50 chỉ tiêu cho năm đầu tiên tuyển sinh Quản lý thị trường

Kinh tế - Ngày đăng : 23:43, 08/04/2021

(TN&MT) - Trường Đại học kinh tế Quốc dân vừa công bố chỉ tiêu tuyển sinh chương trình đào tạo đại học định hướng nghề nghiệp ứng dụng Pohe với chuyên sâu Quản lý thị trường thuộc ngành Kinh doanh thương mại.

Theo đó, 2021 sẽ là năm đầu tiên Trường Đại học kinh tế quốc dân tuyển sinh chuyên sâu lĩnh vực Quản lý thị trường qua 4 tổ hợp xét tuyển: A01, D01, D07, D09 với số lượng 50 chỉ tiêu. Mã tuyển sinh của ngành là “POHE”.

Năm 2021 sẽ là năm đầu tiên Trường Đại học kinh tế quốc dân tuyển sinh chuyên sâu lĩnh vực Quản lý thị trường

Chương trình đào tạo chuyên sâu lĩnh vực Quản lý thị trường thuộc ngành Kinh doanh thương mại (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) có sự khác biệt với các chương trình đào tạo truyền thống, bởi, đây là chương trình đào tạo theo nhu cầu thực tế của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương). Song song với các kiến thức được trang bị trên ghế nhà trường, các bạn sinh viên sẽ được thực tập, trau dồi các kiến thức thực tế tại Tổng cục Quản lý thị trường và Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Tổng cục. Kiến thức, nghiệp vụ và kỹ năng trong các chương trình học cũng được thiết kế tương đương chương trình đạo tạo chứng chỉ Kiểm soát viên thị trường của Bộ Công Thương. Đặc biệt, có sự tham gia giảng dạy và hướng dẫn của cán bộ Tổng cục Quản lý thị trường cũng như các giảng viên dày dặn kinh nghiệm của Viện kinh tế quốc tế cũng như của Trường Đại học kinh tế Quốc dân.

Tham gia học, các bạn sinh viên sẽ được trau dồi kiến thức xung quanh các lĩnh vực quản lý thị trường, phòng chống gian lận thương mại, nghiệp vụ điều tra thị trường, nghiệp vụ thanh tra thị trường, pháp luật liên quan đến Quản lý thị trường, bảo hộ sở hữu trí tuệ, quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm và dược phẩm, quản lý xuất xứ hàng hóa.

Tốt nghiệp chương trình học tập, các bạn sinh viên có nhiều cơ hội làm việc tại cơ quan như: Tổng cục Quản lý thị trường, Cục quản lý thị trường các địa phương, hoạt động kinh doanh tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước, cán bộ tại các cơ quan quản lý, nghiên cứu, hoạch định chính sách về thị trường và thương mại ở Trung ương và địa phương. Ngoài ra, với lượng kiến thức được trang bị tại giảng đường, sau khi tốt nghiệp, các bạn sinh viên cũng có cơ hội trở thành Giảng viên tại trường đại học, cao đẳng hoặc Cán bộ tư vấn ở các trung tâm tư vấn về thị trường và thương mại.

Đặc biệt, chương trình giảng dạy có sự tham gia trực tiếp của cán bộ đang làm việc tại Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường các địa phương, các doanh nghiệp là đối tác đào tạo của Viện thương mại và kinh tế quốc tế, Viện nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Công Thương….

Trước đó, ngày 04 tháng 01 năm 2021 tại Hà Nội đã diễn ra “Lễ ký Thỏa thuận hợp tác đào tạo Đại học cho lực lượng Quản lý thị trường” giữa Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Việc ký thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo đại học và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực lượng QLTT phục vụ hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

Lễ ký kết thỏa thuận đào tạo có ý nghĩa quan trọng trong phát triển lực lượng, là dấu mốc mang tính lịch sử, đặt nền móng cho đào tạo nguồn nhân lực chính quy của QLTT. Đây cũng là tiền đề quan trọng để đào tạo nên một lực lượng công chức QLTT trong tương lai mạnh về trình độ chuyên môn, am hiểu về chính sách pháp luật, có kỹ năng nghề nghiệp khắc phục những hạn chế và yếu kém trong hoạt động công vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và Nhân dân giao phó.

PV