Bắc Bộ và Trung Bộ đối mặt khoảng 2 đợt nắng nóng trong tháng 4

Môi trường - Ngày đăng : 17:49, 05/04/2021

(TN&MT) - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong tháng 4, nền nhiệt trên cả nước phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Sẽ có khoảng từ 1-2 đợt nắng nóng xảy ra ở Bắc Bộ và Trung Bộ nhưng chỉ trong ít ngày và không quá gay gắt. Trong khi đó, tình hình xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn ở mức cao.

Tháng chuyển mùa

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho rằng, thời tiết năm 2021 có nhiều diễn biến phù hợp với quy luật khí hậu, nắng nóng xảy ra ở cuối tháng 3 sau đó sẽ mở rộng dần ra khu vực phía Đông Bắc Bộ. Vì vậy, khu vực Hà Nội và Đông Bắc Bộ nắng nóng sẽ xảy ra vào thời gian cuối tháng 5, đầu tháng 6, cao điểm nắng nóng ở khu vực Bắc Bộ sẽ vào khoảng tháng 6 và tháng 7.

Dự báo, trong tháng 4 sẽ có khoảng từ 1-2 đợt nắng nóng xảy ra ở Bắc Bộ và Trung Bộ. Ảnh minh họa

Riêng trong tháng 4, đây là giai đoạn chuyển mùa ở miền Bắc và miền Nam. Tháng 4 vẫn sẽ xuất hiện những đợt không khí lạnh từ phía Bắc có cường độ yếu, cùng với đó nhiệt độ tại khu vực Bắc Bộ tăng dần, mỗi khi có không khí lạnh xuống sẽ kèm theo các hiện tượng như dông, lốc, sét và mưa đá tại khu vực Bắc Bộ. Khu vực Nam Bộ cuối tháng 4 đầu tháng 5 là giai đoạn bắt đầu mưa do gió mùa tây nam, các hiện tượng như dông, lốc, sét sẽ xảy ra trên khu vực này.

Cụ thể, thời kỳ 10 ngày giữa tháng 4 (11-20/4/2021), nhiệt độ trung bình trên phạm vi cả nước phổ biến xấp xỉ, riêng khu vực Bắc và Trung Trung Bộ thấp hơn 0,5-1,0oC so với trung bình nhiều năm (TBNN). Tổng lượng mưa (TLM) trên toàn quốc phổ biến xấp xỉ so với giá trị TBNN, riêng khu vực Bắc, Trung Trung Bộ và Tây Nguyên cao hơn 20-40%; Nam Bộ cao hơn 30-50% so với TBNN.

Trong 10 ngày cuối tháng 4, dự báo nhiệt độ trung bình trên toàn quốc ở mức thấp hơn từ 0,5-1,0oC so với TBNN cùng thời kỳ. Lượng mưa tại khu vực phía Đông Bắc Bộ, Bắc, Trung Trung Bộ và Tây Nguyên cao hơn 20-40%, Nam Bộ cao hơn 30-50%; các khu vực còn lại xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ.

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, trong tháng 4 sẽ có khoảng từ 1-2 đợt nắng nóng xảy ra ở Bắc Bộ và Trung Bộ. Tuy nhiên, những đợt nắng nóng này sẽ chỉ kéo dài từ 2-4 ngày và cũng không quá gay gắt.

Tại Trung Bộ và Tây Nguyên, từ nay đến tháng 6/2021, dòng chảy trên phần lớn các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên phổ biến ở mức xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ. Trong tháng 4, tháng 5 nguy cơ xảy ra khô hạn, thiếu nước cục bộ tại các tỉnh Nghệ An, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên, sau đó mở rộng ra các tỉnh khác ở Trung Bộ. Tình trạng khô hạn cục bộ xảy ra gay gắt hơn tại những nơi ở xa vùng cấp nước của công trình thủy lợi.

