Hạt vi nhựa và tác động tiềm ẩn
Môi trường - Ngày đăng : 10:11, 06/04/2021
Đe dọa hệ sinh thái
Tại Việt Nam, nghiên cứu về ô nhiễm vi nhựa trong sinh vật thủy sinh đã được thực hiện trên loài vẹm xanh châu Á ở vùng nước lợ tỉnh Thanh Hóa và các loài cá, tôm tự nhiên trên sông Lòng Tàu (hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai). Kết quả của nghiên cứu đã cho thấy mức độ ô nhiễm vi nhựa trong sinh vật thủy sinh ở Việt Nam tương đối cao so với các sinh vật hai mảnh vỏ ở châu Âu, hay một số loài cá ở vùng biển Địa Trung Hải.
Theo nghiên cứu Đánh giá nồng độ vi nhựa trong các môi trường nước ngọt và biển ở Việt Nam của TS. Emilie Strady - Chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực khoa học môi trường thuộc Viện Nghiên cứu về Phát triển bền vững Pháp (IRD), phạm vi ô nhiễm vi nhựa liên quan đến các nguồn vi nhựa thải ra môi trường, bao gồm các hoạt động nhân sinh như nuôi trồng thủy sản, nghề cá, hộ gia đình, bãi chôn lấp và việc thải trực tiếp nước thải đã qua xử lý hoặc chưa qua xử lý. Bên cạnh đó, phạm vi nồng độ nhựa thấp hơn được quan sát thấy ở các vịnh, trong khi phạm vi nồng độ nhựa cao hơn được ghi nhận tại các con sông.
Sự có mặt của một lượng lớn vi nhựa trong các hệ sinh thái thủy sinh có tác động tiêu cực đến sức khỏe sinh vật thủy sinh, động vật phù du hoặc động vật ở các bậc dinh dưỡng thấp. Bởi vì chúng có thể lầm tưởng vi nhựa với thức ăn và vô tình ăn phải. Sự tích lũy vi nhựa trong cơ thể động vật có thể gây ra các nguy cơ đối với sức khỏe của chúng như làm tắc khí quản gây ngạt thở, hoặc tác động xấu tới hệ tiêu hóa, là nguyên nhân gây tử vong cho nhiều loài động vật.
Ô nhiễm chất thải vi nhựa đe dọa hệ sinh thái. Ảnh: MH |
Ảnh hưởng đến sức khỏe con người
Khi các loài sinh vật ăn phải vi nhựa, chúng sẽ là vật trung gian tích tụ các loại hóa chất nguy hiểm. Điều này có thể dẫn đến việc lan truyền và tích lũy vi nhựa cũng như các chất ô nhiễm khác từ các sinh vật bậc thấp đến các sinh vật bậc cao và thậm chí là trong cơ thể con người thông qua chuỗi thức ăn. Như vậy, khi chúng ta tiêu thụ các loài này trong bữa ăn hàng ngày thì cũng có nghĩa là sẽ ăn trực tiếp vi nhựa vào cơ thể, dẫn đến những nguy cơ về sức khỏe do vi nhựa và các chất ô nhiễm khác bám trên bề mặt nhựa gây ra.
Không chỉ môi trường nước tự nhiên, hạt vi nhựa còn được tìm thấy trong không khí, thực phẩm, nước uống. PGS.TS Lê Hùng Anh, Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường (Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh) cho biết, nhóm nghiên cứu của ông từng lấy mẫu nước uống đóng chai đang bán trên thị trường để nghiên cứu và tìm thấy vi nhựa trong đó. Theo PGS.TS Lê Hùng Anh, công nghệ xử lý nước hiện nay chắc chắn có thể loại bỏ được hạt vi nhựa. Tuy nhiên, ma sát trong quá trình đóng nắp chai bằng máy công nghiệp có thể đã tạo ra hạt vi nhựa và chúng đã lọt vào chai nước.
Mới đây, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đã đưa ra một nghiên cứu cho thấy, trung bình, mỗi tuần, mỗi người trên thế giới có thể ăn phải ít nhất 5g hạt vi nhựa, tương đương với khối lượng của một chiếc thẻ tín dụng hoặc một chiếc thẻ ATM.
Hiện nay, chưa có nhiều công bố khoa học về tác hại của hạt vi nhựa với sức khỏe con người. Tuy vậy, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, cần tìm hiểu thêm về tác động của hạt vi nhựa đối với sức khỏe con người vì chúng có mặt ở khắp mọi nơi - kể cả trong nước uống của chúng ta.
Vi nhựa là các hạt nhựa có kích thức nhỏ hơn 5 mm, phát sinh từ quá trình phân mảnh của rác nhựa. Các hạt này được phân chia thành hai nhóm chính là hạt vi nhựa sơ cấp và hạt vi nhựa thứ cấp. Các hạt vi nhựa sơ cấp được thải trực tiếp vào môi trường từ các hoạt động như giặt quần áo làm từ sợi tổng hợp, sự cọ xát của lốp xe khi chuyển động, từ các sản phẩm như bột giặt, mỹ phẩm,... Các hạt vi nhựa thứ cấp phát sinh từ việc phá hủy các đồ vật bằng nhựa, như túi nhựa, túi ni lông, chai nhựa, lưới đánh cá.