GPMB tại Vĩnh Phúc: Thưởng nhanh nếu bàn giao đúng tiến độ

Đất đai - Ngày đăng : 08:58, 01/04/2021

(TN&MT) - Để phấn đấu đến năm 2025, Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp phát triển với kết cấu hạ tầng đô thị đạt tiêu chí loại I, thời gian qua, tỉnh đã tập trung thu hút nhiều dự án nhằm phát triển công nghiệp, tuy nhiên, vấn đề bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện nhiều dự án.

Còn nhiều vướng mắc

Thực tế cho thấy, nhiều năm qua, Vĩnh Phúc đã chứng minh được với nhiều nhà đầu tư lớn trong nước và trên thế giới về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại linh hoạt của mình. Tuy nhiên, vấn đề GPMB luôn là vấn đề khó khăn của tỉnh.

Theo thống kê gần đây, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang triển khai thực hiện 338 dự án, nhưng có tới 130 dự án gặp khó khăn, vướng mắc về mặt bằng.

Chỉ tính riêng về khu công nghiệp, Vĩnh Phúc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch 18 Khu công nghiệp với diện tích hơn 5.200 ha. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Quản lý các Khu công nghiệp đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư, tham mưu UBND tỉnh thành lập được 9 Khu công nghiệp, tạo ra quỹ đất Khu công nghiệp để cho thuê với diện tích hơn 1.007 ha.

Chính sách giải phóng mặt bằng nhanh góp phần đảm bảo tiến độ của các dự án tại Vĩnh Phúc. 

Tuy nhiên, trong số 9 Khu công nghiệp đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư, có 5 Khu công nghiệp vướng mắc về bồi thường GPMB với diện tích là hơn 477 ha; 5/6 Khu công nghiệp đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư cần phải thực hiện bồi thường, GPMB hơn 946 ha; 3 Khu công nghiệp đang xin ý kiến các cơ quan liên quan để thực hiện thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, sau khi được phê duyệt phải thực hiện bồi thường GPMB với diện tích là hơn 437 ha để triển khai.

Nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ trong công tác bồi thường, GPMB chủ yếu bắt nguồn từ nhận thức chưa đúng của một bộ phận người dân có đất nằm trong diện bồi thường, giải tỏa và một số quy định của pháp luật về công tác bồi thường, GPMB chưa thực sự hợp lý, dẫn đến sự bức xúc của người trong cuộc.

Bên cạnh đó, công tác quản lý đất đai của một số chính quyền cấp xã, phường còn lỏng lẻo, dẫn đến việc đất công bị người dân lấn chiếm trong một thời gian dài, có trường hợp chính quyền không thể xác định nguồn gốc đất đai của các thửa đất bị thu hồi do hồ sơ bị thất lạc, hoặc do các sai phạm trong quản lý của các cấp chính quyền thời kỳ trước…

Sẽ thưởng GPMB nhanh

Để tháo gỡ khó khăn này HĐND tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVI vừa thông qua Nghị quyết số 01/2021/NQ-HĐND về một số biện pháp đặc thù để bảo đảm công tác GPMB kịp thời, đúng tiến độ đối với các dự án trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 - 2025. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 8/3/2021.

Theo nội dung Nghị quyết, tỉnh sẽ thưởng GPMB nhanh cho người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân có đất thu hồi theo tiến độ nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng tại thực địa kể từ ngày người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân có đất thu hồi nhận được thông báo chi trả tiền theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của cấp có thẩm quyền phê duyệt, mức thưởng.

Cụ thể, trong vòng tối đa không quá 20 ngày (tính cả ngày nghỉ), đối với đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất nông nghiệp khác, mức thưởng: 120.000 đồng/m2; đối với đất rừng sản xuất, mức thưởng: 20.000 đồng/ m2; đối với đất ở có nhà ở phải tháo dỡ, mức thưởng: 500.000đồng/m2 sàn xây dựng, tối đa không quá 50.000.000 đồng/chủ sử dụng đất.

Từ ngày thứ 21 đến tối đa không quá 30 ngày (tính cả ngày nghỉ) đối với đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất nông nghiệp khác, mức thưởng: 96.000 đồng/m2; đối với đất rừng sản xuất, mức thưởng: 16.000 đồng/m2; đối với đất ở có nhà ở phải tháo dỡ, mức thưởng: 400.000 đồng/m2 sàn xây dựng, tối đa không quá 40.000.000 đồng/chủ sử dụng đất.

Trao đổi với Phóng viên Báo TN&MT, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Phó trưởng Phòng Đo đạc - Bản đồ và Viễn thám (Sở TN&MT) tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Nghị quyết số 01 có ý nghĩa rất lớn đối với địa phương trong giai đoạn hiện nay, mục tiêu để bù đắp một phần chi phí đơn giá bồi thường đối với hộ gia đình cá nhân có đất bị thu hồi để thực hiện các dự án. Ví dụ, nếu người dân nhận tiền bồi thường, GPMB sớm đúng quy định sẽ được nhận thêm 43.200.000 đồng/1 sào đối với đất nông nghiệp quỹ 1. Qua đó góp phần giải quyết khó khăn của người dân, tạo sự đồng thuận; góp phần đẩy nhanh tiến độ GPMB để thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh.

Cũng theo bà Nhàn, hiện UBND tỉnh đã giao Sở TN&MT tiếp tục nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định triển khai Nghị quyết. Đến nay, Sở đã xây dựng Dự thảo Quyết định và đang lấy ý kiến các Sở, ngành liên quan nhằm hoàn thiện trước khi gửi Sở Tư pháp thẩm định để trình UBND ban hành.

Trường Giang