Nông nghiệp vượt khó thời dịch bệnh
Kinh tế - Ngày đăng : 11:43, 13/04/2021
Dịch bệnh và BĐKH
Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), trong đợt dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020 và trước đó là dịch tả lợn châu Phi, cùng với thiên tai, mưa đá, hạn mặn đã gây nhiều tác động, rõ ràng nhất là suy giảm sản xuất, đứt đoạn các chuỗi cung ứng nông nghiệp. Ở trong nước, do nhu cầu giảm nên nhiều loại nông sản tồn đọng, thậm chí phải vứt bỏ. Giá nhiều mặt hàng giảm mạnh, nhất là các mặt hàng tươi sống như rau, hoa quả, thủy sản.
Theo ước tính của Bộ NN&PTNT, có hơn 2/3 số lượng HTX nông nghiệp trên cả nước đã chịu ảnh hưởng với các mức độ khác nhau, chia làm 4 nhóm chính. Nhóm ít chịu tác động là các HTX chỉ làm các dịch vụ tưới tiêu, làm đất cung cấp vật tư nông nghiệp. Nhóm chịu ảnh hưởng mạnh là các HTX chuyên sản xuất rau, củ quả, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản (nhất là tôm) và HTX làm dịch vụ liên kết sản xuất với công ty chế biến xuất khẩu sản phẩm rau củ quả; cung ứng thực phẩm tươi sống trực tiếp cho siêu thị, bếp ăn tập thể, trường học, bệnh viện.
Một số HTX nông nghiệp đã đưa ra các giải pháp nhằm cơ cấu lại sản xuất kinh doanh. |
TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết, theo xu thế BĐKH, cứ nóng lên 1 độ là năng suất cây trồng có thể suy giảm 5 - 7% do tác động từ thay đổi chế độ nhiệt, mưa, chế độ nước mặn, ngọt... Bên cạnh đó, thời gian thuận lợi cho các loại dịch bệnh gây hại cây trồng, vật nuôi tăng lên, vùng sinh thái phù hợp mở rộng ra nên dễ dẫn đến tình trạng dịch hại sẽ di cư từ vùng này sang vùng khác, nước này sang nước khác. Điển hình là ở nước ta gần đây đã bùng phát dịch tả lợn châu Phi, sâu keo mùa thu, sâu khảm lá sắn…
Theo điều tra của Viện Chính sách, Chiến lược Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) năm 2020 ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy: 80,3% HTX nông nghiệp khảo sát đã chịu ảnh hưởng của các hiện tượng BĐKH. Chi phí sản xuất tăng thêm khoảng trên 26%, năng suất giảm trên 35% và diện tích mất trắng khoảng 48%. Chi phí sản xuất tăng chủ yếu do cùng lúc tăng các loại chi phí tưới, tiêu nước; công lao động cho chăm sóc; phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất…
Những hướng đi mới
Để thích nghi với cuộc khủng hoảng Covid-19, các HTX nông nghiệp đã chủ động đưa ra các sáng kiến, giải pháp nhằm biến khó khăn thành cơ hội để cơ cấu lại sản xuất kinh doanh. Như thay đổi phương thức cung ứng bằng cách liên kết thành nhóm HTX để cùng nhau bán hàng, cung ứng sản phẩm đến tận các chung cư, đô thị, cơ quan. Họ chuyển đổi phương thức bán hàng truyền thống sang online, kết hợp dịch vụ giao hàng tận nhà, giảm giá sản phẩm, chấp nhận không lãi với mục đích tiêu thụ hàng cho nông dân và quảng bá thương hiệu về lâu dài.
Một số HTX đã chủ động giảm sản lượng, giãn đàn chăn nuôi hay chỉ sản xuất các mặt hàng chất lượng cao ở nhóm tốt nhất, tăng sản lượng hàng đưa vào chế biến và bảo quản. Nổi bật là HTX chăn nuôi gà công nghệ cao Long Thành Phát ở Đồng Nai đã giảm gần một nửa đàn gà thịt, tận dụng hết diện tích kho lạnh có thể để bảo quản thịt trong lúc chờ nối lại thị trường xuất khẩu. Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, về lâu dài, một số HTX chuẩn bị các dự án đầu tư xây dựng kho bảo quản, cơ sở sơ chế, chế biến, xây dựng lại quy trình sản xuất cho phép cắt giảm chi phí, hạ giá thành đầu tư công nghệ và chuẩn bị các điều kiện sản xuất tốt nhất để ngay sau khi dịch bệnh được khống chế sẽ tăng sản lượng để bù đắp lại khoảng thời gian bị chững.
Xu hướng sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) phổ biến hiện nay là VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, ASC, 4C… không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế xã hội mà còn nâng cao năng lực ứng phó BĐKH, bảo vệ môi trường. Rất nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh với BĐKH (gọi tắt là CSA) cũng đã được ứng dụng ở tất cả các vùng miền, bao gồm cả các HTX nông nghiệp như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, canh tác lúa bền vững, nuôi tôm sinh thái…
Ông Lê Đức Thịnh cho rằng, ĐBSCL hiện đi đầu áp dụng các giải pháp này do là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, đồng thời chịu tác động rõ ràng của BĐKH. Đây cũng là khu vực đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu luân canh và thời vụ sản xuất và cho thấy hiệu quả cao trong 2 năm trở lại đây. “Việc chuẩn bị sẵn sàng các giải pháp thích ứng dài hơi không thừa, bởi theo dự báo, trong tương lai, các hiện tượng BĐKH và thiên tai, dịch bệnh sẽ có xu hướng ngày càng trầm trọng hơn, gây thiệt hại kinh tế ngày càng lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp và người nông dân” - ông Thịnh phân tích.