Khởi động các hoạt động thí điểm của Dự án "Suy nghĩ lại về nhựa"

Quản lý chất thải rắn - Ngày đăng : 14:04, 09/04/2021

(TN&MT) - Sáng 9/4, tại Hà Nội, Bộ TN&NT phối hợp với phát đoàn EU tại Việt Nam và Cơ quan hợp tác kỹ thuật Pháp tổ chức Hội thảo khởi động các hoạt động thí điểm của Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa – Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển”.

Ông Phạm Phú Bình, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ TN&MT) phát biểu tại Hội thảo

Mục tiêu tổng thể của dự án "Suy nghĩ lại về nhựa" là hỗ trợ triển khai Chiến lược nhựa của EU trên phạm vi quốc tế tại khu vực Đông Á và Đông Nam Á, từ đó góp phần tăng cường hợp tác giữa EU và các nước trong khu vực trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn, xử lý rác thải nhựa và giảm rác thải biển.

Phát biểu tại Hội thảo, Ông Phạm Phú Bình, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ TN&MT) cho biết: Chính phủ Việt Nam nói chung và Bộ TN&MT nói riêng luôn quan tâm tìm kiếm các giải pháp cấp bách và trong dài hạn để giảm thiểu ô nhiễm nhựa, thúc đẩy phát triển nền kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn. Điển hình, Thủ tướng đã phê duyệt quyết định số 1746/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương tầm nhìn đến năm 2030. Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa - Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho các thải biển” có thể góp phần quan trọng hỗ trợ triển khai Kế hoạch hành động quốc gia, giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu đề ra. Kinh nghiệm và bài học rút ra từ việc triển khai Dự án và các hoạt động thí điểm sẽ là cơ sở để nhân rộng mô hình và kiến nghị các ý tưởng xây dựng chính sách.

Ông Rui Ludovino, Tham tán thứ nhất, phụ trách Hành động khí hậu, Môi trường, Việc làm và Chính sách xã hội, thuộc Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Ông Rui Ludovino, Tham tán thứ nhất, phụ trách Hành động khí hậu, Môi trường, Việc làm và Chính sách xã hội, thuộc Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam nhấn mạnh: “Chúng ta cần hướng tới nền kinh tế tuần hoàn đối với nhựa - một nền kinh tế sử dụng và quản lý tài nguyên hiệu quả, bền vững hơn. Trong khuôn khổ dự án “Suy nghĩ lại về nhựa”, chúng tôi hợp tác chặt chẽ với Việt Nam nhằm ngăn ngừa chất thải nhựa đại dương và chia sẻ kinh nghiệm của các nước trong khu vực và Châu Âu. Các hoạt động thí điểm này cũng đóng góp vào những nỗ lực chung hướng tới nền kinh tế tuần hoàn thông qua các hoạt động cụ thể và kinh nghiệm thực tiễn tại địa phương, với sự tham gia của cộng đồng, hộ gia đình, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp địa phương. Chúng tôi hy vọng các hoạt động thí điểm có thể trở thành các mô hình kiểu mẫu và tạo nguồn cảm hứng cho các sáng kiến và xây dựng chính sách trong tương lai”.

Tại Hội thảo, đại diện các đơn vị chủ trì triển khai các hoạt động thí điểm đã giới thiệu nội dung chi tiết của các hoạt động này, tập trung vào mục tiêu giảm và tránh sử dụng chất thải nhựa, phân loại, thu gom và tái chế rác thải hiệu quả hơn.

Quang cảnh buổi Hội thảo

Cụ thể, có 4 hoạt động thí điểm gồm: Dự án Tăng cường thu gom, phân loại và tái chế bao bì nhựa tại TP. Hồ Chí Minh. Dự án thí điểm sẽ hướng tới mục tiêu tăng cường thu gom, phân loại và tái chế bao bì nhựa trên địa bàn 2 quận, huyện.

Với kinh nghiệm triển khai thực tế, dự án thí điểm sẽ góp phần xây dựng hệ thống Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đối với bao bì tại Việt Nam. Sáng kiến thành lập Liên minh siêu thị nhằm giảm thiểu tiêu thụ túi ni - lông sử dụng một lần tại Việt Nam (Dự án Liên minh nhựa). Dự án thí điểm khuyến khích giảm và thay thế túi ni-lông sử dụng một lần thông qua Liên minh các nhà bán lẻ và các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức tại Hà Nội.

Quản lý chất thải từ tàu tại các cảng biển Việt Nam - Cảng Tân Cảng Cát Lái thực hiện tại Tp. Hồ Chí Minh. Quản lý hiệu quả chất thải từ tàu là yếu tố quan trọng giúp hạn chế tình trạng tàu xả trái phép chất thải ra biển. Dự án thí điểm sẽ đánh giá các quy định hiện hàn, các hoạt động tại cảng Cát Lái (Tân Cảng, Sài Gòn) và hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn và thông lệ tốt của các cảng trên thế giới.

Dự án Thu gom rác thải biển bằng tàu cá thúc đẩy mô hình thu gom tự nguyện rác thải biển của cộng đồng ngư dân tại tỉnh Phú Yên. Dự án thí điểm hỗ trợ cộng đồng ngư dân địa phương thành lập một đội tình nguyện thu gom rác thải trên biển và đưa chất thải thu gom được trong quá trình đánh bắt về bờ.

Dự án " Suy nghĩ lại về nhựa - Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển" do Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật Quốc tế Pháp (Expertise France) và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) phối hợp thực hiện, với nguồn tài trợ từ Liên minh châu Âu và Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế Liên bang Đức.
Trong khoảng thời gian triển khai từ tháng 5/2019 đến 4/2022, Dự án sẽ tập trung vào 6 lĩnh vực: Đối thoại chính sách về sản xuất và quản lý nhựa; quản lý rác thải nhựa; tiêu dùng và sản xuất nhựa một cách bền vững; giảm rác thải từ các nguồn gắn với hoạt động trên biển; mua sắm xanh và nâng cao nhận thức về tiêu dùng và sản xuất bền vững sản phẩm nhựa.
Phạm vi hoạt động của Dự án là các nước đối tác trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á, bao gồm: Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Singapore và Nhật Bản. Tại Việt Nam, Dự án tập trung cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ phát triển và triển khai chính sách liên quan đến nhựa, kinh tế tuần hoàn và rác thải biển.

Hoàng Ngân