Điện Biên: Siết chặt bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản

Khoáng sản - Ngày đăng : 09:00, 02/04/2021

(TN&MT) - Những năm qua, công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản luôn được các cấp, các ngành chức năng của tỉnh Điên Biên quan tâm chỉ đạo, tăng cường quản lý. Qua đó, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản, nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển xã hội bền vững, lâu dài.

Công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Điện Biên được siết chặt quản lý.

Bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản là một yêu cầu bắt buộc đối với mọi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản dù ở bất cứ quy mô công suất và địa điểm nào. Điện Biên là tỉnh có tiềm năng về tài nguyên khoáng sản với trên 80 mỏ, điểm mỏ khoáng sản, phân bố đều ở các huyện, công tác quản lý hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã được tăng cường, đặc biệt là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường được duy trì, kiểm tra, xử lý thường xuyên với sự vào cuộc của các cấp, các ngành.

Để đảm bảo công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản, yêu cầu trước tiên là thực hiện trình tự thủ tục phê duyệt dự án khai thác khoáng sản theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên đã yêu cầu các cơ sở, doanh nghiệp xin cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn, phải thực hiện lập báo cáo tác động môi trường và phương án cải tạo phục hồi môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định; tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành Quyết định phê duyệt báo cáo tác động môi trường và phương án cải tạo phục hồi môi trường là căn cứ để các cấp có thẩm quyền cấp, điều chỉnh giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác khoáng sản.

Các tổ chức khai thác, chế biến khoáng sản đáp ứng các thủ tục về bảo vệ môi trường.

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường Điện Biên, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn không ít tồn tại, hạn chế. Phần lớn các cơ sở khai thác, chế biến có quy mô vừa và nhỏ; khai thác bằng phương pháp thủ công, nên trong quá trình khai thác thường có lượng chất thải lớn gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, công tác triển khai, hướng dẫn thực hiện các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản của các cơ quan chức năng tới các doanh nghiệp, chủ mỏ còn tồn tại nhiều bất cập. Đó là việc hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; cam kết bảo vệ môi trường; ký quỹ bảo vệ môi trường; thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường trước khi đóng cửa mỏ; báo cáo giám sát môi trường định kỳ. Còn một số đơn vị, doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản chưa ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Phun nước dập bụi tại khu vực chế biến khoáng sản giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Xác định hoạt động khai thác khoáng sản luôn tiềm ẩn nguy cơ gây tác động xấu tới môi trường, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, giám sát trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Qua đó, nêu cao vai trò quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản, góp phần chấn chỉnh các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác khoáng sản thực hiện nghiêm túc công tác bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Hoàng Châu