Về khả năng đón nhận các cơn bão trong tháng 4, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho rằng, tháng 4 và tháng 5 sẽ có rất ít khả năng bão xuất hiện trên khu vực biển Đông. Phải đến đầu tháng 6 mới có thể xuất hiện các cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trước tiên sẽ tập trung ở khu vực Bắc Trung Bộ và cũng có khả năng di chuyển vào khu vực Vịnh Bắc Bộ và ảnh hưởng đến các tỉnh khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Hạn mặn vẫn ở mức cao

Một trong những vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm trong những tháng đầu năm 2021 là tình hình xâm nhập mặn tại ĐBSCL. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, xâm nhập mặn ở ĐBSCL trong mùa khô năm 2020-2021 dự báo ở mức cao hơn TBNN, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019-2020, từ đầu năm 2021 đến 31/3/2021 đã xuất hiện 5 đợt xâm nhập mặn tăng cao.

Trong tháng 4, xâm nhập mặn ở ĐBSCL vẫn ở mức cao và sẽ giảm dần từ tháng 5. Ảnh: tienphong

Trong tháng 3, mực nước tại trạm Chiang Saen (Thái Lan) ở thấp hơn 0,16m so với TBNN và thấp hơn với cùng kỳ 2020 là 0,05m. Đến thời điểm 29/3, mực nước tại trạm KompongLuong (Biển Hồ-Campuchia) là 0,89m, thấp hơn TBNN cùng kỳ là 0,07m và cao hơn cùng kỳ năm 2020 là 0,21m. Dung tích Biển Hồ đạt 0,07 tỷ m3, thấp hơn TBNN khoảng 0,1 tỷ m3 và cao hơn so với cùng kỳ năm 2020.

Sang tháng 4, xâm nhập mặn ở cửa sông Cửu Long có xu thế giảm dần, nhưng độ mặn vẫn ở mức cao; xâm nhập mặn ở các sông Vàm Cỏ tiếp tục tăng cao trong các đợt từ 11-14/4/2021 và từ 24-30/4/2021; trên sông Cái Lớn tiếp tục tăng cao từ 15-24/4/2021. Từ tháng 5, xâm nhập mặn ở ĐBSCL giảm dần.

Để kiểm soát, ứng phó được tình hình hạn hán và xâm nhập mặn tại ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, Bộ NN&PTNT đang trình Chính phủ và Quốc hội về việc bảo đảm nước sạch bền vững cho người dân vùng ĐBSCL. Trong thời gian sớm nhất, chúng ta sẽ bảo đảm được điều này.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, hiện vùng ĐBSCL có hơn 3.000 nhà máy nước tập trung ở vùng nông thôn, đợt hạn, mặn năm 2020 có khoảng 200 nhà máy bị ảnh hưởng. Bộ NN&PTNT cùng với địa phương đã ra phương án ngăn một số sông để lấy nước cho các nhà máy này, cung cấp nguồn nước ngọt cho người dân. Cùng với đó là đầu tư lắp đặt đường ống nước. Riêng tỉnh Sóc Trăng, năm 2020 đã lắp đặt được hơn 300km đường ống nước ngọt đến khu vực dân cư thiếu nước sinh hoạt. Phương án này rất khả thi vì ở vùng ĐBSCL cơ bản người dân sinh sống khá tập trung. Còn lại, toàn vùng có khoảng 20.300 hộ sinh sống rải rác không đưa được nước đến nơi thì vẫn có phương án tích nước không tập trung. Theo tính toán, mỗi hộ cần 15 triệu đồng để xây bể xi măng tích trữ nước. Mỗi bể tầm 10m3, tổng kinh phí ước tính khoảng 300 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, một giải pháp khác là tích trữ nước ngọt rải rác để cân bằng các vùng, đồng thời góp phần bổ sung nguồn cho nước ngầm. Nước ngọt khoan dùng cho sinh hoạt ở ĐBSCL chỉ 10%, còn lại chủ yếu cho sản xuất, đặc biệt là dành cho thủy sản để nuôi tôm. Dự kiến từ giai đoạn 2021-2025 sẽ có những công trình tích nước không tập trung bằng các cống cố định ở những kênh cụt, không có giao thông thủy.

Thanh Tùng