việt Nam cần có hướng đi như thế nào nhằm tận dụng được tiềm năng trữ lượng các-bon từ rừng và mở rộng thị trường mua bán tín chỉ trong thời gian tới?

GS. Phạm Văn Điển: Để tận dụng được tiềm năng trữ lượng các-bon từ rừng và mở rộng thị trường mua bán tín chỉ các-bon trong thời gian tới, Việt Nam cần thực hiện một số nội dung sau:

Tiếp tục quản lý bền vững diện tích rừng hiện có; hỗ trợ phát triển mở rộng diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững; mở rộng diện tích rừng trồng gỗ lớn; phát triển lâm nghiệp đô thị.

Phát triển hệ thống đánh giá, thẩm định các-bon thông qua việc thành lập các cơ quan thẩm định quốc gia có chuyên môn và chứng chỉ tương đương với quốc tế và được quốc tế chứng nhận; xây dựng hệ thống đăng ký tín chỉ các-bon quốc gia để quản lý và kêu gọi đầu tư thị trường, đồng thời xây dựng năng lực cho hệ thống đăng ký kiểm duyệt này; có quy định về quyền các-bon.

Phát triển khoa học công nghệ trong việc tạo giống tốt trong bối cảnh biến đổi khí hậu; đổi mới chương trình giảng dạy trong các trường đại học trong việc cung cấp các ngành nghề đón đầu trong cơ chế về các-bon.

Xây dựng các biện pháp đảm bảo an toàn vì đây là yêu cầu bắt buộc nếu muốn bán vào thị trường các-bon quốc tế và tự nguyện.

Phát triển thị trường các-bon nội địa và thị trường quốc tế thông qua nâng cấp và hoàn thiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Thực hiện tốt các chương trình thí điểm về chi trả dựa vào kết quả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ, mua bán tín chỉ các-bon, dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng (nội địa) và tận dụng các kết quả từ dự án REDD+ để xây dựng chính sách chung về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng và xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia quy định cụ thể các vùng, miền phát triển cho các thị trường khác nhau trên thế giới.

PV: Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Khánh Ly (thực hiện)