Nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV kết thúc thành công

Trong nước - Ngày đăng : 22:00, 31/03/2021

(TN&MT) - Đó là khẳng định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Mai Tiến Dũng tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2021, diễn ra chiều 31/3.

Buổi họp báo diễn ra sau phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Cuộc họp có sự tham dự của đại diện lãnh đạo nhiều Bộ, ngành và đông đảo phóng viên đến từ các cơ quan thông tấn, báo chí.

Nhiều điểm sáng

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, trong ngày 31/3, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 3/2021, phiên họp cuối cùng trước khi Chính phủ khóa XIV được kiện toàn với các thành viên Chính phủ mới.

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Thanh Tùng

Tại phiên họp, Chính phủ đã tập trung thảo luận về Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2021; Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; cùng một số nội dung quan trọng khác.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV đang diễn ra và tại kỳ họp này sẽ kiện toàn một số chức danh Nhà nước, trong đó có Chính phủ. “Có thể nói, nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến nay kết thúc hết sức thành công. Như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu tại Quốc hội ngày 24/3 vừa qua, Chính phủ khóa XIV đã tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực. Có được thành tựu đó là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân cả nước, và nhất là sự đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm của tập thể Chính phủ”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Về tình hình kinh tế-xã hội, Chính phủ cơ bản thống nhất đánh giá: Trong quý I/2021, với chỉ đạo điều hành chủ động quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhất là sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của Nhân dân cả nước, kinh tế, xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực, nhiều chỉ số tốt hơn, tăng trưởng GDP tốt hơn nhiều so với cùng kỳ, nhất là nông nghiệp ổn định trong khi quý I/2020 tăng trưởng âm do hạn mặn tại ĐBSCL.

Chính phủ tiếp tục tập trung cao độ phòng, chống dịch Covid-19; đến nay dịch đã được kiểm soát tại Quảng Ninh, Hải Dương; đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh trạng thái “bình thường mới” đã được lập lại, các hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại bình thường, khách du lịch tăng trưởng tốt. Các ca nhiễm mới đều là trường hợp nhập cảnh và được kiểm soát, cách ly, điều trị theo quy định; không để dịch bệnh lây lan ra ngoài cộng đồng.

Việc đặt hàng, nhập khẩu và tiêm vaccine đã được khẩn trương triển khai thời gian qua. Tính đến nay, chúng ta đã nhập khẩu hơn 117.000 liều và đã tiến hành tiêm cho gần 50.000 người; đồng thời tiếp tục nhập khẩu 1,37 triệu liều trong tháng 3 và 4/2021. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm vaccine trong nước vẫn tiếp tục được đẩy mạnh, hứa hẹn những kết quả tích cực.

Trên cơ sở những kết quả đạt được thời gian qua, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021. Ngân hàng HSBC dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7%; tổ chức tài chính Fitch Solutions dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng trung bình 6,5% trong giai đoạn 2021-2030. Trong báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam tháng 3/2021, Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,5% với tỷ lệ lạm phát được dự báo sẽ ở mức 4%. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức “Ba3” và nâng triển vọng từ tiêu cực lên tích cực.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV cũng là nhiệm kỳ chính phủ không nợ đọng văn bản, luật, pháp lệnh. Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 đã rất tích cực, theo tinh thần của Thủ tướng là Chính phủ kiến tạo, dựa trên thượng tôn pháp luật, quan tâm đến việc xây dựng thể chế, nhất là các văn bản cải cách. Nhiệm kỳ này cũng là lần đầu tiên Thủ tướng đưa ra chủ trương: Ban hành 1 văn bản mới thì phải huỷ 1 văn bản cũ, một luật cố gắng không nhiều hơn 2 nghị định hướng dẫn, 1 nghị định sửa nhiều nghị định…

GDP quý I tăng 4,48%

Tại họp báo, Người phát ngôn của Chính phủ cũng điểm lại tình hình kinh tế-xã hội nổi bật trong quý I/2021. Theo đó, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế quý I/2021 cao hơn quý I/2020, ước tăng 4,48% (cùng kỳ tăng 3,68%). Hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường làm nhu cầu tín dụng của nền kinh tế tăng; thị trường chứng khoán tăng trưởng khá với tổng mức huy động vốn tăng 42% so với cùng kỳ.

