Hợp tác quốc tế về viễn thám và khoảng không vũ trụ
Khoa học & Công nghệ - Ngày đăng : 10:50, 01/04/2021
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia. |
PV: Thỏa thuận khung về khai thác và sử dụng khoảng không vũ trụ cho mục đích hòa bình giữa Việt Nam và Ấn Độ (Thỏa thuận khung) đã được Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam Parvathaneni Harish thay mặt Chính phủ hai nước ký năm 2016, xin ông cho biết, Bộ TN&MT đã triển khai thực hiện Thỏa thuận khung như thế nào?
Ông Nguyễn Quốc Khánh:
Để triển khai thực hiện Thỏa thuận khung, Bộ TN&MT đã giao Cục Viễn thám quốc gia làm đầu mối chính, chủ trì xây dựng và triển khai các hoạt động của Nhóm công tác chung giữa Việt Nam và Ấn Độ và thông báo cho phía Ấn Độ về thành phần của Nhóm công tác phía Việt Nam. Cơ quan nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) - cơ quan đối tác của Cục Viễn thám quốc gia, được giới thiệu làm đầu mối và Trưởng nhóm công tác là lãnh đạo của ISRO.
Cũng theo Thỏa thuận này, Dự án “Xây dựng Trạm dò tìm, tiếp nhận dữ liệu và Trung tâm xử lý dữ liệu ảnh vệ tinh” sử dụng quỹ ASEAN - Ấn Độ là một dự án điểm, có tầm quan trọng cao được xây dựng tại tỉnh Bình Dương của Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 20/1/2017, được thực hiện bởi Cục Viễn thám quốc gia và ISRO (Ấn Độ); trong đó, Ấn Độ chi trả toàn bộ kinh phí của phần xây lắp và cung cấp các thiết bị lắp đặt, đồng thời vận hành trạm thu ảnh viễn thám và cung cấp miễn phí dữ liệu từ các thế hệ vệ tinh viễn thám Ấn Độ là Resourcesat và Oceansat tại trạm thu trong 5 năm. Dự án cũng có nội dung về đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam về công nghệ vũ trụ thông qua các khóa học dài hạn (sau đại học) và ngắn hạn.
PV: Việc thiết lập mới một trạm dò tìm, thu nhận dữ liệu và trung tâm xử lý dữ liệu ảnh vệ tinh tại Việt Nam có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Khánh:
Đối với Việt Nam, việc thiết lập mới một trạm dò tìm, thu nhận dữ liệu và trung tâm xử lý dữ liệu ảnh vệ tinh đem lại rất nhiều lợi ích. Trước tiên, đây là bước đi rất phù hợp với “Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 1/2/2019 cũng như chủ trương dài hạn phát triển ứng dụng lĩnh vực viễn thám phục vụ công tác quản lý tài nguyên môi trường.
Bên cạnh nguồn dữ liệu thu được từ Trạm thu ảnh viễn thám do Cục Viễn thám quốc gia đang vận hành (từ vệ tinh quan sát trái đất VNREDSat-1 của Việt Nam và dữ liệu viễn thám SPOT 6/7 của Pháp), việc sử dụng kết hợp các loại ảnh viễn thám Ấn Độ với các dữ liệu ảnh viễn thám hiện có trong cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia cũng sẽ tăng cường hiệu quả của nhiều ứng dụng, cho phép theo dõi, giám sát các đối tượng trên bề mặt ở nhiều mức độ khác nhau về cả không gian và thời gian, từ khái quát đến chi tiết.
Sau thời gian vận hành của Dự án, Việt Nam và Ấn Độ có thể tiếp tục hợp tác, phối hợp nâng cấp trạm này để có thể thu nhận và xử lý được những dữ liệu ảnh viễn thám từ các vệ tinh khác của Ấn Độ để có thể chia sẻ nguồn dữ liệu cho các nước ASEAN.
