Phát triển nhiều đô thị xanh loại II tại những vùng địa lý đặc trưng ở Việt Nam
Trong nước - Ngày đăng : 17:55, 09/04/2021
Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, tốc độ đô thị hóa đã tạo ra tác động tiêu cực tới môi trường tự nhiên và biến đổi khí hậu, trong đó nhóm đối tượng là các đô thị loại II đã và đang phải gánh chịu các tác động của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu.
Trong chu kỳ GEF 6, hướng tới chương trình trọng tâm là biến đổi khí hậu và thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, Bộ TN&MT đã phối hợp chặt chẽ với ADB và Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) xây dựng nội dung hỗ trợ kỹ thuật thực hiện Dự án “Lồng ghép bảo vệ môi trường và thích ứng với khí hậu để phát triển xanh tại các đô thị loại II” triển khai trong 5 năm. Việc triển khai Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Lồng ghép chống chịu biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường để phát triển các đô thị xanh loại II” phù hợp với các chiến lược và định hướng của Chính phủ trong việc ưu tiên sử dụng vốn ODA; góp phần hoàn thiện các thể chế, chính sách pháp luật bảo vệ môi trường và thích ứng với khí hậu để phát triển bền vững các đô thị nói chung, đô thị loại II nói riêng ở Việt Nam.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo dự án “Lồng ghép chống chịu biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường để phát triển các đô thị xanh loại II”. |
Dự án tập trung vào các nhóm giải pháp về thiết lập và hoàn thiện thể chế, công cụ pháp lý, giải pháp tài chính trong bảo vệ môi trường và phục hồi khí hậu, giải pháp về khoa học và công nghệ, tăng cường năng lực quản lý môi trường… để mở rộng phát triển đô thị bền vững.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trao đổi với đại diện Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam |
Dự án hoạt động tại tại cấp trung ương và 3 tỉnh Hà Giang, Vĩnh Phúc, Thừa Thiên Huế và sẽ mở rộng ra 6 thành phố loại II. Trong đó, tại trung ương dự án sẽ tập trung hoàn thiện các quy định pháp luật, chính sách về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu nhằm phát triển các đô thị xanh loại II; tại các tỉnh dự án, đặc biệt là 3 tỉnh Hà Giang, Vĩnh Phúc và Thừa Thiên Huế, dự án sẽ hỗ trợ hoàn thiện các kế hoạch hành động để phát triển xanh thành phố, đồng thời thí điểm các mô hình/giải pháp phát triển xanh, thân thiện môi trường và chống chịu với biến đổi khí hậu.
Dự án bao gồm 4 hợp phần chính là xây dựng khung chính sách quốc gia để bảo vệ môi trường và chống chịu với biến đổi khí hậu; thực hiện thí điểm các giải pháp phát triển đô thị bền vững ở Hà Giang, Thừa Thiên Huế và Vĩnh Yên; xây dựng và áp dụng thử nghiệm các giải pháp tài chính mới để phòng chống rủi ro khí hậu ở Thừa Thiên Huế; Tăng cường, hỗ trợ lập quy hoạch môi trường tổng hợp và thích ứng với khí hậu đối với cấp tỉnh/ thành phố.
Trong đó, Bộ TN&MT sẽ thực hiện 3 nội dung chính là hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật và các giải pháp thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, phát triển đô thị xanh ở Việt Nam; tăng cường năng lực quản lý về môi trường thích ứng với khí hậu để phát triển thành phố xanh; thí điểm và nhân rộng các mô hình phát triển thành phố xanh gần với yêu cầu bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm |
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, Phó trưởng ban chỉ đạo dự án cho biết, đây là dự án quan trọng mang tính hành động cấp bách, từ nhận thức “lồng ghép chống chịu biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường để phát triển các đô thị xanh loại II”, do đó, thời gian tới, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Hồng Hà tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Dự án, thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị Ban chỉ đạo cần tập trung cụ thể hóa về quy định về môi trường, phạm vi đô thị loại 2; quy hoạch phát triển đô thị nói chung và đô thị loại 2 nói riêng (thiết kế tiêu chuẩn, tiêu chí về môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; chính sách liên quan đưa chủ trương xây dựng kinh tế tuần hoàn, cơ chế chính sách về tài chính, nguồn lực chỉnh trang đô thị…).
