Thanh Hóa: Mô hình nuôi cấy đông trùng hạ thảo trong môi trường nhân tạo
Kinh tế - Ngày đăng : 11:42, 13/04/2021
Gian nan phát triển dược liệu quý
Đông trùng hạ thảo vốn nổi tiếng là một loại nấm dược liệu quý hiếm, chứa nhiều hoạt chất sinh học có tác dụng lớn đối với sức khỏe con người, được phát hiện và sinh trưởng chủ yếu ở vùng cao nguyên Tây Tạng. Hiện nay, trên thị trường Việt Nam có nhiều loại nấm đông trùng hạ thảo, song phần lớn đều không rõ nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo, giá thành lại đắt đỏ. Trong khi đó, điều kiện, quy trình để làm ra sản phẩm này khá phức tạp, đòi hỏi phải có sự đầu tư kỹ lưỡng về công nghệ.
Anh Nguyễn Văn Tuấn đang kiểm tra đông trùng hạ thảo nuôi trong môi trường nhân tạo |
Nắm bắt được thực tế, anh Nguyễn Văn Tuấn đã tự nghiên cứu công thức nuôi cấy và nhân giống thành công đông trùng hạ thảo trong môi trường nhân tạo. Qua đó, tạo ra hướng đi mới trong ngành dược liệu tại địa phương, đưa ra thị trường những sản phẩm đột phá về chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng.
“Đông trùng hạ thảo có giá trị dinh dưỡng và đầy tiềm năng phát triển, tuy nhiên sản phẩm tự nhiên lại vô cùng khan hiếm, giá thành khá cao. Từ năm 2016, tôi đã quyết tâm nghiên cứu để sản xuất mô hình nuôi nhân tạo. Đồng thời vay mượn hàng tỷ đồng để xây dựng phòng nuôi tiêu chuẩn, mua nồi hấp và các dụng cụ liên quan” - anh Tuấn chia sẻ.
Đông trùng hạ thảo có giá trị dinh dưỡng cao |
Ở thời điểm khởi đầu, việc cấy phôi đông trùng hạ thảo gặp nhiều khó khăn, do anh chưa tìm ra cơ chế cho nhộng duy trì tình trạng “chết lâm sàng” trong 7 ngày. Các giá thể không phát triển, hàng trăm triệu đồng cứ thế “không cánh mà bay”. Những thất bại cứ liên tiếp ập đến như muốn “đánh gục” chàng thanh niên sinh năm 1985. Anh Tuấn trải lòng: “Đầu năm 2018 là khoảng thời gian vô cùng khó khăn đối với tôi, cả nghìn bình sản phẩm bị hư hỏng, kinh tế thiệt hại rất lớn. Bạn bè, người thân đều ái ngại và không tin về sự thành công của mô hình, mọi người khuyên tôi từ bỏ, tìm một công việc khác dễ dàng hơn”.
Thành công bước đầu
Coi thất bại là những bài học quý giá, anh Tuấn tiếp tục kiên trì, học hỏi kinh nghiệm, thực hiện hàng trăm thí nghiệm, để rồi đến nay anh đã thu hái được những thành công ban đầu. Ghé thăm khu nuôi đông trùng hạ thảo nhân tạo của “ông chủ” Nguyễn Văn Tuấn, trong căn phòng lạnh chỉ rộng chừng 20 m2 nhưng lại được đầu tư công nghệ hiện đại lên tới gần 1 tỷ đồng. Phòng nhân nuôi tiêu chuẩn này có quy mô sản xuất trung bình 15.000 bình đông trùng hạ thảo mỗi tháng, giàn điều hòa chạy liên tục cả ngày lẫn đêm, hệ thống cung cấp độ ẩm, ánh sáng, lọc khí độc được trang bị hiện đại, khoa học. Các giá thể đông trùng hạ thảo đủ các độ tuổi đều phát triển rất tốt, vàng óng và tràn đầy sức sống.
Mô hình khép kín được đầu tư công nghệ bài bản |
Theo anh Tuấn, quy trình nuôi đông trùng hạ thảo cần 4 giai đoạn: Nuôi sợi, tạo quả thể, nuôi quả thể và thu hoạch. Quá trình nuôi tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện, duy trì độ ẩm từ 85 - 95%, sau khi cấy phôi giống vào đế dinh dưỡng phải để trong tối từ 7 - 10 ngày, khi phôi ăn kín đáy mới chuyển sang môi trường ánh sáng 12 giờ mỗi ngày. Sau 65 - 70 ngày, các ngọn nấm bắt đầu chuyển sang màu vàng đậm hơn so với phần thân thì đông trùng hạ thảo có thể thu hoạch được.
Nhiều nghiên cứu y học hiện đại đều khẳng định, đông trùng hạ thảo có giá trị dinh dưỡng cao, tăng cường sức khỏe, hỗ trợ điều trị cho người bị viêm phế quản, viêm phế quản mãn tính, ho lao hay có tác dụng chữa trị bệnh viêm tiền liệt tuyến và bệnh tiểu đường. Năm 2020, cơ sở của anh Nguyễn Văn Tuấn đã cho doanh thu hơn 1 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có tới 3 sản phẩm đông trùng hạ thảo của cơ sở đã được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận sản phẩm OCOP tỉnh.