Cục trưởng Nguyễn Quốc Khánh (thứ 3 từ trái sang) và ông Pranay Verma, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam (thứ 4 từ trái sang) tham dự Lễ bàn giao vị trí khu đất tại Bình Dương tháng 9/2020 để thực hiện Dự án ASEAN - Ấn Độ |
PV: Được biết, trong khuôn khổ hợp tác của Dự án, Cục Viễn thám quốc gia cũng đang đề xuất xây dựng mới một trạm thu tại Hà Nội để thu nhận dữ liệu viễn thám ra đa và quang học độ phân giải siêu cao từ các vệ tinh của Ấn Độ, ông có thể cho biết, việc xây mới trạm thu tại Hà Nội nhằm mục đích gì?
Ông Nguyễn Quốc Khánh:
Việc xây dựng trạm thu mới tại Hà Nội xuất phát từ nhu cầu rất cao về dữ liệu viễn thám có độ phân giải siêu cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là trong công tác quốc phòng - an ninh. Trên thực tế, ảnh viễn thám độ phân giải siêu cao hiện nay có kích thước ảnh khá nhỏ, thường là dưới 20 km. Do đó, nếu chỉ sử dụng một loại vệ tinh sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện các nhiệm vụ trên một khu vực rộng lớn và đặc biệt là trong các tình huống khẩn cấp.
Tại Việt Nam, việc phát triển vệ tinh và chùm vệ tinh viễn thám có độ phân giải siêu cao đang gặp nhiều khó khăn do giá thành của mỗi vệ tinh khá đắt và chúng ta cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong chế tạo, vận hành loại vệ tinh này. Do vậy, phương án khả thi trong điều kiện của Việt Nam hiện nay là nâng cấp trạm hiện có hoặc phát triển thêm hệ thống trạm mặt đất mới để thu dữ liệu viễn thám độ phân giải siêu cao từ các vệ tinh của nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong nước.
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, chúng ta mới chỉ có duy nhất một trạm thu tại Hà Nội được xây dựng từ năm 2007, đã được nâng cấp để thu ảnh VNREDSat-1, SPOT 6/7 và dự kiến trong năm tới là nâng cấp để thu ảnh ra đa CosmoSkymed của Italia. Đồng thời, công nghệ của trạm thu hiện có khá lạc hậu và đã sử dụng thời gian dài nên khó có thể đáp ứng việc nâng cấp để thu các thế hệ vệ tinh mới tiếp theo. Do đó, việc phát triển các trạm thu mới, có tính năng hiện đại nhằm thu được một số loại vệ tinh viễn thám có độ phân giải siêu cao khác nhau là một nhu cầu cấp bách.
Mặt khác, Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 đã đặt ra mục tiêu “Xây dựng hệ thống trạm thu, hệ thống xử lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám quốc gia đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh” trong đó có nhiệm vụ cụ thể là “Xây dựng và hoàn thiện mạng lưới trạm thu dữ liệu viễn thám (trạm cố định, trạm di động, trạm ảo và trạm thu dữ liệu viễn thám khí tượng), trạm điều khiển; hệ thống lưu trữ, xử lý dữ liệu viễn thám và mạng lưới truyền dẫn dữ liệu viễn thám để cung cấp dữ liệu viễn thám cho các Bộ, ngành, địa phương”.
Điều đó cho thấy, việc đề xuất hợp tác với Ấn Độ trong việc xây dựng trạm thu tại Hà Nội để thu nhận dữ liệu viễn thám ra đa và quang học độ phân giải siêu cao từ các vệ tinh của Ấn Độ trước hết là đáp ứng nhu cầu thực tế ngày càng tăng ở trong nước phục vụ giám sát tài nguyên, môi trường, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, cũng như đáp ứng chủ trương đa phương hóa trong hợp tác quốc tế, tranh thủ tiếp thu công nghệ của các quốc gia có nền khoa học vũ trụ, viễn thám phát triển với giá thành hợp lý, góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ kỹ thuật của Cục Viễn thám quốc gia.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!