Đồng thời, cần nghiên cứu mở rộng phạm vi thêm đô thị loại 2 ở Tây Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên theo hướng đô thị mới tại miền núi, đồng bằng thông qua các cơ chế chính sách, quy định về tiêu chí môi trường và tiêu chuẩn thích ứng với biến đổi khí hậu; tiến tới ra văn bản trình đến Chính phủ nhằm giải quyết mục tiêu chung tăng cường năng lực thể chế bảo vệ môi trường và chống chịu biến đổi khí hậu phục vụ phát triển xanh các đô thị loại II; lồng ghép các quy định thúc đẩy lối sống xanh, sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững, cải thiện chất lượng môi trường đô thị theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu vào hệ thống chính sách pháp luật quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo |
Tại hội thảo, các chuyên gia và các đại diện các địa phương tham gia triển khai dự án thảo luận và đề xuất giải pháp chính như: Đề ra cơ chế chính sách; đánh giá của các bên liên quan từ đó đề xuất hoàn thiện, xem xét để sửa đổi quy hoạch các đô thị cũ; tiến hành mở rộng lập cập nhật kế hoạch hành động thành phố xanh cho 6 đô thị loại 2 khác; kế hoạch lựa chọn nhà thầu, doanh nghiệp tham gia dự án nhằm xem xét đến quản lý cải thiện chất lượng môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo ông Trần Ngọc Hải, Trưởng ban dự án tỉnh Vĩnh Phúc thành phố Vĩnh Yên, để tỉnh Vĩnh Phúc phát triển xanh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, trước mắt tỉnh cần hoàn thiện Chiến lược tổng thể phát triển xanh và nền vững chắc cho đô thị trung tâm; kế hoạch chi tiết và các công cụ giải pháp để huy động tổng thể các nguồn lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Do đó, tỉnh đề nghị có sự hỗ trợ từ Bộ ngành, Trung ương tăng cường về năng lực, chế độ, chính sách cho đô thị loại II (là các thành phố trung tâm của các tỉnh) để triển khai trực tiếp các chiến lược phát triển; hoàn thiện cơ sở hạ tầng xanh theo sáng kiến của ADB và nhân rộng ra các phương thức khác trên địa bàn tỉnh đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí của phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ phát triển cộng đồng nông nghiệp hữu cơ, tự động hóa nông nghiệp, công nghiệp từ các nhà tài trợ, nhà đầu tư, cùng nguồn vốn xã hội hóa; nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư đô thị am hiểu về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và có khả năng ứng dụng với khí hậu biến đổi…
Các đại biểu phát biểu tham luận |
Từ thực tiễn tại các địa phương, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, Ban chỉ đạo cần xác định rõ các sản phẩm của các Bộ liên quan như: Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, liên quan các quy hoạch của các bộ ngành, địa phương. UBND các tỉnh, địa phương cần sớm xây dựng các văn bản quy chuẩn pháp luật; tổ chức tham vấn các địa phương về các tiêu chuẩn, tiêu chí liên quan đến bảo vệ môi trường, xây dựng đô thị xanh thông minh, biến đổi khí hậu… Tổ chức tham vấn các doanh nghiệp phát triển đô thị, các nhà khoa học, người dân để lấy những ý kiến phù hợp với sự phát triển hiện đại từ đó có cơ hội đánh giá và hoàn thiện cơ chế pháp luật.
Toàn cảnh hội thảo |
Về phía ADB cần chủ động, chuyển giao các tiêu chí tiêu chuẩn, tiêu chí liên quan đến bảo vệ môi trường, xây dựng đô thị xanh, thông minh, biến đổi khí hậu; cử các chuyên gia có năng lực cùng xây dựng thể chế đô thị xanh, thông minh; mời các nhà đầu tư, doanh nghiệp có sản phẩm đô thị xanh cùng tham gia dự án đô thị xanh, thông minh.
Hiện nay với trọng tâm là bảo vệ môi trường đô thị và ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT đang hoàn thiện các thể chế chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung, môi trường đô thị nói riêng để thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020. Trong đó, chú trọng đến việc đồng bộ các hoạt động xây dựng, phát triển đô thị với bảo vệ môi trường, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, góp phần giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu...