Đánh giá trữ lượng nước khoáng và đá granit tại 3 địa phương
Khoáng sản - Ngày đăng : 13:02, 30/03/2021
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên phát biểu tại cuộc họp |
Báo cáo kết quả nghiên cứu bổ sung chất lượng nước khoáng tại lỗ khoan LK7 khu Mớ Đá, thị trấn Bo (xã Hạ Bì cũ), huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, ông Đỗ Văn Bình – Trung tâm nghiên cứu Môi trường Địa chất (Trường Đại học Mỏ - Địa chất), đơn vị tư vấn cho biết: Kết quả nghiên cứu đã xác định được đặc điểm cấu trúc địa chất của mỏ, xác định địa tầng chứa nước khoáng khu vực LK7. Đánh giá có cơ sở về nguồn gốc nước khoáng Mớ Đá – loại nước khoáng nóng có giá trị làm nước uống, giải khát.
Hơn nữa, kết quả nghiên cứu bổ sung và kết quả thăm dò trước đây đã xác định được trữ lượng khai thác nước khoáng ở LK7 các cấp: cấp B là 526 m³/ngày, cấp C1 là 456m3/ngày, cấp C2: 329 m³/ngày. Đây là trữ lượng rất đảm bảo cho khai thác bền vững so với yêu cầu của sản xuất hiện nay của công ty. Quá trình hút nước bổ sung cho thấy trữ lượng nước khoáng sau hơn 30 năm gần như không thay đổi.
Góp ý cho báo cáo, ông Nguyễn Văn Lâm - ủy viên Hội đồng cho biết: Lỗ khoan này có cấu trúc được gia cố nhưng theo quy định chung, phải xây dựng đới phòng hộ vệ sinh, do đó đề nghị xây dựng đới phòng hộ vệ sinh. Hơn nữa, lỗ khoan có cấu trúc 40 năm nhưng khi đánh giá chưa quan tâm nhiều đến nước khoáng, thành giếng và các ống chống, vì thế cần làm rõ hiện trạng của hệ thống khoan này sau 40 năm hoạt động.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên - Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia nhất trí thông qua trữ lượng khai thác nước khoáng ở LK7 như trong báo cáo. Thứ trưởng đề nghị chủ đầu tư (Công ty cổ phần Nước khoáng thương hiệu Kim Bôi) tham mưu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình và Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc khoan thủ công, khoan tay cấp nước cho các hộ gia đình, cần tuyên truyền vận động để không gây ô nhiễm nguồn nước chung, tuy nhiên đối với cơ sở kinh doanh (các công ty du lịch, lữ hành, dịch vụ ngâm tắm) thì buộc phải có giấy phép hoạt động.
Đối với kết quả thăm dò nâng cấp trữ lượng nước khoáng tại lỗ khoan K1 mỏ nước khoáng Phú Ninh thuộc xã Tam Đại, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, ông Lê Văn Tường – Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm cho biết: Trữ lượng khai thác nước khoáng tại lỗ khoan K1 rất lớn, tuy nhiên theo mục tiêu đề án đặt ra, kết quả thăm dò nâng cấp trữ lượng đã đạt được trữ lượng Q=4,72 1/s hay 407,8 m³/ng. Trong đó: Trữ lượng cấp B là 216 m3/ngày; tài nguyên cấp C1: 192m³/ngày.
Ông Nguyễn Văn Nguyên – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam - ủy viên Hội đồng yêu cầu Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm làm rõ độ tin cậy của 2 phương pháp phân tích năm 2020 và phương pháp phân tích hiện nay. Ông Phạm Quý Nhân – người phản biện đề nghị chủ đầu tư (Công ty cổ phần đầu tư du lịch Hùng Cường) xây dựng hệ thống bảo ôn nhiệt độ, lưu ý cần thiết có hệ thống ống ở ngoài bảo vệ để tránh thất thoát nhiệt, gây giảm nhiệt độ của nước khoáng. Ngoài ra, cần có giải pháp quan trắc xem xét sự biến động do hòa trộn vật chất hoặc giảm nhiệt độ của nước khoáng trong quá trình sử dụng.
Thứ trưởng Trần Quý Kiên yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng để hoàn thiện báo cáo. Theo Thứ trưởng, lỗ khoan K1 có tuổi thọ hơn 40 năm nên chủ đầu tư cần thường xuyên kiểm tra chất lượng, khi có hiện tượng hoen gỉ hay hỏng cần nhanh chóng xử lý, tránh gây ô nhiễm cho nguồn nước thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Quang cảnh cuộc họp |
Báo cáo kết quả thăm dò đá granit làm ốp lát khu vực núi Ma Vieck 3, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, ông Nguyễn Tiến Dũng – Công Ty cổ Phần Tư Vấn Đầu Tư Khoáng Sản Việt, đơn vị tư vấn cho biết: Tổng trữ lượng đá granit có cỡ khối ≥0,4m3 làm ốp lát cấp 121+122 là 5.095 nghìn m3; tổng trữ lượng đá làm vật liệu xây dựng thông thường (đá chẻ) là: 1.462 nghìn m3. Với trữ lượng đá granit làm ốp lát như trên đủ điều kiện để Công ty cổ phần Đá Phú Tài Ninh Thuận đầu tư công nghệ khai thác và chế biến công nghiệp với công suất 20.000 ÷50.000m3/năm. Ngoài ra, khối lượng đá chẻ xây dựng đi kèm có thể khai thác cung cấp cho các công trình xây dựng dân dụng trong khu vực và lân cận.
Ông Phạm Văn Hưng – Thư ký Hội đồng cho biết: Báo cáo cơ bản tổng hợp đủ các kết quả thăm dò, xác định được đặc điểm địa chất và đánh giá quy mô, chất lượng của đá granit làm ốp lát và làm đá chẻ xây dựng đi kèm trong diện tích thăm dò.
Thứ trưởng Trần Quý Kiên nhất trí với kết quả khai thác thử nghiệm cho tỷ lệ thu hồi cỡ khối ốp lát ≥ 0,4 m3 đạt 34,87%. Riêng đối với đá chẻ thu hồi được, Thứ trưởng yêu cầu tính toán lại độ thu hồi để sau này đưa vào dự án đầu tư, dựa vào khả năng tiêu thụ sản phẩm trong tương lai.