Bảo Lộc - Lâm Đồng: Người dân đặt nghi vấn về chất lượng nước sạch

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 22:49, 05/04/2021

(TN&MT) - Theo đơn phản ánh của người dân thành phố Bảo Lộc đến Báo Tài nguyên và Môi trường, những năm gần đây, chất lượng nguồn nước sạch do Công ty Cổ phần Cấp thoát nước và Xây dựng Bảo Lộc (Công ty Cấp nước Bảo Lộc) cung cấp không được trong như trước. 

Hàng ngày, bằng mắt thường cũng nhận thấy nước bị đục càng nhiều, khi giặt đồ trắng bị ố vàng và nghiêm trọng hơn là nước có mùi rất tanh, khi đem sử dụng trong nấu ăn hàng ngày cũng không hết mùi này.

Một trạm bơm của Công ty Cổ phần Cấp thoát nước và Xây dựng Bảo Lộc

Sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, người dân đã phải đi mua nước bình để nấu ăn và chờ đợi Công ty Cấp nước Bảo Lộc khắc phục. Tuy vậy, theo chị Nguyễn Thị Thuỵ Vy (TP Bảo Lộc, Lâm Đồng), không hiểu vì không thể khắc phục hay do Công ty không quan tâm đến chất lượng nước cung cấp cho người dân mà chất lượng nước ngày càng có dấu hiệu kém hơn?.

Để biết rõ tình hình cũng như có bằng chứng cụ thể, chị Nguyễn Thị Thuỵ Vy đã liên hệ với Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (gọi tắt Trung tâm 3) đến lấy mẫu phân tích nước tại nhà để phân tích trong 3 tháng liên tiếp.

Từ kết quả phân tích cho thấy, trong 3 tháng liên tiếp là tháng 11,12/2019 và tháng 1/2020 nước sinh hoạt của gia đình chị Thuỵ Vy đều không đạt chất lượng nước sạch theo kết quả giám định.

Cụ thể, mẫu nước do Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM (CASE) kiểm tra ngày 28/11/2019 không đạt 3 chỉ tiêu: sắt: 0,78 mg/lít (cho phép 0,3mg/lít); Clo dư: không phát hiện (cho phép 0,3 - 0,5mg/lít), độ đục 6,42ntu (cho phép 2ntu)

Mẫu nước do Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) ngày 15/12/2019 cũng cho ra kết quả không đạt 3 chỉ tiêu độ đục, sắt và Clo dư. Độ đục 3,8 ntu (cho phép 2ntu); sắt 0,48 mg/lít (cho phép 0,3 mg/lít); Clo dư 0,2 mg/lít (cho phép 0,3 -  0,5 mg/lít)

Mẫu nước do Quatest 3 kiểm tra ngày 6/1/2020 cũng cho thấy 3 chỉ tiêu độ đục, sắt và Clo dư không đạt chất lượng. Độ đục 3,8 ntu (cho phép 2 ntu); sắt 0,62 mg/lít (cho phép 0,3 mg/lít); Clo dư 0,2 mg/lít (cho phép 0,3 - 0,5 mg/lít).

Mẫu nước do Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM (CASE) kiểm tra ngày 28/11/2019

Nước sạch, là hàng hóa đặc biệt liên quan tới sự sống và sức khỏe lâu dài của người sử dụng, trong đó, những đơn vị làm dịch vụ cung cấp nước cho người dân cần phải tuân thủ tuyệt đối để đảm bảo những tiêu chuẩn, quy chuẩn về nước sạch để phục vụ đời sống nhân dân.

Theo quy định của QCVN 01/2009-BYT của Bộ Y tế, 3 chỉ tiêu độ đục, sắt và Clo dư đều thuộc nhóm mức độ giám sát tiêu chuẩn (A). Theo đó, chương trình giám sát, kiểm tra định kỳ theo quy định của QCVN 01/2009 đối với các chỉ tiêu thuộc mức độ A đều phải: Xét nghiệm ít nhất 1 lần/1 tuần do cơ sở cung cấp nước thực hiện; Kiểm tra, giám sát, xét nghiệm ít nhất 1 lần/1 tháng do các cơ quan có thẩm quyền thực hiện.

Để xác minh, làm rõ thông tin, ngày 22/3/2021 PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng để tìm hiểu về việc kiểm tra, giám sát, xét nghiệm nguồn nước. Tại đây, BSCKII Nguyễn Quốc Minh - Giám đốc Trung tâm cho biết, đơn vị thực hiện theo đúng trách nhiệm, chuyên môn  và đều có báo cáo rõ ràng.

Ngày 31/3/2021 phóng viên đã làm việc với Bs Lê Hồng Thiên, Trưởng khoa Sức khoẻ môi trường – Y tế trường học – Bệnh nghề nghiệp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng. Tại đây, ông Thiên cho biết, theo thông tư 41/2018/TT-BYT yêu cầu mỗi đơn vị cấp nước phải được ngoại kiểm định kỳ 01 lần/năm. Theo đó, ngày 22/7/2020, đoàn kiểm tra Sở Y tế đã tiến hành kiểm tra tại đơn vị Công ty Cấp nước Bảo Lộc, kết quả kiểm tra từ các chỉ tiêu đều đạt ngưỡng cho phép (mẫu lấy tại trạm xử lý số 03, Clo dư đạt 0,41mg/l; mẫu lấy tại trạm xử lý số 09, Clo dư đạt 0,48 mg/l).

Ngoài ra, ông Thiên cung cấp thêm một số văn bản xét nghiệm được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng thực hiện có một số trạm xử lý vẫn còn chỉ tiêu sắt tổng cộng và màu sắc không đạt, tuy nhiên công ty đã có biện pháp cải thiện chất lượng nước.

Để bảo đảm thông tin khách quan, phóng viên cũng đã làm việc với đại diện Công ty Cấp nước Bảo Lộc, tại đây, ông Nguyễn Trọng Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, Công ty luôn thực hiện theo đúng quy định, yêu cầu của các cơ quan chức năng.

Với những số liệu từ mẫu nước do Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM (CASE) hay Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) ông Hiếu cho rằng, công ty không hợp tác với hai đơn vị trên, cho nên những mẫu nước được mang đi xét nghiệm được lấy ở đâu, thời điểm nào?…, do đó ông Hiếu đề nghị, nếu xác định những thông số an toàn của nước cung cấp cho người dân Bảo Lộc cần có những cơ quan chuyên môn liên ngành của tỉnh cùng tham gia với hai đơn vị trên đi lấy mẫu, xét nghiệm và công bố công khai. Phía công ty sẵn sàng phối hợp với người dân mời những cơ quan giám định độc lập để thông tin được khách quan.

Đây cũng là quan điểm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng trước những số liệu từ từ mẫu nước do Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM (CASE) hay Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3).

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

Theo Chỉ thị 34/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch, bảo đảm cấp nước an toàn, liên tục được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký đã quy định: Nguồn nước, công trình cấp nước và quy trình sản xuất, truyền tải, cung cấp nước sạch phải được giám sát nghiêm ngặt, liên tục để bảo đảm nước sạch được cung cấp phục vụ đời sống, sinh hoạt của nhân dân có chất lượng tốt nhất và tuyệt đối an toàn.

Mọi hành vi xâm hại hành lang bảo vệ nguồn nước, vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, công trình cấp nước, gây ô nhiễm nguồn nước, mất an toàn trong sản xuất, truyền tải, cung cấp nước sạch phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trung Du