Đồ họa: chinhphu.vn

Vốn đầu tư phát triển tăng khá, đạt 6,3%, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng (Vốn đầu tư công tăng 13%, đạt 15% kế hoạch; vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước tăng 5,7%; vốn FDI thực hiện tăng 6,5%). Tổng vốn FDI cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần đạt trên 10 tỷ USD, tăng 18,5%. Đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài tăng 6 lần. Doanh nghiệp thành lập mới tăng 27,5% vốn đăng ký. Thu, chi NSNN đạt kết quả tích cực (thu ngân sách bằng 23,8% dự toán).

Hoạt động xuất nhập khẩu ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ, tận dụng hiệu quả các Hiệp định FTA đã được ký kết. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 152,7 tỷ USD, tăng 24,1% (cùng kỳ tăng 5,9%). Xuất siêu trên 2 tỷ USD.

Chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát ở mức thấp; CPI tháng 3/2021 giảm 0,27% so với tháng trước, tăng 1,31% so với tháng 12/2020. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 3 tăng 1,16%, thấp nhất kể từ năm 2016.

Thị trường tiền tệ, tín dụng ổn định. Lãi suất tiếp tục được duy trì ở mức thấp, thị trường ngoại hối hoạt động hiệu quả, thanh khoản thị trường được bảo đảm, các dịch vụ thanh toán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt được đấy mạnh. Trong tháng, Moody cũng đã nâng mức tín nhiệm của 15 ngân hàng, phản ánh sức khỏe của nền kinh tế, năng lực, điều hành tốt của toàn hệ thống.

Sản xuất công nghiệp quý I/2021 đạt mức tăng trưởng khá 6,5% so với cùng kỳ 2020; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,45%; sản xuất và phân phối điện tăng trưởng ổn định, tăng 4,5%; ngành khai khoáng giảm sâu 8,24% do khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm mạnh.

Hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng có xu hướng phục hồi. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2021, tăng 5,1% so với cùng kỳ.

Tăng cường quản lý tiếng ồn

Tại Họp báo, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành đã trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên lên quan đến các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm thời gian qua như: Quyết toán thuế TNCN; triển khai “hộ chiếu vaccine”; tín dụng cho lĩnh vực bất động sản; vấn đề điều hành lãi xuất của NHNN hỗ trợ sản xuất; việc điều tra, xử lý của Bộ Công an đối với vụ việc Câu lạc bộ Tình Người, vụ việc xăng dầu giả...

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành trả lời câu hỏi của phóng viên về công tác quản lý tiếng ồn. Ảnh: Thanh Tùng

Về câu hỏi của phóng viên liên quan đến giải pháp quản lý tiếng ồn ảnh hưởng tới đời sống của người dân, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho rằng: Vấn đề ô nhiễm tiếng ồn đã được quan tâm từ rất sớm, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 155 ngày 18/11/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, chống tiếng ồn được quy định chi tiết hơn, có 1 Điều trong Luật.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Lê Công Thành, cái khó trong việc quản lý tiếng ồn là việc “lời nói gió bay đi”, tiếng ồn xong kết thúc rồi nếu chúng ta không đo đạc, ghi nhận được thì không có căn cứ để xử phạt.

Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, giải pháp trước mắt là cần đẩy mạnh tuyên truyền, có thể đưa tiêu chí về tiếng ồn trở thành một tiêu chí xét gia đình văn hóa. Đồng thời, cần tăng cường năng lực, trang thiết bị cho các cơ quan kiểm tra, giám sát để có thể đo đạc, ghi nhận tiếng ồn. Áp dụng các biện pháp giảm tiếng ồn đối với từng đối tượng cụ thể như với quán karaoke, vũ trường, quan bar... phải có các biện pháp cách âm hiệu quả được các cơ quan quản lý ở địa phương nghiệm thu, kiểm soát...

Bên cạnh đó, trong triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2020, Bộ TN&MT đang chỉ đạo xây dựng Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định xử phạt vi phạm hành chính. Các chuyên gia sẽ tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa các hành vi này trong các Nghị định trên trong thời gian tới.

Lưu Nguyên Sơn