Đáp ứng yêu cầu tư liệu cho đa ngành, đa lĩnh vực

Khoa học & Công nghệ - Ngày đăng : 10:50, 01/04/2021

(TN&MT) - Với việc khai thác các thông tin từ ảnh viễn thám cho thấy bức tranh tổng quát về diễn biến biến động bờ sông, bờ biển trong quá khứ và hiện tại cũng như các thông tin liên quan khác như việc xây các hồ chứa lớn trên các sông chính. Qua đó, các cơ quan quản lý đã đánh giá được xu thế của những biến động này trong tương lai.

Theo Tiến sĩ Trần Tuấn Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia, công nghệ viễn thám với việc chụp ảnh liên tục trên vệ tinh, cung cấp chuỗi các hình ảnh trực quan, khách quan, bao quát, chi tiết về bề mặt Trái đất trong thời gian dài đã trở thành một trong các hướng đi chủ đạo của ứng dụng và phát triển công nghệ này nhằm phục vụ quản lý tài nguyên thiên nhiên, giám sát môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Bên cạnh đó, với lợi thế chụp ảnh liên tục, ảnh rộng viễn thám có thể cung cấp chuỗi thông tin phục về các yếu tố liên quan đến xói lở bờ biển, cũng như diễn biến xói lở từ quá khứ đến hiện tại. Thông tin này đặc biệt hữu dụng trong nghiên cứu xói lở bờ biển tại Việt Nam.

Ảnh chụp từ vệ tinh VNREDSat-1.

Đối với nguyên nhân nội sinh, bằng việc cung cấp hình ảnh trên diện rộng, công nghệ viễn thám có thể cung cấp hầu hết các thông tin về trường sóng như hướng sóng, độ cao sóng, hướng dòng chảy, tốc độ dòng chảy, hàm lượng chất lơ lửng trong bề mặt nước biển. Đối với các nguyên nhân do hoạt động của con người, viễn thám cho phép cung cấp các thông tin như hệ thống các công trình thủy lợi, hiện trạng sử dụng đất, chặt phá rừng, các công trình xây dựng chống xói lở…

Mặt khác, công nghệ viễn thám đã được ứng dụng hiệu quả trong việc kiểm kê quốc gia khí nhà kính đối với lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF) phục vụ xây dựng các Báo cáo quốc gia và đóng góp của Việt Nam cho Công ước khí hậu cũng được khai thác hiệu quả từ công nghệ viễn thám.

Hiện nay, các xu hướng phát triển cải thiện công nghệ vệ tinh quang học quan sát trái đất; xu hướng phát triển các hệ thống vệ tinh nhỏ; phát triển và vận hành chùm vệ tinh nhỏ quan sát trái đất cung cấp ảnh viễn thám độ phân giải cao gần thời gian thực; sử dụng thiết bị bay không người lái dùng chụp ảnh mặt đất; xu thế phát triển công nghệ hạ tầng thu nhận dữ liệu ảnh vệ tinh… đang từng bước trở thành các công cụ thiết yếu phục vụ cho việc khai thác, ứng dụng dữ liệu viễn thám.

Nắm bắt được xu thế đó, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia Nguyễn Quốc Khánh cho biết, trong thời gian tới, để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ đa ngành, đa lĩnh vực, Cục đã và đang chú trọng việc xây dựng và ban hành các quy trình ứng dụng công nghệ mới phù hợp với điều kiện Việt Nam. Mục tiêu là có được hệ thống đồng bộ thu nhận, xử lý dữ liệu và sử dụng tư liệu ảnh viễn thám đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội.

Đồng thời, Cục đang hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật về phát triển và ứng dụng công nghệ viễn thám, nhằm đảm bảo đầu tư đồng bộ, thống nhất, an toàn an ninh công nghệ. Tạo điều kiện thuận lợi phát triển công nghệ viễn thám, kinh tế tri thức và tăng cường hợp tác trong và ngoài nước; liên kết, xã hội hóa về công nghệ viễn thám.

Việt Khang