Biến đổi khí hậu làm thay đổi môi trường sống của sinh vật biển

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 11:38, 07/04/2021

(TN&MT) - Một nghiên cứu mới do Đại học Auckland (New Zealand) làm trưởng nhóm thực hiện đã lần đầu tiên chứng minh: Dưới tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu, các loài sinh vật biển đã và đang thay đổi khu vực sinh sống thường xuyên xa khỏi đường xích đạo. Xu hướng này diễn ra ở tất cả các loài và trên quy mô toàn cầu.

Theo Giáo sư Costello - Ủy ban Quốc tế về Biến đổi Khí hậu (IPCC), những phát hiện này cho thấy, biến đổi khí hậu do con người gây ra đã ảnh hưởng đến đa dạng sinh học biển ở quy mô toàn cầu trên tất cả các loài.

Biến đổi khí hậu khiến các loài sinh vật biển hay đổi khu vực sinh sống thường xuyên xa khỏi đường xích đạo

Theo dữ liệu từ Hệ thống Thông tin Đa dạng Sinh học Đại dương (OBIS), số lượng các loài đã giảm ở xích đạo và tăng lên ở vùng cận nhiệt đới từ những năm 1950. Đây là tình trạng chung của tất cả 48.661 loài, bao gồm những loài sống dưới đáy biển (sinh vật đáy) và ở vùng nước mở (vùng cá nổi), cá, động vật thân mềm và giáp xác.

Các kết quả từ nghiên cứu cho thấy, các loài sinh vật biển vùng nước mở ở Bắc bán cầu có xu hướng di chuyển nhiều về phía cực Bắc hơn so với các loài sinh vật đáy. Trong khi đó, các loài ở Nam bán cầu lại không có làn sóng di chuyển tương tự. Nguyên nhân là do tình trạng đại dương ấm lên ở Bắc bán cầu rõ rệt hơn Nam bán cầu.

Tác giả chính của nghiên cứu – TS Chhaya Chaudhary tại Đại học Auckland cho biết, trước đây, vùng nhiệt đới luôn được coi là ổn định và có nhiệt độ lý tưởng cho sinh sôi vì có rất nhiều loài sinh vật xuất hiện ở đó. Qua nghiên cứu này, các nhà khoa học nhận định, vùng nhiệt đới ngày càng trở nên quá nóng đối với nhiều loài.

Mặc dù đa dạng sinh học biển tăng lên và đạt đỉnh điểm ở xích đạo trong kỷ băng hà cuối cùng vào 20.000 năm trước, nhưng nó đã bị kéo phẳng trước tình trạng nóng lên toàn cầu thời kỳ công nghiệp. Nghiên cứu mới này sử dụng hồ sơ hóa thạch của sinh vật phù du biển bị chôn vùi trong trầm tích biển sâu để theo dõi những biến động về đa dạng loài qua hàng nghìn năm. Xu hướng kéo phẳng tiếp tục diễn ra trong thế kỷ qua, và số lượng loài hiện đang giảm dần ở đường xích đạo. Số lượng các loài sinh vật biển suy giảm khi nhiệt độ nước biển trung bình hàng năm cao trên 20 - 25 độ C (thay đổi theo các loại loài khác nhau).

Là một trong những tác giả chính của Báo cáo Đánh giá lần thứ 6 hiện tại của Ủy ban Quốc tế về Biến đổi Khí hậu (IPCC), Giáo sư Costello nói rằng những phát hiện này có ý nghĩa rất lớn. Biến đổi khí hậu hiện diện ngày càng rõ ràng và diễn ra với tốc độ ngày một nhanh, đặc biệt là tác động đến đa dạng sinh học ở quy mô toàn cầu. Chúng ta có thể dự đoán xu hướng thay đổi chung về đa dạng loài, nhưng do tính chất phức tạp của các tương tác sinh thái, nên hiện nay vẫn chưa rõ mức độ phong phú của sinh vật biển và ngành nghề đánh bắt cá sẽ thay đổi như thế nào theo biến đổi khí hậu.

Khánh Ly