Ứng dụng và phát triển công nghệ viễn thám tại thành phố Hồ Chí Minh

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 18:52, 08/04/2021

(TN&MT) - Ngày 8/4, tại TP. Hồ Chí Minh, Đoàn công tác của Cục Viễn thám quốc gia do Cục trưởng Nguyễn Quốc Khánh làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở TN&MT TP Hồ Chí Minh về công tác tổ chức triển khai thực hiện các đề án, dự án về ứng dụng viễn thám và tình hình thực hiện Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 trên địa bàn thành phố.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thanh Nhuận, Phó Trưởng phòng Đo đạc bản đồ và viễn thám Sở TN&MT TP.Hồ Chí Minh cho biết, ngày 7/10/2020, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển viễn thám trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.

Kế hoạch nhằm cụ thể hóa những nhiệm vụ và giải pháp cơ bản đã được xác định tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 1/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040; từng bước nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh của Thành phố.

Theo đó, Kế hoạch tập trung thực hiện việc kiện toàn nhân lực quản lý nhà nước về viễn thám; đào tạo đủ nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu quản lý, khai thác, ứng dụng công nghệ viễn thám cho nhiệm vụ chuyên môn của các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện thuộc thành phố; xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin đáp ứng cho việc xây dựng, cập nhật, khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu viễn thám; thu thập, tiếp nhận, xây dựng, cập nhật theo quy định, quản lý số lượng, chất lượng sản phẩm viễn thám trên địa bàn thành phố; lưu trữ, cung cấp thông tin, dữ liệu viễn thám theo thẩm quyền trong phạm vi quản lý; mua dữ liệu viễn thám của nước ngoài trong trường hợp cần thiết phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Toàn cảnh buổi làm việc

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, Kế hoạch nêu rõ: Tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ viễn thám trong xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu bản đồ địa hình, cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, mô hình số độ cao, mô hình số địa hình; dữ liệu không gian địa lý quốc gia; xây dựng, cập nhật bản đồ và cơ sở dữ liệu địa lý chuyên ngành.


Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan chủ trì thực hiện phần nhiệm vụ có liên quan trên địa bàn thành phố thuộc các đề án, nhiệm vụ được duyệt tại Quyết định 149/QĐ-TTg; tiếp nhận quản lý, cung cấp khai thác sử dụng sản phẩm của dự án.

Đồng thời, điều tra, giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường, tìm kiếm cứu nạn, phòng hộ, phòng chống thiên tai, ứng phó với BĐKH; lập, giám sát quy hoạch sử dụng đất, kiểm kê đất; giám sát biến động trồi, lún độ cao mặt đất, ngập lụt; biến động bờ biển, sông, hồ; lập, giám sát quy hoạch đô thị, giao thông, thủy lợi; giám sát xây dựng, kiểm kê rừng.

Đặc biệt là cung cấp thông tin, dữ liệu từ việc ứng dụng viễn thám kịp thời cho việc xây dựng, cập nhật dữ liệu không gian địa lý phục vụ đề án thành phố thông minh, chính quyền điện tử cho nhu cầu của người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật để phát triển kinh tế, xã hội.

Theo ông Nguyễn Thanh Nhuận, để triển khai thực hiện Kế hoạch, UBND thành phố đã giao cho Sở TN&MT là đầu mối quản lý hoạt động viễn thám chủ trì theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch, định kỳ hàng năm báo cáo UBND thành phố, Bộ TN&MT. Đồng thời phối hợp thực hiện thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt về sự cần thiết, yêu cầu kỹ thuật của nội dung ứng dụng công nghệ viễn thám trong các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ của các sở, ban ngành; tham mưu đề xuất ban hành Quy chế quản lý khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu viễn thám;…

Đối với công tác xây dựng nhu cầu sử dụng dữ liệu ảnh viễn thám thuộc phạm vi quản lý theo hướng dẫn của Cục Viễn thám quốc gia, ông Nguyễn Thanh Nhuận cho biết, hàng năm, Sở TN&MT đều có văn bản gửi các Sở, ngành, địa phương tổng hợp nhu cầu thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám để phục vụ khai thác thực hiện các chương trình, đề án, dự án trong các lĩnh vực chuyên môn như: Điều tra cơ bản, quan tắc, giám sát tài nguyên môi trường, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Tại buổi làm việc, đại diện Sở TN&MT Thành phố Hồ Chí Minh cũng nêu ra khó khăn trong thực hiện các nhiệm vụ quản lý về viễn thám ở cấp địa phương như: nguồn nhân lực hạn chế, không có trang thiết bị, máy móc và công nghệ; ... Đồng thời đề nghị, trong thời gian tới, Cục Viễn thám quốc gia cung cấp phần mềm bản quyền để sử dụng dữ liệu ảnh viễn thám và hỗ trợ cho các nhiệm vụ, dự án ứng dụng công nghệ viễn thám tại địa phương nhằm đáp ứng mục đích phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.

Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia Nguyễn Quốc Khánh trao tặng ảnh viễn thám spot 6,7 chụp năm 2020-2021 và ảnh VNREDSAT-1 chụp năm 2020-2021 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cho đại diện Sở TN&MT thành phố

Tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia Nguyễn Quốc Khánh đã thông báo một số nhiệm vụ quản lý Nhà nước và ứng dụng viễn thám mà Cục đang triển khai, một số yêu cầu đặt ra trong công tác quản lý và ứng dụng viễn thám trong giám sát tài nguyên bảo vệ môi trường, ứng dụng viễn thám tại một số ngành, địa phương. Việc xây dựng, cập nhật, công bố siêu dữ liệu viễn thám để đáp ứng yêu cầu khai thác và sử dụng thuộc phạm vi quản lý của địa phương; cung cấp bản sao dữ liệu và siêu dữ liệu ảnh viễn thám mua từ nước ngoài bằng nguồn ngân sách Nhà nước cho Bộ TN&MT.

Theo Cục trưởng Nguyễn Quốc Khánh, ngày 17/3/2021, Bộ TN&MT đã có Công văn gửi các Bộ, ngành địa phương thông tin về dữ liệu và siêu dữ liệu ảnh viễn thám SPOT 6/7 độ phân giải 1,5m và dữ liệu VNREDSat-1 độ phân giải 2,5m trong năm 2020 và 3 tháng đầu năm 2021 thu được tại trạm thu ảnh viễn thám quốc gia do Cục Viễn thám quốc gia quản lý và vận hành. Vì vậy, đề nghị Sở TN&MT thành phố Hồ Chí Minh tham mưu cho lãnh đạo Thành phố tổng hợp nhu cầu khai thác sử dụng dữ liệu viễn thám tại địa phương gửi về Cục Viễn thám theo yêu cầu.

Thủy Nguyễn