Lâm Đồng: Công ty Cấp nước Bảo Lộc khai thác tài nguyên nước trái phép?

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 13:07, 12/04/2021

(TN&MT) - Liên quan đến nội dung người dân tố Công ty CP Cấp nước Bảo Lộc kinh doanh nước sạch bị ô nhiễm gây nguy hại cho người sử dụng, trong quá trình tìm hiểu về chất lượng nguồn nước cung cấp cho người dân Bảo Lộc, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường nhận thấy, Công ty này có dấu hiệu khai thác tài nguyên trái phép, cụ thể là khai thác nước ngầm vượt mức cho phép trong thời gian dài.

>> Bảo Lộc - Lâm Đồng: Người dân đặt nghi vấn về chất lượng nước sạch

Theo thông tin từ Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng, Công ty cấp nước Bảo Lộc đang sử dụng 2 Giấy phép. Cụ thể, Giấy phép số 64/GP-UBND ngày 18/11/2016 cấp cho 1 giếng là G12 với lượng nước khai thác tối đa là 1.300 m3/ngày đêm để dự phòng, thời hạn là 5 năm; Giấy phép số 03/GP-UBND ngày 19/1/2017 cấp cho 3 giếng là G3, G9, G14 với tổng lượng nước khai thác tối đa là 2.920 m3/ngày đêm để dự phòng, thời hạn tới ngày 18/11/2021.

Một trạm bơm của Công ty Cổ phần Cấp thoát nước và Xây dựng Bảo Lộc

Mặc dù, chỉ được cấp 2 giấy phép với tổng số giếng được cấp phép khai thác là 4 giếng, tổng sản lượng nước ngầm được khai thác tối đa là 4.220m3/ngày đêm, tuy nhiên, trên Cổng Thông tin điện tử của Công ty Cổ phần Cấp thoát nước và Xây dựng Bảo Lộc (BWA) đăng tải nội dung về “Nghị quyết Đại hội đồng Cổ đông thường niên” năm 2020 , theo đó, lượng nước sản xuất thực hiện năm 2019 là 3.727.817m3, khối lượng này được chia cho 365 ngày được 10.213m3/ngày đêm.

Như vậy, chênh lệch giữa thực tế khai thác và được cấp giấy phép khai thác là: 10.213 - 4.220 = 5.993m3/ngày đêm.

Bên cạnh đó, căn cứ vào hồ sơ xét nghiệm chất lượng nước của Công ty BWA năm 2019 lưu tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng, số giếng mà Công ty BWA đang khai thác gồm có: G1, G3a, G3b, G8a, G8b, G9a, G9b, G12a, G12b, G14, G15, G16, G17, G18, G19 - tổng cộng là 15 giếng. Chênh lệch giữa thực tế khai thác và được cấp Giấy phép khai thác là 11 giếng.

Giấy phép số 64/GP-UBND ngày 18/11/2016 cấp cho 1 giếng là G12 với lượng nước khai thác tối đa là 1.300 m3/ngày đêm để dự phòng, thời hạn là 5 năm

Giấy phép số 03/GP-UBND ngày 19/1/2017 cấp cho 3 giếng là G3, G9, G14 với tổng lượng nước khai thác tối đa là 2.920 m3/ngày đêm để dự phòng, thời hạn tới ngày 18/11/2021

Trao đổi về việc này với ông Nguyễn Trọng Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Cấp nước Bảo Lộc cho biết, việc khai thác vượt mức này vì lý do bất khả kháng. Theo ông Hiếu, chủ trương của tỉnh là chỉ sử dụng, xử lý nước mặt để cung cấp nước sạch cho người dân, tuy vậy, về kỹ thuật, hệ thống đường ống của công ty được xây dựng từ lâu và phù hợp với giếng khoan, cho nên khi đưa nước mặt vào mạng lưới đường ống hiện nay không tương thích và gây ra sự cố, từng thất thoát tới 42% khối lượng nước.

Bên cạnh đó, đầu năm 2019, công ty cung cấp nước mặt cho Công ty Cấp nước Bảo Lộc là công ty Thiên Hòa An xảy ra sự cố, cho nên Công ty Cấp nước Bảo Lộc đã có văn bản xin ý kiến tỉnh Lâm Đồng khôi phục lại các giếng khoan và tăng công suất khai thác.

Ông Nguyễn Trọng Hiếu cũng cho biết thêm, hiện nay, Công ty Cấp nước Bảo Lộc cũng đã có văn bản xin khai thác nước mặt tại các vị trí khác và đang trong quá trình triển khai các thủ tục pháp lý.

Đối với việc khai thác tài nguyên vượt quá khối lượng cho phép như hiện nay, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Trãi, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng. Ông Trãi cho biết, Sở sẽ yêu cầu Công ty Cấp nước Bảo Lộc báo cáo lại việc này và sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật, cụ thể là Nghị định 36/2020/NĐ-CP về Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản đã quy định rõ vấn đề này.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin đến người dân và chính quyền Bảo Lộc nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung về sự việc này.

Trung Du